Hiệu quả hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và Tây Nguyên

Trong những năm qua, “đầu tàu” Vùng kinh tế trọng điểm phía nam - Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng “phên dậu phía tây của Tổ quốc” đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định trong sự phát triển của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nông sản từ các tỉnh vùng Tây Nguyên chủ yếu tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nông sản từ các tỉnh vùng Tây Nguyên chủ yếu tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tây Nguyên gồm năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Ðắk Lắk, Ðắk Nông và Lâm Ðồng. Ðây là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để “kích hoạt” trở thành nguồn lực phát triển và sự hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên được đánh giá mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương.

Hiệu quả từ chương trình hợp tác

Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã và đang góp phần quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương. Chính sự hợp tác với các địa phương là nguồn cảm hứng để TP Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi

Theo đánh giá của lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh, trong hơn 11 năm qua, chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa thành phố mang tên Bác và vùng Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin-truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội… Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định: “Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã và đang góp phần quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương. Chính sự hợp tác với các địa phương là nguồn cảm hứng để TP Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới sáng tạo”.

Giai đoạn 2010-2021, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh đầu tư 275 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 82,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Ðắk Lắk thu hút 50 dự án, tổng vốn đăng ký 6.049 tỷ đồng; tỉnh Ðắk Nông 27 dự án, tổng vốn đăng ký 1.918 tỷ đồng; tỉnh Kon Tum 9 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 542 tỷ đồng; tỉnh Gia Lai thu hút 43 dự án của 30 nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh, với tổng vốn đăng ký hơn 50 nghìn tỷ đồng và tại tỉnh Lâm Ðồng có 146 dự án còn hiệu lực do các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh thực hiện, với tổng vốn đăng ký hơn 23,3 nghìn tỷ đồng, trong đó có 86 dự án đã đưa vào hoạt động. “Các dự án triển khai hiệu quả đã góp phần tăng thu ngân sách, chuyển giao tiến bộ khoa học-công nghệ, tiêu thụ sản phẩm và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và các tỉnh trong vùng”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết.

Nhằm góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Ðắk Lắk đã tích cực tham gia nhiều chương trình hợp tác liên kết, mang tính chất nội vùng và liên vùng, đồng thời chủ động triển khai nhiều hoạt động kết nối kinh tế trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk Võ Văn Cảnh

Tại tỉnh Ðắk Lắk, nhiều nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh đã được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư một số dự án có quy mô lớn, như trung tâm Metro Cash&Carry Buôn Ma Thuột, Nhà máy chế biến cà-phê xuất khẩu Intimex, Trung tâm thương mại Nguyễn Kim, khách sạn Sài Gòn-Ban Mê... Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk Võ Văn Cảnh cho biết: “Nhằm góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Ðắk Lắk đã tích cực tham gia nhiều chương trình hợp tác liên kết, mang tính chất nội vùng và liên vùng, đồng thời chủ động triển khai nhiều hoạt động kết nối kinh tế trong và ngoài nước”.

Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã từng bước phát huy thế mạnh các loại nông sản chủ lực, quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.

Ðồng thời, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện tốt vai trò kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố và các địa phương trong nước; trong đó, giúp hàng hóa, nông sản vùng Tây Nguyên tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, góp phần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phân phối tiêu dùng bền vững.

Mối quan hệ hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Ðồng là một điển hình. Ðến nay, Lâm Ðồng có 70 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, với sản lượng hằng năm hơn 37 nghìn tấn; trái cây khoảng 2.000 tấn và 60 tấn trà. Lĩnh vực du lịch, có 42 dự án do các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh thực hiện, với tổng số vốn đăng ký hơn 9,7 nghìn tỷ đồng; trong đó có 11 dự án đã đi vào hoạt động, 20 dự án đã đưa vào hoạt động một phần. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Ðồng Trần Văn Hiệp, chương trình hợp tác đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai địa phương.

Tương tự, lãnh đạo các địa phương cho rằng, chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình hợp tác, như kết quả chưa ngang tầm tiềm năng, thế mạnh song phương; chương trình chưa có chiều sâu; chưa xác định lĩnh vực trọng tâm, đột phá dẫn đến không tận dụng được thế mạnh của từng bên.

Kích hoạt thế mạnh các địa phương

Nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các địa phương thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, đồng chí Phan Văn Mãi phân tích, đưa ra các lĩnh vực hợp tác trọng tâm, như kinh tế nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, kết nối cung-cầu, xúc tiến đầu tư-thương mại… “Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên là hoạt động liên kết kinh tế mở, nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của các địa phương. Nhiều giải pháp được các địa phương triển khai, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương” - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên là hoạt động liên kết kinh tế mở, nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của các địa phương. Nhiều giải pháp được các địa phương triển khai, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi và các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên tới đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở các thông tin về xúc tiến đầu tư, tiềm năng, thế mạnh và mục tiêu phát triển của TP Hồ Chí Minh và các địa phương, đã thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của thành phố đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của các tỉnh, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho biết, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch. Ðây là những lĩnh vực trụ cột được tỉnh đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hướng đến trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên và tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. “Những lĩnh vực thế mạnh đó đang từng bước được tỉnh phát huy hiệu quả, mở ra cánh cửa mới để chào đón các nhà đầu tư tiềm năng” - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Ðắk Lắk đã được Thủ tướng phê duyệt, Ðắk Lắk phát triển theo hướng liên kết mở, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, trên cơ sở liên kết, phát huy kết quả tổng hợp vùng Tây Nguyên tham gia nâng tầm vai trò của tỉnh trong chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định vị thế của tỉnh đối với vùng Tây Nguyên, khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk Võ Văn Cảnh cho rằng: “Thời gian tới, tỉnh chủ động thúc đẩy kết nối vùng và kết nối kinh tế, phát huy cao nhất nội lực, huy động vốn các nguồn lực bên ngoài, cam kết nỗ lực đổi mới mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu đầu tư vào địa phương”.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn, địa phương có tiềm năng lớn về cây dược liệu quý hiếm, như sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, hồng đảng sâm, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum mong muốn, với vị thế của mình, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên toàn diện trên các lĩnh vực, giúp các tỉnh vùng này tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phù hợp xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Với vị thế của mình, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên toàn diện trên các lĩnh vực, giúp các tỉnh vùng này tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phù hợp xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn

Tây Nguyên, vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển công nghiệp năng lượng, giàu khoáng sản; khí hậu ôn hòa rất thích hợp cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao; diện tích rừng hơn 3 triệu héc-ta, đa dạng cảnh quan, địa hình, sông suối, thác nước cùng với nền văn hóa đặc sắc là tiềm năng lớn phát triển kinh tế lâm nghiệp và du lịch sinh thái, văn hóa.

Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Với TP Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị định hướng phát triển đến năm 2030 là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ, văn hóa của khu vực Ðông Nam Á; đến năm 2045, trở thành trung tâm kinh tế tài chính, dịch vụ châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, có chất lượng cuộc sống cao...

Phát huy kết quả đạt được trong hơn 11 năm qua, từ nay đến năm 2025, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên thống nhất tiếp tục ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực trọng tâm, như du lịch, kết nối cung-cầu, xúc tiến đầu tư-thương mại, khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, y tế, giáo dục và nông nghiệp.

Từ nay đến năm 2025, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên thống nhất tiếp tục ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực trọng tâm, như du lịch, kết nối cung-cầu, xúc tiến đầu tư-thương mại, khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, y tế, giáo dục và nông nghiệp.

Trong đó, một số lĩnh vực hợp tác song phương ưu tiên giữa TP Hồ Chí Minh với từng tỉnh vùng Tây Nguyên sẽ được triển khai theo lĩnh vực thế mạnh từng tỉnh, như nông nghiệp công nghệ cao, cây dược liệu, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch, liên kết tiêu thụ nông sản… “Chúng tôi phân công một đồng chí Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách chương trình hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên và các đầu mối liên quan để xây dựng kế hoạch cụ thể, thực chất, góp phần phát huy tiềm năng của các địa phương vào sự phát triển chung của khu vực, của từng địa phương và cả nước” - đồng chí Phan Văn Mãi cho biết.