Hệ lụy từ thú chơi đồ gỗ ở Bình Phước

NDO -

NDĐT - Khi mức sống nâng lên thì các món hàng đồ gỗ, đặc biệt là gỗ quý được nhiều người săn tìm. Đồ bằng gỗ quý càng “độc”, giá tiền càng cao. Các món được nhiều người “săn tìm” để mua như: Bàn ghế, bộ ngựa, lục bình, tượng Phật Di Lặc, Thần tài, Táo quân… Có một nghịch lý là, thú chơi đồ gỗ càng tăng, thì những cánh rừng càng nhanh bị thu hẹp, các loại gỗ quý cũng trở lên khan hiếm và đắt đỏ.

Tạc hình con cóc từ gốc cây gỗ quý.
Tạc hình con cóc từ gốc cây gỗ quý.

Tiền nào đồ gỗ nấy

Xu hướng chọn các kiểu bàn ghế gỗ thiết kế đơn giản, nhưng vẫn tạo được sự sang trọng đang được người tiêu dùng lựa chọn. Mỗi bộ bàn ghế kiểu này thường có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Đối với người thuộc tầng lớp thượng lưu, họ chỉ sưu tầm những bộ bàn ghế, bộ ngựa nguyên khối bằng gỗ hương, cẩm lai hay cao cấp hơn là các loại nu.

Hiện nay, không chỉ gỗ trắc trở nên khan hiếm, mà các loại gỗ quý như cẩm lai, hương, gõ đỏ... cũng đã khó tìm. Vì hiếm nên giá của các loại đồ gỗ này rất cao. Theo thời giá hiện nay, một bộ bàn ghế 11 hay 13 món bằng gỗ hương, gỗ mật dao động khoảng 60-70 triệu đồng. Gỗ cẩm lai, tay 14 giá từ 200 - 300 triệu đồng. Còn đối với hàng độc, hoa văn đẹp, mặt bàn bằng gỗ nguyên khối thì giá lên đến tiền tỷ là chuyện thường.

Chủ tiệm đồ gỗ Phúc Kiến Lan, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài cho biết: “Lục bình, tượng Tam đa, Bồ tát, Lạt ma… được nhiều người lựa chọn hơn cả. Các món đồ gỗ này hút khách là nhờ mẫu mã đa dạng và mức giá cũng khá mềm. Chỉ cần bỏ ra vài ba triệu đồng là người chơi đã có thể sở hữu một bộ lục bình hay tượng gỗ tầm trung. Mức giá của các loại này cũng phụ thuộc vào loại gỗ, độ to nhỏ và sự cầu kỳ của các họa tiết chạm trổ… Đứng đầu bảng xếp hạng vẫn là các loại tượng được làm từ gỗ trắc, tiếp đó là cẩm, hương... Giá các loại đồ gỗ cao hay thấp còn tùy theo mỗi vùng, hay xuất xứ của cây gỗ đó, thậm chí một số chủ tiệm đồ gỗ còn coi mặt người mua để làm giá”.

Theo một “cò gỗ” lâu năm, thì nhiều “đại gia” ở Bình Phước không ngại móc từ hầu bao vài trăm triệu đồng để sở hữu những tấm gõ có giá trị, là hàng hiếm có một không hai. “Bây giờ nhiều người giàu lắm, họ vung tiền mua đồ gỗ về, trước để chơi, sau nếu gặp khách thì bán kiếm lời”, một cò gỗ bật mí. “Tuy nhiên, để tiếp xúc hoặc gặp mặt những chủ nhân của các món đồ gỗ độc này thì không phải dễ”, một “cò gỗ” ở huyện Hớn Quản giải thích thêm.

Hệ lụy từ thú chơi đồ gỗ ở Bình Phước ảnh 1

Công đoạn pha gỗ làm đồ thủ công mỹ nghệ.

Hệ lụy từ thú chơi đồ gỗ

Với một số người, đồ gỗ là một hình thức của để dành, là kinh doanh kiếm lời. Nhưng với nhiều người, thú chơi đồ gỗ để thể hiện tính cách, thỏa mãn thú đam mê. Cũng không ít người bày ra như để khoe của.

Theo giới thạo chơi đồ gỗ, nhìn vào món đồ gỗ, ta có thể biết khá rõ chủ nhà là người có tính cách thế nào. Chẳng hạn, người có tính cương trực thường chơi tượng gỗ Quan Công ngồi trên lưng ngựa đang phi nước đại, tay cầm trường đao; Người quân tử chơi tranh gỗ đục gốc tùng, bách; Người nóng tính, máu ăn thua lại chơi tượng hổ, báo, đại bàng; Người muốn thăng quan, tiến chức hay chọn tượng gỗ cá chép vượt vũ môn...

Để thỏa mãn thú chơi, nhiều người sẵn sàng chi vài trăm triệu đồng để sở hữu những món đồ gỗ được cho là độc nhất vô nhị. Mới đây, anh Nguyễn Thành, ấp 4, xã Minh Hưng, Chơn Thành, sưu tầm được một mặt bàn bằng gỗ hương được cho là hiếm. Mặt bàn hình lục lăng, dài 3m, dày trên 23cm, chỗ rộng nhất 2,3m, chỗ hẹp nhất 1,9m. Thực chất, đó là một bàn bằng gỗ nguyên khối, rất nặng. Muốn di chuyển phải tám, chín người đàn ông khỏe mới khiêng nổi. Theo anh Thành, loại bàn này hiện rất hiếm, anh mua được của một người dân ở Campuchia, với giá hơn 90 triệu đồng. Ngoài ra, anh Thành còn sở hữu một pho tượng Di Lặc nguyên khối, bằng gỗ nu hương, được chạm trổ với nhiều họa tiết, đường nét tinh xảo, nặng hơn 200kg, trị giá khoảng hơn 40 triệu đồng. Tượng Di Lặc ngồi dưới gốc tùng, tay cầm thỏi vàng, xung quanh là bốn tượng Di Lặc nhỏ hơn, tất cả đều nở nụ cười sảng khoái. Một gia đình thuộc huyện Chơn Thành, xin không nêu tên, cũng đang sở hữu một bộ ngựa ghép bằng hai tấm gõ đỏ, mỗi tấm rộng gần 1m, dài 3,2m, dày 15cm, mặt có hoa văn đẹp. Theo chủ nhà, bộ ngựa này có giá khoảng hơn 300 triệu đồng và mỗi lần muốn di chuyển phải thuê xe cần cẩu, vì nó quá nặng.

Để thỏa mãn thú chơi của một nhóm người thích đồ gỗ độc, gỗ quý, chúng tôi mới hiểu, vì sao các cánh rừng già ở Bình Phước ngày càng nghèo kiệt, bị thu hẹp, thậm chí hoàn toàn bị xóa sổ. Khái niệm rừng vàng có lẽ chỉ còn trong sách vở và trong ký ức của những người cao tuổi. Mất rừng làm mưa lũ dữ dội hơn và đất bạc màu nhanh hơn. Còn đời sống của những người dựa vào rừng thì càng ngày càng khó khăn, vất vả.