Hiệu quả từ trồng sen trên đất trũng Hà Nam

NDO -

Những ngày hè nắng chói chang, về vùng đất chiêm trũng Hà Nam, chúng ta dễ dàng cảm nhận những cánh đồng sen rộng mênh mông, bát ngát hương thơm đang vào vụ thu hoạch.

Người dân xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên thu hoạch sen.
Người dân xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên thu hoạch sen.

Theo chân những người trồng sen đi thu hoạch, chúng tôi có mặt từ sáng sớm, trên cánh đồng Chuôn, thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên. Cánh đồng rộng hơn chục ha, liền vùng, liền thửa, một màu sen xanh ngát, hương sen man mát lan tỏa làm dịu đi cái nắng nóng như đổ lửa của ngày hè, tạo nên khung cảnh tuyệt vời. Rẽ những thân sen mọc tốt cao quá đầu người, ẩn dưới những tán lá sen xanh ngắt là những bông sen hồng thơm ngát, những đài sen màu xanh ngọc ngã gục xuống mặt đầm, ấy là những cành có đài sen mây mẩy chín đúng vụ, đã đến ngày cho thu hoạch.

Trước đây, tại xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, sen chỉ được trồng ở các ao, hồ, thì nay nhiều hộ dân trong xã đã đưa cây sen vào trồng trên bốn khu đồng trũng, đất chua cấy lúa kém hiệu quả là đồng Chuôn, Sao Sa, Thế Tường, Bắc sáu mươi và Nam sáu mươi, với tổng diện tích khoảng hơn 40 ha. Diện tích này trước kia thường trồng lúa nhưng năng suất đạt thấp, bấp bênh do thường xuyên bị ngập úng, chất đất chua phèn, khó cải tạo

sen2-1594719771333.JPG
 Cánh đồng sen cánh xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên.

Nhằm giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân chuyển đổi từ cây lúa sang trồng sen, đem lại giá trị cao về kinh tế.

Là người đã có thâm niên hàng chục năm trồng sen, ông Lương Xuân Văn ở thôn Thế Tường, xã Chuyên Ngoại, cho biết: “Nhận thấy sen rất phù hợp đồng đất thấp trũng ở địa phương, đây là cây trồng dễ chăm sóc, không chịu tác động nhiều từ điều kiện bất lợi của môi trường, đặc biệt là cây sen không dùng thuốc sâu hay hóa chất gì. Nên tôi thấy cây sen rất phù hợp đất ruộng thấp trũng của địa phương mang lại hiệu quả gấp năm đến sáu lần trồng lúa”.

Tham gia trồng sen với diện tích hơn 4 ha, ông Trần Văn Quang ở thôn Từ Đài, cho biết: Cây sen có ưu điểm dễ trồng, dễ thích nghi với vùng đất trũng thấp, úng nước, lại ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, năng suất ổn định, sản phẩm dễ tiêu thụ. Thời gian thu hoạch ngắn, chỉ sau từ ba đến bốn tháng cho thu hoạch, đầu tư một lần nhưng thu nhập nhiều lần. Sau khi thu hoạch sen, các hộ lại tận dụng thả cá, tôm trên chính diện tích trồng sen. Hiện nay, bình quân mỗi héc-ta sen cho thu lãi từ 60 đến 80 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so các cây trồng khác.

Theo người trồng sen, từ đầu tháng 4 đến tháng 8 âm lịch là thời vụ chính để thu hoạch sen hạt ở nơi đây. Hằng ngày, người trồng sen cũng phải thức dậy sớm từ khoảng 5 giờ sáng để đi hái bát sen tránh thời tiết nắng nóng.

sen3-1594719776170.jpg
Sau khi thu hoạch, người dân bóc gỡ đài sen. 

Gạt vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Lương Văn Vang, thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi trồng khoảng hơn 4ha sen trên cánh đồng Chuôn. Trước đây, xứ đồng Chuôn là vùng trũng, chất đất chua phèn, cấy được một vụ lúa bấp bênh, nên người nông dân không mấy mặn mà. Khoảng năm năm về trước khu đất này còn bị bỏ hoang, do cấy lúa không hiệu quả”.

Tôi nhận thấy việc trồng sen cũng cho thu nhập cao hơn nhiều so trồng lúa,  nên năm năm nay, tôi đã thuê lại diện tích đất của bà con để đầu tư cải tạo trồng sen. Năm nay mưa ít, nên sản lượng cũng kém, dịch Covid-19 nên nguồn tiêu thụ chậm và rẻ hơn so năm ngoái. Nhưng đem so cây lúa thì vẫn hơn. Riêng sen phải có mưa, vài ngày là phải có một trận mưa thì sen mới thuận.

Ngay thửa sen bên cạnh, ông Quang cùng với các thành viên trong gia đình bà Thu  cũng đang tập trung đẩy thuyền hái đài sen. Bà Thu phấn khởi chia sẻ: “Cả xã tôi đã chuyển hết diện tích lúa sang trồng sen. Nhà tôi cũng trồng từ năm năm nay. Trồng sen, cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm như cây lúa. Song quan trọng nhất là phải giữ được mức nước thường xuyên và cho ăn phân đúng thời vụ”.

Theo người trồng sen, với cây sen, để đậu bát nhiều chỉ có phụ thuộc vào thời tiết mà không hề dùng một tý thuốc sâu nào. Toàn bộ quy trình đều sản xuất thủ công hết, từ công đoạn trồng đến thu hoạch. Đây là thứ hoa quả sạch nhất, không hề có một chút hóa chất nào. Nghề trồng sen cũng không công phu lắm, nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết và phụ thuộc vào thị trường thu mua để sen được giá.

Làm sen phải chăm tối, chăm sớm, nếu sớm quá thì cũng không nhìn thấy bát để bẻ, nhưng nếu muộn quá tầm 9 giờ sáng thì lại nắng quá cũng không làm được vì nóng lắm đấy tôi ngồi trong sen một lúc mà mồ hôi ướt đầm quần áo. Còn buổi chiều thì nắng lắm không ai lội được xuống dầm vì nước nóng ở dưới bốc lên, nắng trên trời đổ xuống.

Trồng sen cho giá trị thu nhập cao hơn trồng lúa, lại ít phải chăm bón. Thị trường tiêu thụ cũng rất thuận lợi, thương lái từ Hà Nội và các tỉnh lân cận tự tìm đến tận đầm để lấy hạt sen.Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở Hà Nam đã chọn những vùng đất trũng để trồng sen kết hợp thả cá, nuôi tôm thay vì chuyên canh trồng lúa.

Xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên là một trong những địa phương có diện tích trồng sen lớn nhất tỉnh Hà Nam, với hơn 40 ha. Từ năm năm trở lại đây, toàn bộ diện tích đất trồng lúa của xã đã được bà con chuyển đổi sang trồng sen, vì trồng sen đã cho thu hoạch cao gấp năm đến bảy lần so trồng lúa, do đồng đất nơi đây rất phù hợp với cây sen. Tuy trồng sen đòi hỏi có vất vả hơn trồng lúa vì tất cả các công đoạn đều đòi hỏi là thủ công không dùng được máy móc, nhưng sau mỗi vụ sen, người trồng sen đều rất phấn khởi vì đã thu lãi khoảng 60-80 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên: Việc chuyển đổi cây trồng trên những vùng đất kém hiệu quả của xã sang trồng cây sen là hướng đi phù hợp thổ nhưỡng của đồng đất, mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân là kết hợp trồng sen thả cá  mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cao hơn cho người dân. Đối với diện tích trồng sen của địa phương cũng tương đối lớn, địa phương cũng đang xây dựng để có một thương hiệu riêng về sản phẩm sen của mình. Chính quyền địa phương cũng đang đề nghị các cấp tạo điều kiện cho địa phương xây dựng thương hiệu sen và liên kết các đơn vị đầu mối để bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất bền vững.

Thời gian thu hoạch đài sen kéo dài trong khoảng ba tháng. Để bảo đảm kịp thu hoạch những đài sen chín đúng vụ, tươi màu, căng tròn, đem lại kinh tế cao người trồng sen luôn kiên trì, cần mẫn sớm tối trên đồng sen, không quản ngại nắng mưa.

Theo người trồng sen, sen Hà Nam bùi, bở, có màu trắng ngà. Người dân trồng sen nơi đây luôn tâm niệm, sen là loại thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe vì từ khi trồng sen đến quy trình thu hái đều phải làm thủ công mà không được sử dụng thuốc trừ sâu, hay thuốc kích thích tăng trưởng, để mang lại hạt sen tươi, sạch.