Theo đó, mức hỗ trợ cây trồng hằng năm từ 5-10% đối với diện tích bị voi rừng phá hoại gây thiệt hại từ 30-70% và từ 10-15% với diện tích thiệt hại từ 70% trở lên. Đối với mức hỗ trợ cây trồng lâu năm là 15%, đối với diện tích bị thiệt hại từ 30-50% và hỗ trợ 30% đối với diện tích thiệt hại từ 50% trở lên. Riêng đối với tài sản khác, như: chòi tạm, thiết bị vật tư nông nghiệp được hỗ trợ 30% giá trị bị thiệt hại do voi rừng gây ra.
Các hộ dân có tài sản bị voi rừng phá hoại trong năm 2020, đều phấn khởi khi nhận được tiền hỗ trợ đúng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; đồng thời, bày tỏ lo lắng, hiện đang là thời điểm bước vào vụ thu hoạch mía, xoài, đây là hai loại mà đàn voi rừng rất ưa thích. Do đó, tần suất đàn voi rừng xuất hiện sẽ cao, dẫn đến nguy cơ xung đột giữa voi rừng với người dân là rất lớn.
Hiện, đàn voi rừng ở Đồng Nai có hơn 15 cá thể. Thời gian qua, để hạn chế xung đột giữa đàn voi rừng với người dân sống sát các khu vực rừng, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện dự án hạng mục hàng rào điện để bảo tồn voi. Tuy nhiên, còn khoảng 20km nữa vẫn chưa thể thực hiện được, khiến đàn voi rừng thường xuyên về khu vực xã Thanh Sơn. Do vậy, người dân địa phương mong các cấp ngành liên quan khẩn trương xây dựng hoàn thành hàng rào điện còn lại.