Hiện thực xã hội vẫn "nóng" trong kịch của Lưu Quang Vũ

NDO -

Mặc dù đã gần ba thập kỷ trôi qua, nhưng các tác phẩm kịch nói của Lưu Quang Vũ vẫn sống động và nóng bỏng tính hiện thực xã hội. Các vở diễn của ông luôn thu hút đông khán giả đến rạp và có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người xem, bởi nội dung luôn luôn xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, chuyển tải trong đó những triết lý sâu sắc và cả những dự báo xã hội về lâu dài.

Cảnh trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Nhà hát kịch Việt Nam.
Cảnh trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Nhà hát kịch Việt Nam.

Sau một tuần diễn ra sôi động, Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ tưởng niệm 25 năm ngày mất của ông đã kết thúc tại Hà Nội. Ðây là lần đầu giới sân khấu Việt Nam tổ chức liên hoan về các vở diễn của một tác giả, nhưng cũng là dịp để cùng nhau nhìn nhận lại thực trạng hoạt động, khả năng thu hút của sân khấu chính kịch, qua đó phần nào tìm kiếm giải pháp và hướng đi cho sân khấu hiện nay. Việc dựng lại những vở diễn là một thử thách không nhỏ với các đơn vị nghệ thuật, bởi trước đó đã từng có các thế hệ đạo diễn và nghệ sĩ tài năng dàn dựng rất thành công, để lại dấu ấn khó phai mờ. Ðiều này đòi hỏi tập thể các đạo diễn và nghệ sĩ, diễn viên phải làm việc sáng tạo và nghiêm cẩn hơn, nếu không muốn trở thành cái bóng của những người đi trước.

Khi đặt vấn đề tổ chức liên hoan lần này, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng thu hút và lôi cuốn lớp công chúng hôm nay nhưng thành công của liên hoan đã nói lên tất cả. Cho đến hôm nay, những vở kịch của Lưu Quang Vũ được sáng tác dàn dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước vẫn còn thấm đẫm tính thời sự với hiện thực xã hội nóng bỏng khi mang lại những cảm nhận và đặt ra các câu hỏi cho người xem để cùng nhau đi tìm lời giải đáp về các vấn đề của xã hội Việt Nam, chứa đựng trong đó các giá trị, thông điệp bền vững, thể hiện tinh thần trách nhiệm công dân, tính triết lý và nhân văn sâu sắc, hướng tới những điều cao cả, tốt đẹp, chống lại cái ác và những điều xấu xa, thấp hèn. Kịch của Lưu Quang Vũ không chỉ là phản ánh hiện thực mà còn nâng tầm, phân tích bản chất và khái quát thành những vấn đề có tính thời đại, dự báo những vấn đề cơ bản và phổ biến trong đời sống từ các hiện tượng hoặc sự kiện. Tính dự báo và sự đúng đắn của nó về các vấn đề xã hội mà Lưu Quang Vũ đã hình dung ra từ 25 năm trước đã giúp các tác phẩm của ông luôn luôn mới. Xem kịch của ông, người ta nhận thấy những con người, số phận, tính cách, những biến cố và cách xử lý vấn đề, sự việc vẫn đang hiện hữu với đời sống xã hội hiện tại.

Trong liên hoan, Nhà hát Tuổi trẻ, nơi mà Lưu Quang Vũ đã dựng vở diễn đầu tiên ông tham gia viết - vở Mãi mãi tuổi mười bảy, đồng thời là nhà hát đã được ông gửi gắm dựng nhiều kịch bản, cũng là đơn vị đi đầu khi dựng lại ba vở diễn của ông với nhiều tìm tòi mới, lạ trong dàn dựng và thể nghiệm hình thức diễn xuất mới. Vở Mùa hạ cuối cùng của Nhà hát Tuổi trẻ do NSƯT Chí Trung đạo diễn có cách dàn dựng mới mẻ, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay, là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ về những vấn đề nhân cách con người qua việc dạy và học, để làm sao các em học sinh khi ra đời sẽ trở thành những con người trung thực, không dối trá, cơ hội... Vở diễn còn mang tính xã hội sâu sắc về vấn đề niềm tin của giới trẻ, những người đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời. Ðừng để các em bị rơi vào khủng hoảng khi niềm tin vào những điều tốt đẹp bị đổ vỡ. Vở diễn thứ hai Lời thề thứ 9 của nhà hát cũng nêu bật các vấn nạn gây nhức nhối xã hội từ trước đổi mới và vẫn tiếp diễn đến tận hôm nay là tệ nạn nhũng nhiễu, hống hách của những người thường nhân danh "đầy tớ của nhân dân" ở các vùng nông thôn. Cũng từ các hiện tượng này, ông đã vạch ra sự phát triển lệch lạc của cơ chế quản lý xã hội trì trệ khi ấy với những bất công sâu sắc đã mang lại hiệu ứng xã hội, tác động mạnh đến cảm xúc của người xem đương đại.

Khả năng khái quát một cách sâu sắc những vấn đề xã hội cũng là một điểm mạnh trong cách viết kịch của Lưu Quang Vũ mà Hồn Trương Ba, da hàng thịt là đỉnh cao của một tài năng khi ông luôn đưa ra các thông điệp đa nghĩa. Ðó là bài học nhân sinh sâu sắc, thấm đẫm tính triết lý trong cùng một cốt truyện, một hình tượng nghệ thuật. Ðạo diễn - NSND Lan Hương và đoàn kịch thể nghiệm Nhà hát Tuổi trẻ đã mang lại cho người xem những thủ pháp nghệ thuật mới lạ, trong đó chủ yếu sử dụng các động tác hình thể và cả vũ đạo ước lệ của tuồng. Sự dằn vặt đấu tranh giữa linh hồn và thể xác, dục vọng và lý tưởng, cao quý và trần tục, tuy chưa thật mang lại hiệu quả nghệ thuật và không thể hiện được bề dày ý nghĩa của kịch bản văn học, song vở diễn là sự dụng công tìm tòi, sáng tạo của đạo diễn và các nghệ sĩ. Trong khi đó, cũng ở vở diễn này của Nhà hát kịch Việt Nam, người xem đã được thưởng thức khả năng trình diễn của một lớp nghệ sĩ, diễn viên mới, đã và đang từng bước tiếp nối được các "thế hệ vàng" trước kia của nhà hát để thể hiện Hồn Trương Ba, da hàng thịt, giúp người xem cảm nhận được sự giằng xé, nỗi day dứt của một tâm hồn Trương Ba tinh tế, trí tuệ trong thể xác anh hàng thịt chất phác, cục mịch. Tuy nhiên, xét về tổng thể, vở diễn vẫn thấy thiếu vắng một nét gì đó tài hoa, diễn xuất như "nhập hồn" vào từng nhân vật của dàn diễn viên. Do bám quá sát kịch bản, lại thiếu những tìm tòi thể hiện mới, với tiết tấu đều đều, chậm rãi, vở diễn dường như chỉ là sự lý giải, minh họa cho chủ đề với thông điệp có vẻ đã quá rõ ràng: Con người không thể sống nhờ vào người khác mà phải luôn là chính mình.

Những vở diễn của Lưu Quang Vũ hiện vẫn được người xem hào hứng đón nhận chính vì trong đó ông đã cảnh báo và dự đoán trước sự diễn tiến của các nguy cơ xã hội trong sự phát triển của kinh tế thị trường như sự suy thoái đạo đức, phá vỡ các giá trị gia đình truyền thống, sự đổi thay xuống cấp của luân thường đạo lý xã hội khi đồng tiền lên ngôi. Bên cạnh đó là sự hư hỏng của một bộ phận không ít giới trẻ do cách giáo dục, dung dưỡng sai lầm của nhiều gia đình qua các vở diễn Ông không phải là bố tôi của Nhà hát kịch Hà Nội hay Thủ phạm là ai ? của Ðoàn kịch Nam Ðịnh. Không chỉ dừng lại ở đó, Lưu Quang Vũ còn đề cập cả những vấn đề nóng với những kẽ hở, khiếm khuyết của pháp lý, sự quan liêu, vô trách nhiệm và thói nhẫn tâm của những người nắm trong tay chiếc "cân công lý" đã tạo ra các vụ án oan trong vở Trái tim trong trắng của Nhà hát kịch Hà Nội và vở cải lương 2000 ngày oan trái của Ðoàn cải lương Hải Phòng.

Trong liên hoan, kịch bản Ðiều không thể mất cùng được hai đoàn là Nhà hát kịch Quân đội và Nhà hát ca kịch Huế dàn dựng. Tuy thể loại sân khấu và cách thể hiện có khác nhau, song cả hai vở diễn đã thể hiện thành công hình ảnh người lính với vẻ đẹp tâm hồn, sự thủy chung. Ðó là tình đồng đội của những con người từng một thời trải qua bom đạn khốc liệt của chiến tranh, sống chết có nhau, không gì có thể thay thế. Nhà hát chèo Hà Nội cũng mang đến liên hoan hai vở diễn từng một thời thu hút đông công chúng là Nàng Si-ta và Ngọc Hân Công chúa. Bên cạnh một vở diễn mang đậm tính giải trí là một vở có chiều sâu triết lý với nhiều lát cắt sắc sảo, chứa đựng những ẩn ý mang tính thời đại, được thể hiện dưới các thủ pháp nghệ thuật độc đáo.

Nghệ thuật đạo diễn và diễn xuất từ liên hoan vừa qua cũng đặt ra nhiều điều đáng suy nghĩ. Trước hết là sự thiếu vắng các tài năng đạo diễn trẻ, có khả năng tiếp bước các đàn anh. Các vở diễn phần nào vẫn chịu nhiều ảnh hưởng trong lối dàn dựng của các đạo diễn thế hệ trước và chưa vượt qua được cái bóng thành công quá lớn của các vở diễn trước đây. Số vở có những sáng tạo, tìm tòi mới, lạ với các mảng, miếng và lối dàn cảnh táo bạo, thể hiện được nội dung bằng sự tổng hợp các yếu tố nghệ thuật khác nhau thành một vở diễn thống nhất và hoàn chỉnh còn quá ít. Trang trí sân khấu là một khâu quan trọng tạo ra những điểm tựa vững chắc, giúp cho đạo diễn và diễn viên thể hiện tốt hình tượng vở diễn lại thường không được chú ý đúng mức. Có một số vở diễn sân khấu quá sơ sài, hầu như trống trơn, có vở trang trí quá tự nhiên chủ nghĩa, có vở lại ước lệ một cách khó hiểu về không gian sân khấu. Tính thống nhất, hài hòa giữa các yếu tố trang trí, ánh sáng và âm nhạc là một phần quan trọng của vở diễn cũng chưa được các đạo diễn coi trọng. Dàn diễn viên trẻ ngày nay đảm nhận các vai diễn có thừa sự nhiệt tình mà vẫn thiếu nhiều kinh nghiệm, trong khi các nghệ sĩ đã thành danh thì chưa cho thấy sự vượt trội của mình khi vẫn sa vào lối mòn quen thuộc, do đó không mang lại được sự mới mẻ trong hình tượng các nhân vật. Cách thể hiện tâm trạng, những diễn biến tâm lý phức tạp còn yếu, chưa bằng chứ chưa nói đến vượt qua được các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên trước đây từng vào các vai diễn này.

Sức hấp dẫn của các vở diễn ở liên hoan đã cho thấy sức lao động, tài năng, sự đóng góp to lớn của tác giả Lưu Quang Vũ với sân khấu Việt Nam. Ðiều làm công chúng và những người yêu sân khấu luôn hâm mộ các tác phẩm của ông, đó là tấm lòng nhân hậu, niềm tin của Lưu Quang Vũ vào những điều tốt đẹp của xã hội, của con người.