Hát Xoan - tài sản dân ca lâu đời, phong phú và đặc sắc

NDO - Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng hồ sơ đệ  trình UNESCO xét duyệt để đưa hát Xoan vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Bài viết của nhạc sĩ Cao Khắc Thùy dưới đây sẽ phác họa các nét cơ bản để bạn đọc hiểu thêm về tài sản dân ca lâu đời, phong phú và đặc sắc này của dân tộc.

Hát Xoan là vốn dân ca của các làng chung quanh vùng đất Tổ, được hát vào mùa xuân hằng năm. Theo các cụ phường Xoan kể lại, lúc đầu tên gọi là hát Xuân, được hát ở cửa đình, sau vì Xuân là tên húy nên gọi chệch thành Xoan. Sự tích hát Xoan kể rằng: Vợ Vua Hùng mang thai đã lâu, mà không sinh được. Một người hầu gái tâu, có nàng Tố Hoa xinh đẹp, múa giỏi hát hay, nên đón về múa hát có thể giúp đỡ đau và sinh nở. Vợ Vua nghe lời, liền cho mời nàng Quế Hoa tới. Quế Hoa đứng trước giường hát, múa tay cuốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún, ai cũng mê. Vợ Vua Hùng nghe hát, xem múa đã sinh được ba người con trai khôi ngô tuấn tú. Vua Hùng hết lòng khen ngợi Quế Hoa, bảo các mị nương học lấy các điệu múa hát và gọi là hát Xuân, vì khi ấy đang là mùa xuân. Các cụ nghệ nhân phường Xoan Phù Ðức lại kể: Ngày xưa ba anh em Vua Hùng đến đất này tìm nơi lập nghiệp. Ba vị đi qua thôn Phù Ðức vào buổi trưa và nghỉ lại ở một khu rừng cùng thôn. Các vị nhìn ra bãi cỏ trước mặt thấy mục đồng vừa chơi vừa hát, chỗ thì đánh vật chỗ thì kéo co. Thấy vậy, Ðức Thánh Cả liền bảo tùy tùng đem một số điệu hát dạy cho lũ trẻ. Hát Xoan sinh ra từ đó, và phường Xoan Phù Ðức là phường Xoan gốc.

Về nguồn gốc, nhiều nhà nghiên cứu đã dựa vào truyền thuyết, lịch sử, khảo cổ, xã hội... cho rằng, hát Xoan khởi nguồn từ thời Hùng Vương và phát triển cho tới ngày nay, như PGS, NS Tú Ngọc nhận xét: 'Hát Xoan mang trong nó nhiều tầng văn hóa tín ngưỡng khác nhau hơn hẳn nhiều hình thức diễn xướng nghi lễ - phong tục khác ở trung du và đồng bằng miền bắc nơi có tín ngưỡng Thành hoàng, tín ngưỡng địa linh, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng tổ tiên, tín ngưỡng thờ các anh hùng dân tộc về văn hóa và chống ngoại xâm. Sự hòa trộn nhiều tầng văn hóa tín ngưỡng khác nhau trong diễn xướng hát Xoan chứng tỏ hát Xoan đã có một lịch sử phát triển lâu đời'. Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương thì hát Xoan 'Bắt nguồn từ lễ hội thời Hùng Vương (chứ không phải lễ hội Hùng Vương), hát Xoan ban đầu không phải là hát Xoan như ngày nay... Hát Xoan mà chúng ta tiếp nhận hôm nay là hát cửa đình, là diễn xướng của tế lễ Thành hoàng... vào thời kỳ văn hóa Ðại Việt'.

Hát Xoan chỉ được hát ở những địa điểm nhất định, các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Phú Thọ thống kê có 17 đình làng  tổ chức lễ hội có hát Xoan. Và có bốn phường Xoan ở các làng Phù Ðức, Kim Ðơi, Thét và An Thái. Hát Xoan được tổ chức thành phường, gọi là phường Xoan. Mỗi phường có từ 12 đến 18 người, có một ông đứng tuổi có uy tín, nắm vững lề lối, thuộc nhiều bài bản, biết chữ Nôm, biết tổ chức, huấn luyện gọi là ông Trùm, cùng với các đào (nữ), kép (nam) tuổi 18 - 20 có thanh, có sắc. Hằng năm phường luyện tập vào tháng Chạp để ra Giêng đi hát. Những người đi hát không phải vì kế sinh nhai, nghề sống chính vẫn là làm ruộng, làm nương, chỉ đi hát vào lúc nông nhàn.

- Căn cứ vào nội dung và cách trình bày, có thể chia mỗi cuộc hát Xoan thành hai phần hát lễ và hát hội. Hát lễ gồm có: Hát chúc, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Ðóng đám (nghi thức mở đầu). Tiếp theo là 14 quả cách, mỗi quả có nội dung khác nhau, khi thì kể lại cách làm ăn, khi lại kể một câu chuyện, một sự tích, cách trình bày cũng thay đổi. Mỗi quả cách có ba phần: Giáo cách, là phần mở đầu, còn gọi là giang đầu hoặc bỉ đầu do một người dẫn cách hát. Ðưa cách, là nội dung chính của quả cách. Cách trình bày, một nam dẫn cách, tốp nữ hát, múa phụ hoạ đệm theo. Kết cách, là phần kết thúc, thường do một cô đào hát để kết thúc. Nội dung phần hát lễ cầu chúc 'quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ'. Về âm nhạc, phần hát lễ đơn giản về tiết tấu và giai điệu, tính chất trang nghiêm, cầu nguyện. Hát hội là phần trình diễn hết sức phong phú ở các lĩnh vực, lời ca, âm nhạc, múa và diễn xướng. Không chỉ có đào kép phường Xoan biểu diễn mà một số tiết mục còn có sự tham gia của trai gái làng sở tại. Phần này có các điệu Bợm gái, Liên khúc Bỏ bộ, Xin hoa, Ðố hoa, Ðố chữ, Gài hoa, Ðánh cá, Giã cá và các giọng vặt do nơi mời yêu cầu.

Trong nghệ thuật hát Xoan có ba thành tố chính là:

- Văn chương (lời ca): Văn chương trong hát Xoan rất phong phú, hợp thành từ dòng dân gian và bác học do các nhà Nho tham gia sáng tác ở thời kỳ Nho học phát triển. Tuy đề cập đến nhiều sinh hoạt xã hội chiếm tỷ lệ cao là hát thờ và hát giao duyên (trữ tình) thể hiện các khát khao, mơ ước, niềm vui của con người. Lời ca của hát Xoan đều được ghi chép thành bài bản, ít có trường hợp ngẫu hứng.

- Âm nhạc: Ðã khai thác thu và ghi âm được 35 làn điệu. Giai điệu có ba hình thức là nói, ngâm, và hát. Tiết tấu rất mạch lạc, đa dạng và có nhiều tìm tòi sáng tạo góp phần khắc họa tính cách, biểu đạt của mỗi điệu hát. Các trường hợp đảo phách (syncope), nghịch phách (contre-temps) thường ít gặp ở các loại hình dân ca khác thì trong hát Xoan lại có rất nhiều. Ðặc biệt là điệu thức, kết cấu (khúc thức) của hát Xoan khá đa dạng, phong phú. Nhạc cụ có trống, phách đệm và giữ nhịp.

- Múa: Trong mỗi cuộc hát Xoan có khoảng 24 tiết mục nhưng chỉ có ba tiết mục không có múa là Hát chúc thánh, Xin huê - đố chữ, Hát đúm, còn lại đều có múa.

Hát Xoan không chỉ là hát, múa mà còn là nghệ thuật của diễn xướng. Diễn xướng góp phần làm cho cuộc hát Xoan lôi cuốn, hấp dẫn. Vì thế đào kép phường Xoan không chỉ biết hát, múa mà còn phải biết diễn. Hát Xoan có tính hòa nhập cộng đồng cao, những nơi phường Xoan đến hát, một số trai làng sở tại cũng phải biết hát, múa cùng tham gia trong ngày hội. Thí dụ:

Ðiệu đánh cá, nam hát: Ðánh tiếc hay là đánh le - Gọng dậm anh cứng anh đè diếc rô. Tốp nữ hát: Vông vông tầm, vông tập tầm vông. Tốp nữ vừa hát vừa cầm tay nhau thành một vòng tròn làm lưới quây lấy một anh trai làng (làm cá). Khi người con trai nào bị các đào xoan quây được phải vùng vẫy tìm cách thoát ra ngoài. Anh này thoát ra được, các cô lại quây anh khác. Cuối cùng một anh không thoát, các đào xoan khiêng nằm ngửa đặt lên bàn thờ để cúng vua. Ngược lại, cũng có nơi cá lại là nữ do tục lệ của nơi phương đến hát quy định. Màn diễn được kéo dài rất vui và hấp dẫn.

Ðiệu Xin huê, một nam hát: Anh xin nàng chút huê trong đụn. Một nữ hát: Huê trong đụn anh thuận huê gì? Một nam hát: Huê trong đụn anh thuận huê lúa. Tốp nữ hát: Huê lúa mùa này nó chưa nở - Ðể một mai nó nở - Thiếp lại bẻ cho chàng - Sợ chàng chẳng yêu - Sợ chàng chẳng dấu - Ðể huê nụ héo - Huê hời huê hỡi là huê. Các trai làng xin huê nhưng lại chỉ vào cô đào nào mình thích nhất nên các cô mới từ chối. Cứ thế lần lượt xin hết huê này đến huê khác.

Ðiệu hát trống quân Ðức Bắc: Các trai làng Ðức Bắc mặc quần áo đẹp ra bờ sông Lô đón phường Xoan. Khi thuyền cập bờ sau vài lời, vài câu hát chào hỏi, các trai làng Ðức Bắc khoác vào cổ mỗi cô đào một chiếc trống nhỏ mình đã mang theo, thế rồi từng đôi, từng đôi vừa đi vừa gõ trống vừa hát dẫn về đình làng.

Mỗi một điệu hát như một ca cảnh diễn trên sân khấu hết sức hấp dẫn. Bởi vậy hát Xoan không chỉ mang trong mình nhiều lớp văn hóa khác nhau mà còn rất phong phú, sinh động và đặc sắc.