Theo thống kê, hiện có trên 19.000 HS hệ B (trong đó số HS tuyển mới năm học 2005-2006 là hơn 7.000 em), chiếm khoảng 18,1% tổng số học sinh THPT toàn thành phố...
Cùng với việc giảm dần số lượng học sinh hệ B, Sở sẽ tham mưu với thành phố để tăng dần số học sinh hệ A theo đúng khả năng đáp ứng của các trường về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, dự kiến năm tới sẽ tăng 1,4%, tương đương hơn 2.000 HS. Đồng thời, Sở đã xây dựng đề án củng cố, phát triển các trường ngoài công lập (ngoài công lập), mở rộng thí điểm dạy 11 môn trong các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX).
Chuẩn bị cho mục tiêu này, trong ba năm qua, Sở GD-ĐT thực hiện thí điểm việc quản lý chung hai hệ A và B tại hơn 20 trường THPT công lập. Việc làm này đã được cán bộ quản lý, giáo viên và đặc biệt là cha mẹ học sinh (HS), HS ủng hộ, bởi nó tạo nên sự bình đẳng cho cả người dạy và người học, dấy lên không khí thi đua lành mạnh trong các nhà trường.
Hiện tại, trong các trường có hai phương thức hòa trộn. Phương thức 1 gồm các lớp hệ A và lớp hòa trộn. ở đây, nhà trường giữ lại một số lớp toàn HS hệ A, các lớp còn lại gồm HS cả hai hệ. Những trường có độ chênh lệch về điểm tuyển giữa hai hệ không quá lớn thường chọn phương thức này.
Phương thức 2 là giữ nguyên một số lớp toàn HS hệ A có điểm thi cao và một số lớp hệ B gồm những em có điểm thi thấp, còn lại thì hòa trộn. Tỷ lệ HS hệ B trong các lớp hòa trộn dao động từ 25%-35% trong tổng số HS/lớp. Các trường không phân biệt HS giữa hai hệ, từ việc sắp xếp họ tên trong sổ điểm, bố trí chỗ ngồi, phân công HS làm cán bộ lớp… Sự khác biệt ấy chỉ thể hiện ở hai mức học phí giữa hai đối tượng HS.
Việc xóa bỏ ranh giới giữa HS hệ A và hệ B được thực hiện bởi sự điều chuyển HS giữa hai hệ sau 1 học kỳ hoặc 1 năm học đã góp phần kích thích sự cố gắng rất lớn của các em. Kết quả thí điểm cho thấy, trên thực tế, sự chênh lệch về trình độ giữa HS hệ A, và HS hệ B ở một số trường không lớn, nhất là với những HS có điểm tuyển gần tương đương nhưng do chỉ tiêu hệ A có hạn nên các em phải vào học hệ B. Vì thế, trong khi các trường công lập còn có khả năng thì việc tăng số lượng HS hệ A vừa bảo đảm HS được học ở những trường có điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên mà chất lượng đầu vào không bị ảnh hưởng, vừa góp phần giảm HS hệ B trong trường công.
Tuy nhiên, không phải giảm B bao nhiêu thì tăng A bấy nhiêu vì ngân sách không cho phép và làm như vậy sẽ không tạo điều kiện cho các loại hình khác phát triển. Vì thế, quy mô và mạng lưới của ngành học Giáo dục thường xuyên cũng đã được quan tâm đầu tư. 28 trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) và trường bổ túc văn hóa, 134 trung tâm học tập cộng đồng ở khắp 14 quận, huyện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hai năm qua, chương trình học 11 môn được triển khai tại các TTGDTX, thu hút ngày càng nhiều HS theo học (năm học 2004-2005 là 600 em, năm 2005-2006 là hơn 900 em). HS cũng đã nhận thức được đây là cơ hội để tiếp cận gần hơn với chương trình học THPT, học xong sẽ được thi chung và được cấp cùng một loại văn bằng. Năm học tới, Hà Nội dự kiến có thêm khoảng 1.500 em nữa theo học chương trình này, chưa kể số HS bổ túc THPT hệ 1 năm/1 lớp sẽ tăng từ 3.200 em (năm học 2005-2006) lên khoảng 4.000 em vào năm học tới.
Sự phân biệt giữa trường công lập và trường ngoài công lập, thực tế yếu kém của một số trường ngoài công lập có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bậc cha mẹ, học sinh ít mặn mà với loại hình này. Nhiều người lựa chọn hệ B trường công chứ không chọn trường ngoài công lập. Một vài năm gần đây, chính quyền thành phố và Sở GD-ĐT đã tăng cường nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập phát triển như giao đất để xây dựng trường, tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên như ở các trường công lập, tăng cường kiểm tra, thanh tra các trường ngoài công lập, tạo điều kiện để các em học ở các trường ngoài công lập có thể tham gia mọi hoạt động như học sinh trường công… Bên cạnh đó cũng không thể không nhắc đến những nỗ lực của chính những trường ngoài công lập ấy trong việc chủ động, linh hoạt trên con đường xây dựng “thương hiệu”. Những cái tên như Lương Thế Vinh, Ma-ri Quy-ri, Nguyễn Siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đông Đô, Nguyễn Tất Thành… giờ đây đã là địa chỉ tin cậy của nhiều người, góp phần làm thay đổi những quan niệm chưa đúng của một số người về các trường ngoài công lập. Điều ấy thể hiện ở số lượng HS được tuyển vào các trường ngoài công lập năm học 2004-2005 vừa qua đã tăng gần 1.000 em, tương ứng với việc giảm số HS hệ B trong trường công. Theo dự kiến, số HS lớp 10 theo học các trường ngoài công lập năm học tới sẽ còn cao hơn nữa (khoảng 16.700 em, hơn năm học 2005-2006 này khoảng 3.000 em).
Với những nỗ lực không chỉ của những người trong ngành, sự thay đổi về nhận thức của xã hội, chắc chắn rằng, số HS hệ B sẽ liên tục giảm, tiến tới xóa hẳn các lớp hệ B ở trường công trong những năm tới.