Hệ sinh thái ươm tạo công nghệ cao

Tính đến nay, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư. Theo đánh giá của các chuyên gia, với nỗ lực thu hút đầu tư, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở đây đã tương đối hoàn chỉnh, với sự hình thành các đơn vị hỗ trợ ươm tạo, tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo so với các vườn ươm khác.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty phát triển công nghệ Nano-San tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Công ty phát triển công nghệ Nano-San tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Tiêu biểu có thể kể đến Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang được xây dựng, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực về khoa học, công nghệ, đào tạo, tài chính, tư vấn, không gian làm việc… Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ cao (Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc) nhiều năm nay cũng hỗ trợ ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ hoạt động đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ cao cho biết, ưu thế ươm tạo của Khu công nghệ cao Hòa Lạc là năng lực hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và kết nối, tận dụng nguồn lực của các doanh nghiệp lớn trong khu. Doanh nghiệp thường tìm đến Khu công nghệ cao Hòa Lạc vì có không gian đủ lớn để thử nghiệm công nghệ. Mỗi năm, có khoảng 6-10 doanh nghiệp đăng ký quy trình ươm tạo của Trung tâm, sau khoảng 2-3 năm, doanh nghiệp tốt nghiệp.

Với lợi thế là nơi tập trung các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam, trung tâm đã hỗ trợ tư vấn ươm tạo, kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các doanh nghiệp công nghệ để thử nghiệm, hoàn thiện, ứng dụng giải pháp công nghệ mới. Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ cao cũng đã triển khai tư vấn, hỗ trợ đánh giá các nhóm ươm tạo. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã thực hiện tư vấn trực tiếp cho 9 nhóm, công ty về các lĩnh vực: Thủ tục đăng ký

tham gia ươm tạo, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; tư vấn sở hữu trí tuệ; tư vấn lập và hoàn thiện dự án kêu gọi vốn đầu tư, tư vấn tài chính. Trung tâm cũng kết nối tư vấn cho 8 công ty với các chuyên gia tư vấn về các lĩnh vực: hoàn thiện công nghệ sản phẩm; các vấn đề về vốn góp của thành viên và cổ đông của doanh nghiệp; các vấn đề pháp lý phát sinh, chiến lược marketing; tư vấn chiến lược và chính sách phân phối.

Bên cạnh đó, một số dự án đang đề xuất đầu tư cũng có chức năng hỗ trợ ươm tạo công nghệ cao. Thí dụ, Trung tâm nghiên cứu phát triển SSI (Công ty cổ phần chứng khoán SSI) dự kiến nghiên cứu, phát triển các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn…, thực hiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc (Bộ Công thương) dự kiến thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và triển khai, sản xuất thử nghiệm, hỗ trợ các kỹ thuật, trang thiết bị dùng chung…

Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa có các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, viện nghiên cứu, vừa có các doanh nghiệp công nghệ lớn có thể là nhà hỗ trợ, tư vấn và thậm chí trở thành khách hàng của doanh nghiệp khởi nghiệp. Gần đây, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã đẩy mạnh kết nối các tổ chức, cá nhân tham gia ươm tạo với các nhà đầu tư, liên kết, tạo dựng mối quan hệ nhằm nâng cao năng lực hoạt động ươm tạo.

Đáng chú ý, trong khu hình thành hệ sinh thái lĩnh vực y tế, với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu cung cấp chuỗi giá trị từ chế biến, bào chế dược phẩm, đến đóng gói sản phẩm. Các doanh nghiệp hoạt động tại đây sẽ được hưởng lợi từ chuỗi giá trị đó. Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã triển khai thu hút đầu tư theo lĩnh vực để dần hình thành hệ sinh thái theo lĩnh vực, giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực của nhau. Đây cũng là thế mạnh trong hoạt động ươm tạo của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Hiện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc vận động doanh nghiệp hoạt động trong khu dành một phần nguồn lực của doanh nghiệp cho việc ươm tạo, đổi mới sáng tạo chung. Chẳng hạn như doanh nghiệp đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm chuyên ngành vừa phục vụ hoạt động của chính doanh nghiệp, vừa hỗ trợ hoạt động ươm tạo của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khác. Theo các chuyên gia, mô hình này khi vận hành sẽ tiết kiệm được nguồn lực của Nhà nước và các doanh nghiệp đang được ươm tạo, đồng thời, các doanh nghiệp lớn sẽ đưa ra các đầu bài và cung cấp kinh phí để các doanh nghiệp khởi nghiệp giải quyết bài toán của họ với sự hỗ trợ của cơ sở các kỹ thuật, trang thiết bị dùng chung.

Đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, thời gian tới, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ phát triển hệ sinh thái ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao theo hướng năng động, sáng tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình, tiến tới quy mô dẫn đầu cả nước vào năm 2030.

Để cạnh tranh được với vườn ươm khác và tạo sức hút với các doanh nghiệp, Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ cao cần có chức năng, vai trò là nhà đầu tư, được góp vốn vào các doanh nghiệp ươm tạo để dần nâng cao năng lực, tăng vốn hoạt động của một vườn ươm công lập. Nhà nước cần cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển ươm tạo, khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ 4.0, công nghệ tự động hóa.