Hiện tượng sỏi trong tai,mũi,họng 

Sỏi là một bệnh khá phổ biến ở cơ thể con người trong các viêm mạn tính. Chúng ta thường hay được nghe nói về bệnh sỏi thận, sỏi mật, sỏi gan, sỏi tụy... nhưng những bệnh sỏi của amiđan, sỏi mũi hay sỏi trong các tuyến nước bọt ít được đề cập tới.

Quá trình hình thành sỏi là do mủ, các chất canxi lắng đọng trong hốc mũi, trong các hốc của amiđan, trong các ống tuyến nước bọt hình thành nên trên cơ sở một bệnh lý viêm nhiễm mạn tính của vùng này. Tùy vào từng vị trí của các loại sỏi này sẽ gây ra những triệu chứng, biến chứng và cách xử trí khác nhau.

Sỏi ở mũi: Bệnh thường biểu hiện triệu chứng ngạt mũi một bên kèm chảy nước mũi màu vàng, xanh, đôi khi lẫn máu, mùi hôi thối rất dễ nhầm với những ung thư vùng mũi xoang. Bệnh được phát hiện qua thăm khám bằng que thăm dò thấy có cảm giác chạm lách cách như gõ vào khối đá, sỏi to hoặc nhỏ tùy từng bệnh nhân, có trường hợp chúng tôi lấy được những khối sỏi san hô có kích thước rất lớn 1,5 – 2cm. Chẩn đoán xác định bằng hỗ trợ chụp Xquang thông thường hoặc CT-scanner để phát hiện rõ ràng và chính xác hơn. Với những viên sỏi nằm trong hốc mũi, giải quyết rất đơn giản bằng lấy bỏ khối sỏi kết hợp với kháng sinh, kháng viêm tại chỗ trong khoảng 7 – 10 ngày.

Sỏi ở amiđan: Trên những bệnh nhân thường xuyên đau họng, hơi thở hôi, thỉnh thoảng khạc ra những viên nhỏ tròn như hạt mùi, màu trắng, vàng, mùi thối. Lúc nào bệnh nhân cũng cảm giác nuốt vướng. Khi khám dùng dụng cụ đè lưỡi vuốt dọc theo mặt trước của amiđan sẽ thấy phòi ra những hạt mủ. Cách giải quyết tốt nhất là cắt bỏ amiđan. Với người già không thực hiện được phẫu thuật, nên vệ sinh tại chỗ với sự hỗ trợ của thầy thuốc chuyên khoa tai - mũi - họng.

Sỏi ở tuyến nước bọt: Bệnh nhân thường xuất hiện khối sưng phồng vùng góc hàm hoặc dưới hàm, kèm theo đau trong bữa ăn đặc biệt ăn chua, sau vài phút lại xẹp xuống. Khi sỏi tắc nghẽn lâu có thể gây viêm tấy, áp xe tại vùng tuyến: sưng, nóng, đỏ, đau tại vùng góc hàm và dưới hàm, đôi khi kèm theo liệt mặt cùng bên tuyến bị viêm. Chẩn đoán xác định bằng cách chụp tuyến nước bọt cản quang, siêu âm tuyến hoặc chụp CT- scanner. Điều trị duy nhất bằng phẫu thuật lấy bỏ tuyến một phần hoặc toàn bộ tùy theo bệnh tích.