Hậu Giang lo thiếu nước sản xuất mùa khô hạn

NDO -

Cứ vào mùa khô hạn, người dân Hậu Giang lại lo lắng vấn đề xâm nhập mặn và thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Riêng năm nay, tình hình xâm nhập mặn đã bớt gánh lo, khi hệ thống các công trình thủy lợi của địa phương và trung ương đầu tư được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, thiếu nước phục vụ sản xuất đang là nỗi lo thường trực, nhất là vào tháng cao điểm khô hạn.

Cống ngăn mặn ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh.
Cống ngăn mặn ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh.

Như mọi năm, mặn thường xâm nhập vào Hậu Giang từ triều Biển Đông, qua sông Hậu vào huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp; còn triều Biển Tây qua sông Cái Lớn vào thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, Vị Thủy. 

Để chủ động ứng phó, ngay từ đầu năm, các địa phương đã triển khai thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình. Như, ngoài hệ thống cống đã có sẵn, huyện Vị Thủy tiến hành đắp thêm 37 đập thời vụ để ngăn mặn. Huyện Long Mỹ đắp 87 đập thời vụ ở các tuyến kênh chưa xây dựng cống trong trường hợp nồng độ mặn lên cao xâm nhập sâu vào địa bàn. Huyện Phụng Hiệp đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng 2 đập gắn với trạm bơm, 6 cống tròn, duy tu, sửa chữa hơn 30 cống đập dọc trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp. Riêng thành phố Vị Thanh có hơn 110 cống, đập thời vụ đã được đầu tư, duy tu sẵn sàng để thực hiện tốt công tác ngăn mặn. 

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, để chủ động ứng phó, năm nay, tỉnh tập trung các công trình cấp bách với kinh phí khoảng 58 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện 363 công trình đắp đập thời vụ và nâng cấp, sửa chữa cống ngăn mặn, với kinh phí 22,5 tỷ đồng; thực hiện 71 công trình nạo vét kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn, với kinh phí 35,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo dự báo từ ngành chức năng Hậu Giang, mùa khô năm nay, toàn tỉnh có khoảng 90.000-100.000 ha lúa đông xuân 2021-2022, lúa hè thu 2022 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và thành phố Ngã Bảy có nguy cơ hạn, thiếu nước phục vụ sản xuất. Vùng có khả năng bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt cho người dân chủ yếu ở huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Hiện nay, chính quyền địa phương và người dân đang tăng cường nạo vét kênh, mương để chủ động trữ nước ngọt, kết hợp tưới nước tiết kiệm. Theo ông Phạm Văn Nho, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, để chủ động nguồn nước tưới, ông đã móc đất dưới mương đắp lên bệ để chứa nước trong mương. Mỗi tuần, ông đều bơm nước ngọt từ kênh xáng Hậu vào, tuy nhiên cũng không đủ do nước thượng nguồn đổ về thấp nên việc lấy nước phục vụ tưới gặp nhiều khó khăn. 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, tỉnh đã có chỉ đạo chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô năm 2022. Tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện, thị xã, thành phố. Tập trung các nguồn lực, chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng, chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả. 

Các đơn vị và cán bộ chuyên môn triển khai công tác khảo sát, quan trắc các vùng bị hạn, mặn, thường xuyên cập nhật số liệu hạn, mặn kịp thời báo cáo cho lãnh đạo chỉ đạo tốt công tác phòng, chống. Kiểm tra, rà soát và có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp ngay tất cả các hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, mặn, bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho người dân. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống khai thác ở hồ chứa nước ngọt của tỉnh, sẵn sàng tiếp ứng khi có tình huống thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Hậu Giang có 3 hệ thống thủy lợi lớn là đê bao Ô Môn-Xà No, hệ thống cống Nam Xà No, đê bao ngăn mặn Long Mỹ-Vị Thanh và khoảng 500 cống cấp 2, cấp 3, khép kín hơn 66.000 ha đất sản xuất với 915 vùng thủy lợi, tạo “lá chắn” kiên cố bảo vệ sản xuất.
Bên cạnh đó, công trình hồ chứa nước ngọt của tỉnh tại huyện Vị Thủy có diện tích hơn 20 ha, với tổng mức đầu tư hơn 183 tỷ đồng vừa hoàn thành hồi đầu năm 2022. Đây là một trong những công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, có vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, góp phần giúp người dân an tâm hơn khi canh tác và sản xuất trong mùa khô.