Dự án Trường Sơn Xanh được bắt đầu triển khai vào năm 2017, với tổng ngân sách phê duyệt 24 triệu USD (14 triệu dành cho Quảng Nam và 10 triệu dành cho Thừa Thiên Huế).
Dự án có ba nhiệm vụ chính: Tăng cường sử dụng đất phát thải thấp, bảo tồn trữ lượng carbon hiện có; Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học; tăng khả năng thích ứng cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Trong bốn năm qua, Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế trong việc bảo vệ đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu của khu vực và hỗ trợ các cộng đồng địa phương và dân tộc thiểu số đa dạng hóa và cải thiện sinh kế.
Cụ thể, USAID đã hỗ trợ tập huấn cho 15.254 người về cảnh quan bền vững và 9.669 người về quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; hỗ trợ cải thiện hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên đối với 512 nghìn ha rừng có giá trị đa dạng sinh học cao. Góp phần giúp hơn 28.700 người được nâng cao thu nhập; 94 cơ quan chức năng được nâng cao năng lực; 11,7 triệu tấn CO2 tương được được giảm, hấp thụ; huy động được 59,8 triệu USD đầu tư từ ngân sách Nhà nước, khối tư nhân và cộng đồng cho việc phát triển chuỗi giá trị, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; bảy gói tài trợ trị giá 1,2 triệu USD được trao cho các viện và hiệp hội…
Bên cạnh những nỗ lực về môi trường, dự án đã hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống trong hoặc quanh khu vực bảo tồn, khu vực khó khăn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số đạt hiệu quả như: phát triển bền vững chuỗi giá trị cây đẳng sâm tại huyện Tây Giang; bảo tồn và phát triển ớt A Riêu tại huyện Đông Giang; phát triển các sản phẩm từ rừng như mây tre, sản phẩm lâm sản, cây dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ… của tỉnh Quảng Nam; nuôi ong phát triển sinh kế bền vững tại huyện Phú Lộc; sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn tại huyện A Lưới; phát triển các sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ Cơ Tu… của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự án đã hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện điều kiện sản xuất và chế biến để tiết kiệm chi phí sản xuất nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Phát triển thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đã được phối hợp, lồng ghép thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm dược liệu như đẳng sâm, ba kích, chè dây đã được cấp Giấy chứng nhận OCOP của địa phương.
Các kết quả dự án đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của đại đa số người dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, các bộ phận người dân ở ven biển đầm phá và đặc biệt quan tâm đến nhóm yếu thế như người nghèo, phụ nữ, trẻ em.
Việc cải thiện sinh kế gắn với bảo tồn giúp người dân phát triển sinh kế bền vững gắn với rừng, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận, định hướng nhằm bảo đảm tính bền vững cho các dự án; chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn đa dạng sinh học và ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị thu mua và hợp tác xã, nhóm hộ sản suất nhằm bảo đảm thu nhập, ổn định đầu ra và tăng cường sự tham gia của khối tư nhân vào dự án.
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết: USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế trong 5 năm tới thông qua các dự án của USAID vừa được trao thầu là Dự án bảo tồn đa dạng sinh học và Dự án quản lý rừng bền vững. Hai dự án mới này cho phép tiếp tục những phương thức tiếp cận rất hiệu quả đã được áp dụng trong khuôn khổ Dự án Trường Sơn Xanh, từ đó tạo ra những tác động tích cực tại các tỉnh và những cộng đồng khác ở Việt Nam.