Ông Ngô Kỷ xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên phấn khởi cho biết, vụ vải năm nay Gia đình ông được mùa, gần 4 mẫu vải lai chín sớm được sản xuất theo quy trình VietGap cho thu khoảng 20 tấn quả, giá bán từ 15 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/kg (tùy thời điểm), dự kiến sẽ cho thu nhập gấp 3 lần cấy lúa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ Vũ Xuân Thủy chia sẻ, huyện Phù Cừ hiện là vùng trồng vải lai chín sớm lớn nhất tỉnh Hưng Yên, có diện tích hơn 1.200ha vải; trong đó, có 850 vải lai chín sớm và 350 ha vải trứng Hưng Yên. Niên vụ 2024, vải lai chín sớm Phù Cừ dự kiến cho sản lượng ước đạt từ 13.500 tấn-14.000 tấn, với giá bán như hiện nay, nông dân Phù Cừ được mùa, được giá.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho biết, với ưu thế chín sớm, chất lượng ngọt thanh nên quả vải lai chín sớm của huyện Phù Cừ có giá trị cao, được nhiều người tiêu dùng tìm mua. Niên vụ năm 2023, công ty đã ký được đơn hàng khá lớn để tiêu thụ vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên, được đông đảo khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Do vậy, năm nay công ty dự kiến sẽ ký kết với các hợp tác xã số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Sự chuyển đổi tích cực cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa giá trị cao, với khoảng 3.200ha diện tích trồng lúa hiệu quả thấp được người dân huyện Phù Cừ chuyển đổi, cải tạo thành nhiều vùng sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao với quy mô lớn, như: vùng trồng cây vải khoảng 1.200ha, trồng tập trung ở các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến, Phan Sào Nam, Minh Tân; 450ha cây có múi ở Tam Đa, Nguyên Hòa, Tiên Tiến, Minh Tân; cây rau màu ở xã Tống Trân, Quang Hưng, Nguyên Hòa.... Năm 2023, sản lượng vải quả thu hoạch đạt hơn 12.500 tấn, nhãn quả gần 3.500 tấn, sản lượng cam hơn 2.500 tấn; bưởi khoảng hơn 2.000 tấn; góp phần quan trọng nâng giá trị thu hoạch 1ha đất canh tác của huyện Phù Cừ đạt 225 triệu đồng/năm.
Cùng với chuyển đổi cây trồng, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm được huyện Phù Cừ hỗ trợ đẩy mạnh, hơn 460ha cây ăn quả sản xuất theo quy trình VietGAP; 4 vùng trồng cây ăn quả đã được cấp chứng nhận vùng có đủ điều kiện xuất khẩu (vùng được cấp mã số OTAS) ra thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, ở các xã Tam Đa, Minh Tiến, Phan Sào Nam.
Nông dân xã Tam Đa, huyện Phù Cừ bán vải lai chín sớm cho thương nhân. |
Việc hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu được huyện Phù Cừ quan tâm thích đáng. Vải lai chín sớm Phù Cừ là sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận năm 2016; được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Vải trứng Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận năm 2020; được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4. Cam Hưng Yên, cam đường canh, cam lòng vàng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao, với mẫu mã đẹp, hương vị ngọt, đậm đà đặc trưng.
Các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện Phù Cừ đều được hỗ trợ ứng dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP) và hỗ trợ chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với các vùng sản xuất tập trung, có quy mô lớn; đồng thời đều có vỏ bao bì được thiết kế sang trọng, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp có thông tin đầy đủ, nhanh chóng về sản phẩm. Được hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các Hội chợ kết nối, triển lãm hàng nông sản được tổ chức tại Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La…
Các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện Phù Cừ thường xuyên được duy trì, cập nhật đầy đủ thông tin về sản phẩm, hàng hóa của các doanh trên các sàn giao dịch điện tử: Alibaba, Amazon, Tiki, Shopee...; trên các trang mạng xã hội: Zalo, Facebook, YouTube; thông qua các kênh xúc tiến thương mại.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ Nguyễn Khả Phúc khẳng định, huyện Phù Cừ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, trọng tâm là sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi, trọng tâm là chuyển đổi mạnh sang trồng các cây trồng chủ lực như: vải trứng Hưng Yên tại các xã phía bắc của huyện, trồng vải lai chín sớm tại các xã phía nam; trồng cây có múi; khuyến khích chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung xa khu dân cư và nuôi trồng thủy sản có năng suất, giá trị cao gắn với ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm. Phấn đấu diện tích chuyển đổi sang trồng cây giá trị cao chiếm 70% diện tích canh tác của huyện, diện tích trồng vải đạt 2000ha, trong đó diện tích vải trứng Hưng Yên khoảng 700ha.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên canh, quy mô lớn gắn với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chế biến nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm soát tốt dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã kiểu mới; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi doanh nghiệp, tổ chức đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản trên địa bàn huyện.
Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình dịch vụ nông nghiệp. Nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, các nhà vườn trong việc đưa quy trình thực hành sản xuất tốt, an toàn vào sản xuất, canh tác của các hộ nông dân, tạo sự thay đổi về phương thức sản xuất, canh tác sản phẩm nông nghiệp.
Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm nông nghiệp trong huyện. Hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Xây dựng chương trình truyền thông cụ thể đối với từng sản phẩm chủ lực của huyện. Kết hợp hiệu quả giữa các phương thức truyền thống với internet và mạng xã hội, khai thác tối đa hiệu ứng tích cực của truyền thông. Từng bước hỗ trợ các địa phương, các hợp tác xã trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác sơ chế, chế biến sản phẩm theo hướng chế biến sâu và đáp ứng các yêu cầu về bảo quản, sơ chế của đối tác, nhất là các đối tác nước ngoài.
Củng cố và phát triển thị trường tiêu thụ mời gọi, kết nối các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối, đơn vị phân phối tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại nông sản của huyện. Tổ chức tham quan, khảo sát thực tế tại các hợp tác xã, tổ hợp tác nhà vườn để tìm hiểu và ký kết tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ nhà vườn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm đưa nông sản của huyện Phù Cừ giới thiệu với người tiêu dùng trong cả nước.