Quyết tâm sắt đá “tim có thể ngừng đập nhưng đường không bao giờ tắc” của thế hệ cha anh đang được Đảng bộ, chính quyền, người dân xã Mỹ Sơn và huyện Đô Lương tiếp nối, hiện thực hóa trên hành trình xây dựng Đô Lương thành miền quê đáng sống, sớm trở thành đô thị động lực của vùng tây nam Nghệ An.
Sức sống trường tồn
Những ngày cuối tháng 10, hòa theo dòng người về vùng đất thiêng, chúng tôi có mặt tại địa danh Truông Bồn để được thắp nén hương thơm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại “Tọa độ lửa” ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Dấu tích thời gian dẫu phủ bóng lên những sa bàn, bia mộ và những mảnh bom đạn trưng bày tại khu di tích, nhưng qua giọng thuyết minh trầm ấm, truyền cảm, đầy bi tráng của nhân viên Ban quản lý Khu di tích Truông Bồn, chúng tôi đã hình dung được phần nào sự ác liệt, nơi được ví như “túi bom”, “tọa độ chết”, khi đế quốc Mỹ rải bom đạn hủy diệt, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta.
Với vị trí đặc biệt trọng yếu trên tuyến đường 15A huyết mạch, bảo đảm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền nam, hơn 50 năm trước, Truông Bồn trở thành nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, tinh thần thép của những con người quả cảm với bom đạn khốc liệt của quân thù. Chỉ tính từ năm 1964 đến 1968, chúng đã trút xuống nơi đây gần 20 nghìn quả bom các loại; hàng chục nghìn quả tên lửa… Dám chắc trong tất cả các cuộc chiến tranh ở thế kỷ 20 trên thế giới, hiếm có một không gian và thời gian eo hẹp nào như mảnh đất 6.000m2 của Truông Bồn, bình quân 35m2 và 1,5 phút lại phải hứng chịu sức công phá của một quả bom tấn. Một cường độ hủy diệt khủng khiếp có một không hai trong lịch sử chiến tranh nhân loại…
Giữa mảnh đất bom cày, đạn xới, cái chết luôn kề cận, nhưng hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong nơi đây đã vượt lên bom đạn, vất vả thiếu thốn, ngày đêm bám trận địa. Với quyết tâm sắt đá “sống bám đường, bám cầu, chết kiên cường, dũng cảm”, chúng ta đã giữ vững mạch máu giao thông, đào đắp hàng triệu mét khối đất đá, đưa hơn 94 nghìn lượt xe cơ giới, vận chuyển và giải tỏa hơn một triệu tấn hàng vượt qua Truông Bồn theo sát các đoàn quân vào chiến trường.
Đổi thay ở thị trấn Đô Lương hôm nay. (Ảnh Huy Khôi) |
Trong cuộc chiến sinh tử trên cung đường này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh. Ngày 31/10/1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong của “Tiểu đội thép” đã anh dũng hy sinh, làm nên khúc tráng ca Truông Bồn bất tử. Ghi danh Truông Bồn, ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ Thanh niên xung phong Truông Bồn thuộc “Tiểu đội thép” huyền thoại thuộc Ðại đội 317, Ðội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.
Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, các tổ chức, cá nhân, trong đó có Báo Nhân Dân đã tặng quà, sổ tiết kiệm, hỗ trợ làm nhà cho các thân nhân liệt sĩ, thương binh, người có công có hoàn cảnh khó khăn và tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương và tỉnh Nghệ An.
Hằng năm, vào dịp tháng 10, Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng Truông Bồn với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại “Tọa độ lửa” Truông Bồn. Sau hai năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, năm nay, lễ kỷ niệm chiến thắng Truông Bồn cùng chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Bài ca bất tử” sẽ lại được Báo Nhân Dân và tỉnh Nghệ An tổ chức vào đêm 29/10, tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn.
Phát huy hào khí anh hùng
Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Đô Lương gắn với địa danh Truông Bồn oai hùng đang thay da đổi thịt. Tuyến đường chiến lược 15A đoạn đi qua thị trấn Đô Lương đến Truông Bồn xuôi về Nam Đàn, sang Đức Thọ, Can Lộc (Hà Tĩnh) đã “khoác” lên mình sứ mệnh mới, sứ mệnh kết nối phát triển kinh tế-xã hội liên vùng. Nhìn những ngôi nhà cao tầng, thị tứ sầm uất xen lẫn những cánh rừng, trang trại xanh mướt, bạt ngàn cây trái bên cung đường huyền thoại năm xưa càng giúp ta hiểu sâu thêm giá trị không thể đong đếm của hòa bình.
Chúng tôi ghé thăm xã Mỹ Sơn - trọng điểm đánh phá ác liệt năm xưa. Dưới các tán rừng xanh mướt là hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi cho thu nhập cao, trong đó có trang trại của vợ chồng ông bà Nguyễn Đức Danh và Phùng Thị Thành ở xóm 7. Là những công dân U60, sinh ra ngay trên mảnh đất Truông Bồn giữa lúc bom đạn ác liệt nhất, ông Danh, bà Thành cùng những người dân nơi đây hiểu được nỗi đau mất mát và nghèo khổ bởi chiến tranh nên đã tạo cho mình ý chí vươn lên sớm thoát đói nghèo.
Bà Thành tâm sự: “Hòa bình lập lại, chúng tôi từ trong những cánh rừng sơ tán trở về nhà. Khi đó, nơi đây chỉ có hố bom chồng lên hố bom; đồi núi lở lói, nham nhở đầy rẫy mảnh bom, mảnh đạn. Không cam chịu đói nghèo, mọi người ra sức cải tạo hố bom làm ao cá, làm ruộng trồng lúa, rau muống, rồi lấp hố bom làm nhà... Năm 2015, thi đua với nhiều gia đình khác trong xóm, gia đình tôi đã mạnh dạn đấu thầu gần 2ha đất ven rừng để chăn nuôi dê, vỗ béo trâu, bò và trồng cây ăn quả. Để gây dựng trang trại, ngoài vốn tự có, chúng tôi đã vay mượn thêm anh em, ngân hàng, đầu tư dần theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”.
Thấy hiệu quả của cách làm, chúng tôi nhận thêm mấy héc-ta để trồng keo, rồi thuyết phục cậu con trai Nguyễn Đức Lễ đang lái máy xúc ở xa về quê cùng sản xuất với bố mẹ. Giờ đây, trang trại của gia đình có hơn 150 con dê sắp xuất chuồng, cho doanh thu dăm trăm triệu đồng/lứa, chưa kể thu nhập từ cam, ổi, trâu bò vỗ béo. Nguồn thu từ trang trại tích cóp được, gia đình đang chuẩn bị xây nhà tiền tỷ cho con trai (tên Lễ), rồi mới tính chuyện hỏi vợ cho cháu”.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Sơn Đặng Văn Tú cho biết: Ra khỏi chiến tranh, phát huy truyền thống anh hùng, không cam chịu đói nghèo, Đảng bộ, chính quyền và người dân Mỹ Sơn đã xây dựng quyết tâm, bằng những nghị quyết, đề án phát triển kinh tế từ thế mạnh vườn đồi, rừng nhằm tăng thu nhập cho người dân. Giờ đây, Mỹ Sơn được biết đến với các trang trại, gia trại gắn chăn nuôi gia súc, gia cầm với trồng cây ăn quả cho thu nhập khá.
Khi quốc lộ 15A được nâng cấp mở rộng, xã đã khuyến khích người dân phát triển dịch vụ, thương mại; đa dạng loại hình sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập… Mỹ Sơn đã về đích nông thôn mới năm 2019 và đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất, khi đã hoàn thành được hơn một nửa các chỉ tiêu liên quan.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đô Lương Nguyễn Minh Hạnh cho biết: Phát huy hào khí Truông Bồn, cùng thi đua với Mỹ Sơn, các địa phương khác trong toàn huyện cũng phát động phong trào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi…, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, để trở thành những miền quê đáng sống.
Huyện Đô Lương cũng đang là điểm đến của các nhà đầu tư. Một số dự án lớn như Nhà máy xi-măng sông Lam, Nhà máy may Minh Anh… đã đầu tư trên địa bàn, thu hút hàng nghìn lao động. Huyện cũng đã hình thành các khu đô thị, khu dân cư mới; trung tâm thương mại…
Sau hai năm thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp (nhiệm kỳ 2020-2025), đến nay, 32/32 xã trong toàn huyện đã đạt nông thôn mới; Đô Lương phấn đấu năm 2023 đạt huyện nông thôn mới cùng các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025… Để tạo đà cho Đô Lương chuyển mình mạnh mẽ và khẳng định là trung tâm của vùng tây nam Nghệ An, vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất chủ trương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng huyện Đô Lương thành thị xã.
Đây chính là điều kiện quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và người dân Đô Lương nỗ lực phấn đấu sớm trở thành huyện mạnh về kinh tế, văn hóa xã hội phát triển, nông thôn đổi mới, đô thị văn minh, xây dựng huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030.