Những ngày vừa qua, dư luận tại Trung Quốc và nước ngoài hết sức quan tâm vụ việc sữa nhiễm chất độc melamine ở Trung Quốc và các biện pháp nước này xử lý vụ việc. Khoảng 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới cấm và hạn chế nhập khẩu sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tại Việt Nam cũng đã phát hiện sữa Y Lợi (Yili), nằm trong danh mục sữa nhiễm độc chứa melanine của Trung Quốc.
Tính đến nay, số trẻ ở các nước bị bệnh do chất melamine trong những sản phẩm này đã tăng lên khoảng 54.000. Có ít nhất bốn trẻ em chết do dùng sữa nhiễm độc này. Hồng Công và Ma Cao cũng thông báo ba trường hợp trẻ em bị ốm nghi do uống sữa nhiễm độc.
Khó khăn trong quản lý chất lượng thực phẩm ở Trung Quốc
Bốn năm trước đây, tại Trung Quốc có ít nhất 13 trẻ chết vì suy dinh dưỡng sau khi uống phải sữa bột giả. Gần 200 em bé đã bị mắc chứng bệnh đầu to. Hầu hết các em nhỏ chết vì uống sữa kém chất lượng đều sống tại khu vực ngoại ô thành phố Phúc Dương, tỉnh An Huy.
Vụ bê bối mới đã lặp lại những lo ngại về hệ thống các quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc, ngay cả khi lãnh đạo nước này cam kết tăng cường giám sát các sản phẩm lúc Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu thực phẩm lớn.
Chính phủ Trung Quốc cam kết hành động kiên quyết để giải quyết vụ việc trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước tăng cường công tác kiểm tra thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 21-9, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tới Bệnh viện Nhi Bắc Kinh để thăm hỏi những trẻ em đang được điều trị sau khi dùng sữa nhiễm melamine, thăm hỏi một số gia đình có con em bị nhiễm độc melamine và đến kiểm tra một số cửa hàng bán sữa ở Bắc Kinh.
Phát biểu ý kiến tại New York (Mỹ), ngày 24-9, nhân dịp dự hội nghị Ðại hội đồng LHQ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định, Chính phủ Trung Quốc quyết tâm nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, đã ra lệnh thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các sản phẩm từ sữa nhiễm độc, tăng cường điều tra mọi đầu mối cũng như quy trình sản xuất, đồng thời nỗ lực hết sức để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Ông nhấn mạnh, Trung Quốc đặt mục tiêu xuất khẩu thực phẩm cũng như các sản phẩm khác đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, nhu cầu đặc thù của mỗi quốc gia nhập khẩu.
Một nhóm gồm 316 nhà sản xuất và đại lý bán lẻ sữa Trung Quốc đã ra tuyên bố chung cam kết giữ trong sạch ngành sữa, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và có hành động cụ thể để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Trước đó, các nhà điều tra Trung Quốc đã thanh tra dây chuyền sản xuất của Công ty Tam Lộc và phát hiện ra chất melamine trong sữa nguyên chất được hai nhà sản xuất cung cấp cho Tập đoàn Tam Lộc để làm sữa bột. Cảnh sát tỉnh Hà Bắc đã bắt giữ 19 người tình nghi liên quan vụ việc, 78 người khác bị thẩm vấn. Sở Công an Hà Bắc cho hay, sáu người bị bắt giữ vì tình nghi bán hóa chất melamine và số còn lại là những nhà cung cấp sữa, đã trộn hóa chất vào sữa nguyên liệu để tăng độ đạm rồi đem bán cho Tam Lộc.
Hàng loạt các quan chức đã bị sa thải vì vụ bê bối này. Thị trưởng Thạch Gia Trang và Tổng cục trưởng Tổng cục Kiểm định Chất lượng quốc gia Trung Quốc Lý Trường Giang đã mất chức.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã thu giữ 2.176 tấn sữa bột trong kho hàng của Tập đoàn Tam Lộc. Khoảng 8.218 tấn khác trên thị trường đã bị thu hồi. Khoảng 700 tấn sữa bột đang được đưa trở lại Thạch Gia Trang. Tất cả số sữa nhiễm độc sẽ bị tiêu hủy. Tam Lộc, với 42% vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn sữa Fonterra (New Zealand), đã được lệnh ngừng sản xuất.
Chính quyền địa phương che giấu sự thật
Tập đoàn Tam Lộc bắt đầu nhận được than phiền về sữa bột trẻ em từ hồi tháng 3-2008. Sau đó tập đoàn này đã thừa nhận có một số vấn đề sau khi tự tiến hành điều tra và cho thu hồi một phần các sản phẩm này. Tuy nhiên, một thời gian dài sau đó, tập đoàn này không hề báo cáo sự việc với Chính phủ và cũng không thông báo với công chúng. Phải sáu tuần sau khi biết thông tin, các nhà chức trách địa phương của nước này mới thu hồi sữa nhiễm độc.
Tập đoàn bơ sữa của New Zealand là Fonterra, cho biết, lần đầu tiên họ biết Tam Lộc bán sữa nhiễm độc vào ngày 2-8 và đã báo cáo lên Chính phủ New Zealand.
Thủ tướng New Zealand H.Clark đã xác nhận thông tin về Fonterra đã báo cáo vấn đề này lên các quan chức địa phương của Trung Quốc nhưng đề nghị thu hồi của họ không nhận được phản hồi. Chỉ đến khi bà H.Clark thông báo lên Chính phủ Trung Quốc, thì mọi việc mới được triển khai. Mãi đến ngày 11-9, Tập đoàn Tam Lộc mới ra thông báo thu hồi toàn bộ số sữa đã sản xuất trước ngày 6-8. Bộ Y tế Trung Quốc cho biết, tới ngày 8-9 mới hay tin về vụ sữa nhiễm độc.
Melamine là một chất hóa học được sử dụng trong sản xuất nhựa và thuốc trừ sâu. Chất này bị nghiêm cấm trong chế biến thực phẩm. Theo các chuyên gia, melamine được trộn vào sữa tươi để làm cho hàm lượng đạm trong sữa hiện ra cao hơn thực tế.
Trong cuộc thẩm vấn đối với hai anh em họ Canh ở Hà Bắc (Trung Quốc), họ khai rằng đã bán ba tấn sữa nhiễm độc mỗi ngày kể từ cuối năm ngoái. Họ cho biết, đã thêm melamine vào sữa để tạo chỉ số đạm cao vì từng bị lỗ sau khi bị Tam Lộc nhiều lần từ chối mua sữa của họ do không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Ðiều đáng nói là gia đình hắn chưa bao giờ uống sữa nhiễm độc và hắn cũng biết rõ mình đang lừa Tập đoàn Tam Lộc bằng cách cho hóa chất vào sữa.
Một nghi phạm họ Tô thú nhận đã bán bốn tấn melamine cho các nông trang cung cấp sữa địa phương và các trung tâm thu mua sữa từ tháng 2-2007 đến tháng 7-2008.
Diễn biến vụ bê bối sữa nhiễm độc * Tháng 12-2007: Tập đoàn Tam Lộc nhận được những than phiền của người tiêu dùng về việc trẻ em bị ốm sau khi uống sữa bột Tam Lộc. * Tháng 6-2008: Tam Lộc công nhận sữa bột của họ có chứa hóa chất melamine. * Ngày 30-6: Cơ quan kiểm soát chất lượng Trung Quốc nhận được thông tin có năm em nhỏ ở tỉnh Hồ Nam phải nhập viện vì các triệu chứng sỏi thận, tất cả các bệnh nhi này đều uống sữa bột Tam Lộc. * Ngày 2-8: Chính quyền TP Thạch Gia Trang, nơi Tập đoàn Tam Lộc đóng đô, đã báo cho Tam Lộc về vụ sữa bột của hãng nhiễm độc. Tập đoàn sữa Fonterra của New Zealand, nhà đầu tư chính ở Tam Lộc, yêu cầu thu hồi sản phẩm khẩn cấp. * Ngày 6-8: Tam Lộc thu hồi sữa bột từ các nhà phân phối, nhưng không công bố việc thu hồi trước công chúng. * Ngày 5-9: Fonterra báo cáo lên Thủ tướng New Zealand H.Clác về vấn đề sữa nhiễm độc. Ba ngày sau, Chính phủ New Zealand thông báo sự việc cho Chính phủ Trung Quốc. * Ngày 9-9: Quan chức TP Thạch Gia Trang báo cáo vụ việc cho chính quyền tỉnh Hà Bắc. Một ngày sau, tỉnh Hà Bắc báo cáo với Chính phủ Trung Quốc. * Ngày 11-9: Tam Lộc công khai thu hồi 700 tấn sữa bột trẻ em. Chính phủ Trung Quốc cam kết trừng phạt nghiêm khắc những người chịu trách nhiệm. * Ngày 15-9: Phó Chủ tịch Tập đoàn Tam Lộc xin lỗi người dân vụ bê bối, nhưng không giải thích việc chậm trễ công bố thông tin. * Ngày 16-9: Trung Quốc phát hiện ra 22 công ty sữa có sản phẩm chứa hóa chất melamine. Tổng Giám đốc Tập đoàn Tam Lộc Thiên Văn Hoa bị sa thải. * Ngày 17-9: Hai công ty sữa lớn nhất Trung Quốc là Tập đoàn sữa Mông Ngưu và Tập đoàn Công nghiệp Y Lợi thu hồi sản phẩm sữa bột. * Ngày 18-9: Chính quyền địa phương bắt giữ thêm 12 người liên quan tới vụ bê bối. Cảnh sát đã thu giữ được hàng tấn hóa chất melamine. * Ngày 19-9: Cuộc khủng hoảng lan rộng sau khi Trung Quốc tuyên bố, kết quả kiểm tra cho thấy sữa nước do ba công ty sữa hàng đầu Trung Quốc sản xuất cũng có hóa chất độc hại. * Ngày 21-9: Bộ Y tế Trung Quốc cho hay, số trẻ em bị ốm do dùng sữa nhiễm độc đã tăng lên 53.000 em, trong đó có 12.892 em còn đang điều trị tại bệnh viện, 104 em trong tình trạng nguy kịch. Hồng Công thông báo về trường hợp bệnh nhi đầu tiên bị ốm vì sữa bẩn bên ngoài Trung Quốc đại lục. * Ngày 22-9: Ông Lý Trường Giang, Tổng cục trưởng Tổng cục Kiểm định Chất lượng quốc gia Trung Quốc từ chức. |