Cùng sự hỗ trợ kinh phí từ trung ương, tỉnh An Giang đã tập trung nguồn lực, tích cực triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế -xã hội cho đồng bào dân tộc Chăm. Đơn cử là việc đầu tư hơn 8,2 tỷ đồng xây dựng hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng, láng nhựa, bê-tông hóa, cất mới, sửa chữa cầu giao thông nông thôn; đầu tư kinh phí nạo vét kênh, mương nội đồng, chuyển đổi bơm dầu sang bơm điện các xã, xóm ấp có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống. Duy trì, phát triển nhiều ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu, đan; kinh doanh mua bán, làm dịch vụ gắn với du lịch, đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nâng cao đời sống. Thực hiện cất mới hơn 850 căn nhà Chương trình 134; gần 50 căn nhà đại đoàn kết; hơn 220 căn cho hộ nghèo; gần 20 hộ được cấp đất theo Quyết định 33; hơn 900 hộ vay hơn sáu tỷ đồng để làm vốn sản xuất, mua bán nhỏ, chuyển đổi nghề... Từ đó, số lượng hộ nghèo trong đồng bào Chăm theo tiêu chí mới còn gần 240 hộ, chiếm 7,3% tổng số hộ. Thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vay vốn chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo giai đoạn 2013-2015.
Thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ, năm học 2012 -2013, hơn 1.860 em dân tộc Chăm của tỉnh An Giang đã được miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập. Đối với chính sách cử tuyển, dự bị đại học, năm học 2014 - 2015, có 60 em trúng tuyển dự bị Đại học trong đó có ba học sinh dân tộc Chăm. Đặc biệt, năm học 2014-2015, có 14 học sinh dân tộc Chăm thi đậu đại học, cao đẳng.
Ngoài ra, còn nhiều chương trình, chính sách khác đối với đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời, đồng bộ bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền tuyên truyền sâu rộng, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, góp phần từng bước nâng dần chất lượng cuộc sống của đồng bào Chăm, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm sinh sống ngày càng khởi sắc.