Hình ảnh con gà trong mỹ thuật Việt Nam

NDO -

NDĐT –Trong mỹ thuật Việt Nam luôn hiện diện hình bóng chú gà, với nhiều cách thể hiện khác nhau. Mỗi thời kỳ, con gà lại được dùng để biểu đạt những mong muốn, ước vọng khác nhau. Không những xuất hiện trong mỹ thuật cổ và mỹ thuật dân gian từ khá sớm, cho đến nay con gà vẫn là cảm hứng sáng tạo của nhiều họa sĩ đương đại.

Tranh Gà đàn - tranh dân gian Đông Hồ.
Tranh Gà đàn - tranh dân gian Đông Hồ.

Gà trong tranh dân gian

Quan niệm dân gian xưa, gà trống với tiếng gáy vang tận đỉnh núi cao làm ma quỷ khiếp sợ, gọi ánh sáng xua tan bóng tối, là biểu tượng của thần hộ mệnh, diệt trừ, chế ngự cái xấu. Chính vì vậy, hình ảnh con gà xuất hiện trong mỹ thuật dân gian khá sớm.

Tranh gà sớm xuất hiện cùng với tranh thần Chung Quỳ (Thần Canh Cửa), để trấn quỷ trừ tà. Gà từng được cung kính tôn thờ như một thế lực siêu phàm. Tiếng gà gáy cất lên làm đổ vỡ những thế lực hắc ám, xua tan màn đêm tăm tối, báo một ngày mới bắt đầu.

Hình tượng con gà sớm nhất được tìm thấy qua tượng đất nung và tác phẩm điêu khắc bằng đồng vào thời Đông Sơn, như tượng gà tìm thấy ở Hà Tây với hình dáng gà cách điệu đến mức tối giản nhưng vẫn nhận ra là con vật quen thuộc qua những nét tạo hình của đầu, mào, đuôi mang tính nghệ thuật cao.

Về sau, các nhà nghiên cứu tìm thấy hình ảnh con gà trên một cái ấm uống trà thời Lý. Đến thời Trần, hiện nay có tiêu bản duy nhất có lưu lại hình ảnh con gà chọi ở thế kỷ 13. Sang đến thời Lê, có rất nhiều hình ảnh gà như cảnh chọi gà trong điêu khắc Đình thế kỷ 17.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Vào năm 1997, ở Cửa Đại vớt được con tàu đắm (chở đồ gốm Chu Đậu xuất khẩu), trong đó chúng ta tìm được tương đối nhiều các tiêu bản gốm: đĩa gốm, lọ gốm, bát gốm có hình ảnh con gà. Chiếc bát đẹp nhất, độc đáo nhất là chiếc ấm có hình hai con gà. Hiện nay chiếc ấm này được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Ở trong bộ tranh khắc của ông Henri Oger đã in ở Việt Nam có cảnh chọi gà rất độc đáo”.

 Hình ảnh con gà trong mỹ thuật Việt Nam ảnh 1
Tranh chọi gà của Henri Oger (năm 1908).

Đặc biệt, hình ảnh con gà in dấu đậm nét trong các dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Với dòng tranh Đông Hồ, con gà xuất hiện mộc mạc bình dị với nhiều ý nghĩa khác nhau, và rất dễ nhận ra với lối vẽ khỏe khoắn, mộc mạc. Tranh gà Đông Hồ đồng nghĩa với tranh tết, hàm chứa những chúc tụng và gửi gắm khát vọng vinh hoa xum vầy. Nổi bật nhất là bức tranh gà Đại Cát thể hiện hình ảnh chú gà trống dũng mãnh với với những đường nét chắc khỏe, biểu hiện 5 đức tính cao quý của người quân tử: văn, tín, nhân, vũ, dũng.

 Hình ảnh con gà trong mỹ thuật Việt Nam ảnh 2
Tranh gà Vinh Hoa- dòng tranh Đông Hồ.

Tranh "Vinh hoa" của làng tranh Ðông Hồ là hình tượng một bé trai bụ bẫm ôm gà trống. Gà trống, gà mái, gà con quây quần trong tranh ấm cúng, đoàn tụ và sung túc, như ước nguyện bình dị của người Việt Nam... "Gà đàn" mà con gà mái mẹ ngậm mồi gọi con trông cũng thật đáng yêu. Tết, nhìn tranh gà thấy thú vui sum họp, thân thương.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Trong tranh dân gian Đông Hồ có năm mẫu vẽ gà, nhưng mọi người thường chỉ biết tranh gà Đại Cát. Tôi cũng không rõ vì sao trong các con vật biểu trưng của từng năm, chỉ duy nhất có con gà có bức tranh gắn tên Gà Đại Cát”.

 Hình ảnh con gà trong mỹ thuật Việt Nam ảnh 3
Tranh gà Đại Cát.

Trong dòng tranh Hàng Trống, con gà xuất hiện bên những khóm hoa mẫu đơn biểu hiện cho những mong muốn cuộc sống an lạc, thanh tịnh và còn là sự thể hiện khí chất của người quân tử trong sự hòa hợp với tự nhiên. Còn trong tranh Kim Hoàng, tranh gà gắn liền đời sống tâm linh – tranh gà để thờ tự với hình ảnh “Thần kê trừ tà”. Ngày tết treo tranh gà Kim Hoàng để cầu mong an lành hạnh phúc.

 Hình ảnh con gà trong mỹ thuật Việt Nam ảnh 4
Tranh gà Kim Hoàng.

Một điều đặc biệt, theo họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, năm 2017, một nhóm các bạn yêu nghệ thuật truyền thống đã tìm thấy bức tranh gà trong một cuốn sách thuộc dòng tranh Kim Hoàng bị thất truyền suốt 70 năm. Nhóm nghệ nhân trẻ đã khắc và in lại. Như vậy, lần đầu tiên tranh gà Kim Hoàng quay trở lại đời sống vào đúng năm Đinh Dậu.

 Hình ảnh con gà trong mỹ thuật Việt Nam ảnh 5
Bản khắc gỗ tranh gà làng Sình.

Theo nhà nghiên cứu Trần Thanh Bình, trong tranh dân gian làng Sình ở Huế, có tranh con gà trong bộ 12 con giáp với nhiều kiểu thức tạo hình khác nhau một cách mộc mạc, đơn giản bằng đường nét khắc nổi rồi bôi mực đen, in lên giấy, sau đó điểm tô màu. Trong trang trí cung đình thời Nguyễn ở Huế, hình tượng con gà xuất hiện trên Cửu Đỉnh và các trang trí kiến trúc nề đắp nổi, nề họa, khảm sứ, đất nung. Con gà khắc đúc trên Chương đỉnh, một trong 9 đỉnh đặt tại Thế Miếu là hình tượng rất khỏe khoắn, con gà đầy khí dũng và tạo hình sống động của hình tượng linh cầm, mang ý nghĩa đại cát, bình an. Có thể nói bố cục chặt chẽ, tỷ lệ chính xác giữa hoa lá, gà, không gian và sự diễn tả từng dải lông, vệt sóng trên thân con gà cùng vân hoa mào gà, các gò đất, hoa cỏ… xung quanh càng làm cho hình tượng gà trên Chương đỉnh càng thêm sự hài hòa và đầy tính hiện thực ẩn dụ.

Tại điện Ngưng Hy, nổi bật là hình tượng gà với trong bố cục đã được định vị sẵn cho trang trí kiến trúc, với con gà trống - mái khỏe khoắn, sống động, ánh lên màu men nâu chắc bóng gắn trên dải gờ mái. Có thể thấy một chú gà gần như vậy ở Hưng Miếu (Đại Nội), nhưng là bằng nghệ thuật nề đắp nổi, tô màu trong cổng của miếu thờ này.

Nói về hình ảnh con gà trong tranh dân gian, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ: “Dòng tranh dân gian có không gian hết sức đặc sắc và riêng biệt. Các nghệ nhân xưa khi tạo tranh dân gian Đông Hồ hay tranh Hàng Trống, Kim Hoàng đều chứa đựng khát khao hạnh phúc, khát khao đời sống bình yên ấm áp của những người hết sức bình thường. Nó làm cho tranh dân gian còn lại đến giờ lúc nào cũng gần gũi, đầy tình cảm mà người nghệ nhân muốn chia sẻ mang đến cho con mắt bất kỳ ai. Ở đó, bên cạnh sự mộc mạc, chân tình cảm xúc còn có đan cài sự tinh tế về mặt tạo hình. Nét khắc của các nghệ nhân có độ uyển chuyển, bay múa tạo nên sự sống động của con vật”.

Gà là vật nuôi gắn bó với cuộc sống con người, nên con gà được quan sát, diễn tả rất chính xác, được chạm nổi trong các thế dáng vô cùng sinh động, dân dã mà tinh tế trong từng chi tiết.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn phân tích: “Mỗi dòng tranh đều có quan điểm tạo hình khác nhau. Ví dụ cách tạo hình của tranh Đông Hồ bình dị vì đó là dòng tranh ở quê nên có sự chất phác, mộc mạc. Trong khi đó, dòng tranh Hàng Trống là tranh đô thị nên có những sự cầu kỳ, khác biệt. Nó có sự uyển chuyển, trang nhã, mang dấu ấn đậm nét phong cách cách sống của người Hà Nội. Ở dòng Đông Hồ có tranh đàn gà mang đến vinh hoa phú quý, cũng là ước ao hạnh phúc của người Việt qua nhiều thế kỷ không hề suy đổi”.

Vẽ tranh gà- cảm hứng sáng tạo của các họa sĩ đương đại

Trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, theo họa sĩ Lê Thiết Cương, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là người vẽ gà nhiều nhất. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng chung chia sẻ này khi cho rằng, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã tiếp thu tinh hoa của các dòng tranh dân gian để tạo nên những tác phẩm tranh gà đặc sắc, tiêu biểu như “Con giống”.

 Hình ảnh con gà trong mỹ thuật Việt Nam ảnh 6
Gà trong bộ tranh con giống của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

“Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là con người đi ra từ di sản, là người kết nối di sản, là người lắng nghe mách bảo của quá khứ, nhất là dòng tranh dân gian Đông hồ... Vì thế, hình ảnh con gà của Nguyễn Tư Nghiêm không phải là con gà thuần túy, mà có sự sinh động của cấu trúc nét vẽ” – họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết.

Tiếp theo họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, hầu như trong giới mỹ thuật đương đại, họa sĩ nào cũng từng lựa chọn đề tài gà. Con gà với nhiều màu sắc, đường nét luôn hấp dẫn về thị giác và tạo hình, mang đến những cảm hứng sáng tạo cho người họa sĩ. Họ vẽ gà trên chất liệu sơn dầu, sơn mài, bột màu, mực tàu, màu nước, vẽ trên toan, giấy dó, đĩa, gốm Bát Tràng… Tất cả các chất liệu, phong cách đã được các họa sĩ sử dụng để tạo nên những bức tranh gà theo cách nhìn của mỗi người.

Họa sĩ Đỗ Phấn nói: “Con gà có nhiều lợi thế so với nhiều con giáp khác, có nhiều chi tiết rất đẹp, yếu tố trang trí rất mạnh, cùng với các động tác, biến chuyển về dáng rất phong phú, cho đến rất nhiều giống loài nên màu sắc cũng thiên hình vạn trạng”.

 Hình ảnh con gà trong mỹ thuật Việt Nam ảnh 7
Tranh gà của họa sĩ Thành Chương.

Trước thềm năm mới, họa sĩ Thanh Chương đã cho ra mắt một bộ sưu tập gồm 60 tranh gà, nhân kỷ niệm 60 năm ông vẽ bức tranh gà đầu tiên. Họa sĩ cho biết, con gà vốn có tạo hình rất đẹp nên đã là nguồn tạo cảm hứng cho các họa sĩ. 60 bức tranh gà của họa sĩ Thành Chương được vẽ với ba chất liệu: bột màu, sơn dầu, sơn mài. Đàn gà nghệ thuật của họa sĩ Thành Chương đa sắc, đa diện, thể hiện sinh động nhiều tích truyện như gà trống nuôi con, gà gáy sáng, gà nở, triết lý đời sống, nhân cách hóa con gà, thậm chí lồng ghép cả đời sống con người vào, thể hiện muôn mặt xã hội khi vẽ gà chọi, gà cảnh, gà rừng, gà yêu thương nhau, duy trì nòi giống...

Với họa sĩ Phạm Hà Hải, một trong những họa sĩ góp mặt trong Hội chợ nghệ thuật Domino Art fair với bộ tranh “Mẹ Âu Cơ”, hình ảnh con gà lại mang đến những cảm xúc khác. Anh chia sẻ: “Giới hoạ sĩ thường chọn hình tướng gà đa sắc (phần lớn là gà trống) để phô bày trọn vẹn vẻ uy dũng, ngợi ca những khí tiết vốn có... Trong tranh dân gian Đông Hồ, tôi rất thích bức tranh "gà đàn". Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tình mẫu tử trong hình tượng sum vầy gà mẹ - gà con ấy, tôi chợt nghĩ tới truyền thuyết "bọc trăm trứng". Bộ tranh "Mẹ Âu Cơ", với 100 bức tranh độc lập của tôi đã ra đời trong tâm thế ấy”.

Nhiều họa sĩ tên tuổi hiện nay như Lê Thiết Cương, Vũ Tuyên, Tào Linh, Phạm Trần Quân, Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Quốc Thắng, Ngọc Điệp, Nguyễn Hồng Quang, Ngô Thị Bình Nhi, Đỗ Dũng, Nguyễn Quốc Thái… đều có vẽ gà. Nhân Tết Nguyên đán Đinh Dậu, đã có nhiều triển lãm về tranh gà như Hanoi Domino Art fair, Dậu Dome…, hay nhiều họa sĩ đã giới thiệu những bộ sưu tập tranh gà mà họ ấp ủ bấy lâu. Có thể nói, chưa có năm nào mà con giáp lại được “tung xòe” nhiều trong hội họa như con gà của năm Đinh Dậu này.