Những điểm sáng…
Năm 2004, sau khi được chia tách từ tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang chỉ có hơn 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp và một cụm công nghiệp được thành lập. Trình độ công nghệ và thiết bị của các doanh nghiệp vẫn còn lạc hậu, năng lực sản xuất thấp, lực lượng lao động còn thiếu, kết cấu hạ tầng chưa được đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 235 doanh nghiệp công nghiệp, với gần 5.000 cơ sở sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, để bảo đảm việc phát triển công nghiệp theo quy hoạch ngành và lãnh thổ, tiết kiệm nguồn lực, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và đầu tư từ các doanh nghiệp lớn trong nước, Hậu Giang đã thành lập được hai khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích hơn 1.078ha.
Theo ông Nguyễn Phong Minh, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang: Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được 114 dự án đầu tư, có 77 dự án đi vào hoạt động, tổng mức đầu tư của các dự án là 77.599 tỷ đồng và 3.802,5 triệu USD; tổng diện tích đất hai khu và tám cụm công nghiệp đã cho thuê là 600ha, tỷ lệ đất được lấp đầy 77,3% tổng diện tích; giải quyết việc làm cho hơn 35.000 lao động. Qua đó đã đóng góp gần 70% trong tổng số gần 42 nghìn tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tăng gần 12 lần so với năm 2004, chiếm hơn 81% cơ cấu khu vực II và gần 20% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Vấn đề lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, mức thu nhập của người lao động cũng được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Điều này thể hiện tính phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp khi quyết định đầu tư tại Hậu Giang; giải quyết hài hòa vấn đề người dân địa phương cần một công việc ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, còn doanh nghiệp cần cả chất lượng và số lượng nguồn nhân lực lành nghề và tận tâm cống hiến để phát triển lâu dài.
Theo ông Diệp Văn Dũng, Giám đốc Xưởng vụ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee & Man Việt Nam tại Hậu Giang, hiện công ty đã giải quyết việc làm cho hơn 1.100 lao động, trong đó 95% nhân viên là lao động địa phương. Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ theo quy định, công ty cũng quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động, đưa vào hoạt động ký túc xá, phục vụ cho 1.500 chuyên gia nước ngoài và nhân viên công ty.
Chị Trần Thị Muội, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee & Man Việt Nam tại Hậu Giang, cho biết: “Qua 3 năm làm việc, tôi thấy công ty rất quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách phúc lợi cho nhân viên. Hằng năm có tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, thường xuyên tổ chức những đợt đào tạo nghề thêm cho nhân viên. Hằng ngày công ty có chuẩn bị phần ăn 3 bữa hoàn toàn miễn phí và đặc biệt khi mà ký túc xá công ty đưa vào hoạt động, đã điều kiện thuận lợi và giúp công nhân giảm chi phí sinh hoạt rất nhiều”.
Còn công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xi-măng Cần Thơ-Hậu Giang, sau hơn 4 năm đưa vào hoạt động, đã giải quyết việc làm cho hơn 260 công nhân lao động nông thôn. Ông Thái Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xi-măng Cần Thơ-Hậu Giang, cho biết, theo dự kiến, cuối năm nay sẽ nâng công suất dây chuyền hoạt động từ 450.000 tấn/năm lên 1.000.000 tấn/năm. Khi đó sẽ cần một lượng lớn lao động nông thôn và chất lượng cao để vận hành thiết bị.
Thông qua chính sách bản địa hóa nhân sự của các doanh nghiệp, người lao động địa phương dần có thu nhập ổn định, bớt lệ thuộc vào nghề trồng trọt, thuê mướn bấp bênh hay chuyển sang địa phương khác. Chất lượng cuộc sống lao động khu vực này dần dần được cải thiện, góp phần bảo đảm an sinh-xã hội tại địa phương.
Lao động có việc làm ổn định ở Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành-Hậu Giang. |
Lấy công nghiệp làm bệ đỡ cho nông nghiệp phát triển
Trong giai đoạn 2021-2030, Hậu Giang sẽ quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp, với tổng diện tích 2.233ha. Nhiệm vụ đặt ra là tập trung đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; Xây dựng khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, khu công nghiệp xanh đảm bảo môi trường, tạo ra giá trị bền vững, tăng thu cho ngân sách, tạo việc làm cho người lao động nông thôn tại địa phương; Quy hoạch được phân ra 2 giai đoạn. Giai đoạn từ 2021-2025 tiến hành quy hoạch 4 khu công nghiệp, với diện tích 784ha; xây dựng khu dân cư, khu tái định cư, khu dân cư thương mại và khu nhà xã hội; tạo ra sự phát triển đồng bộ. Giai đoạn 2 quy hoạch 4 khu công nghiệp, với diện tích còn lại trong 1.449ha.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh, để các khu công nghiệp thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội, nhất là giải quyết nguồn lực lao động nông thôn di cư, tỉnh Hậu Giang đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống các khu công nghiệp theo hướng liên hoàn, đồng bộ về cơ chế chính sách, hạn chế tình trạng hình thành các cụm công nghiệp nhỏ lẻ gây lãng phí, thiếu các công trình phụ trợ gây ô nhiễm môi trường.
Đồng chí Đồng Văn Thanh cho rằng, cần huy động nguồn lực tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực thu hút đầu tư vào các khu cụm công nghiệp. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo ra giá trị tăng cao, theo hướng lấy phát triển công nghiệp làm bệ đỡ cho nông nghiệp phát triển.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết thêm: Để thu hút được nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp hiện hữu và tương lai, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, thì tỉnh cũng cam kết thực hiện tốt phương châm “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “Cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”.
Song song đó, cần thực hiện tốt mô hình chính quyền điện tử, chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp; cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất, tốt nhất cho các doanh nghiệp; giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư xuống dưới 50% so với quy định; hệ thống chính trị trong tỉnh cam kết đồng hành cùng với doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động đầu tư tại địa phương, với quan điểm xuyên suốt “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.
Có thể nói, ngành công nghiệp của Hậu Giang thời gian qua có sự phát triển vượt bậc, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, được xem là hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Giúp lực lượng lao động nông thôn có việc làm ổn định, “ly nông mà không ly hương”, được sống và làm việc, sinh hoạt ngay trên mảnh đất quê hương của mình.