Tư liệu

Hiệp định Geneva về Ðông Dương

NDO - Sau 75 ngày thương lượng, rạng sáng 21-7-1954, Hiệp định Geneva về Ðông Dương đã được ký kết. Sau đây là chi tiết về một số nội dung trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (người ngồi, bên phải) thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (người ngồi, bên phải) thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương.

Cuộc tiến công chiến lược Ðông - Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam mà đỉnh cao là chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Navarre, cố gắng chiến tranh cao nhất và cũng là nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Bị thất bại nặng nề trên chiến trường, trong bối cảnh quốc tế các nước lớn đi vào hòa hoãn, chủ trương giải quyết hòa bình các cuộc xung đột và trước sức ép của phong trào chống chiến tranh, đòi giải quyết hòa bình vấn đề Ðông Dương của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới, thực dân Pháp đã phải chấp nhận tham gia Hội nghị Geneva để thương lượng việc giải quyết hòa bình cho vấn đề Ðông Dương.

Hội nghị Geneva về Ðông Dương bắt đầu từ ngày 8-5-1954 với sự tham gia của chín đoàn đại biểu chính thức: Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Vương quốc Lào, Vương quốc Cam-pu-chia và chính quyền Bảo Ðại. Ðại diện lực lượng kháng chiến Pa-thét Lào và Khmer It-sa-rắc đã có mặt ở Geneva nhưng không được các đoàn phương Tây chấp nhận tham dự hội nghị.

Hội nghị Geneva trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, trong đó có bảy phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn.

Sau những đấu tranh gay go, căng thẳng và nhân nhượng, rạng sáng 21-7-1954, Hiệp định Geneva về Ðông Dương đã được ký kết. Các văn kiện chính thức của hội nghị bao gồm: Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva về vấn đề lập lại hòa bình ở Ðông Dương và ba hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia. Mỹ không ký tuyên bố cuối cùng của hội nghị nhưng ra tuyên bố đơn phương cam kết tôn trọng các thỏa thuận đã ghi nhận trong Hiệp định.

Hiệp định Geneva đã ghi nhận các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời không được coi là ranh giới về chính trị hay lãnh thổ, Việt Nam sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7-1956.

Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva nêu rõ:

4. "... cấm đem vào Việt Nam quân đội và nhân viên quân sự ngoại quốc, cũng như tất cả các thứ vũ khí đạn dược".

5. "... không được thành lập một căn cứ quân sự nào của một nước ngoài trong những vùng tập hợp của đôi bên".

6. "... giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ".

7. "... cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956, dưới sự kiểm soát của một ủy ban quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và kiểm soát quốc tế".

....

10. "... Chính phủ Pháp sẵn sàng rút quân đội Pháp khỏi lãnh thổ Cao-miên, Lào và Việt Nam".

....

12. "... mỗi nước tham gia Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những nước trên và tuyệt đối không can thiệp vào nội trị của những nước đó".