Hành trình sưu tầm tranh thờ Hàng Trống của cô gái Việt và một người Mỹ

Hành trình sưu tầm tranh thờ Hàng Trống của cô gái Việt và một người Mỹ


Một không gian thuần Việt

Các nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống của kinh thành xưa, nay còn lại rất hiếm hoi. Hai nhà sưu tầm Nguyễn Thị Nhung và Mark.S. Rapoport kể lại, sở dĩ tranh Hàng Trống (Hà Nội) có nhiều ở vùng núi cao phía bắc là vì những vị thầy Tào của các dân tộc thiểu số Cao Lan, Sán Chỉ, Dao, Sán Dìu, Tày, Nùng... thường sử dụng những tranh thờ trong các sinh hoạt nghi lễ, tôn giáo như lễ tang, lễ cúng chay, lễ thuỷ lục đạo tràng, lễ cấp sắc, phong sắc... Nhưng vì không thể tự vẽ, thầy Tào đã xuống kinh thành mời các nghệ nhân Hàng Trống giúp đỡ.

Những nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống sau những bận bịu mùa Tết cũng đã tới vùng dân tộc ở miền núi phía bắc để giúp các thầy Tào vẽ tranh. Những bức tranh từ nhiều thập kỷ trước đến nay vẫn được đồng bào gìn giữ như những đồ vật có giá trị tinh thần lớn lao. Những bức tranh được vẽ trên giấy dó, giấy báo, theo thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết, nhiều bức đã bị mủn và không còn nguyên vẹn với những sắc mầu tươi tắn ban đầu. 400 bức tranh được triển lãm là những tác phẩm tiêu biểu được lựa chọn từ trên 800 bức tranh thờ mà Nguyễn Thị Nhung và bác sĩ Mark đã sưu tầm được trong 5 năm qua.

Bước vào phòng triển lãm, cảm giác là sự choáng ngợp giữa một không gian văn hoá thuần Việt với những hiện vật thấm đẫm giá trị tâm linh. Phía kia là Bầu trời sao thần linh, còn đây là những bức tranh thờ của các dân tộc Cao Lan - Sán Chỉ, Dao, Tày, Nùng. Kia nữa là các hiện vật xuất hiện trong các sinh hoạt lễ nghi của đồng bào như lễ phục thầy Tào, trống, kiếm, bùa... Người xem như đi lạc vào một không gian đẫm chất thiêng của văn hoá tâm linh mà đồng bào các dân tộc vùng núi cao phía bắc đã tích luỹ từ nhiều đời. Người xem cũng thầm cảm phục những con người đã chẳng quản ngại gian nan để sưu tầm và gìn giữ những hiện vật có giá trị rất độc đáo này...

Hành trình của cô gái Việt và một người Mỹ

Bác sĩ Mark S. Rapoport cho biết: "Cuộc triển lãm là kết quả của một chuỗi những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi đã thấy và mua bức tranh thầy cúng đầu tiên tại cửa hàng của chị Nhung cách đây bốn năm. Từ đó, tôi đã theo đuổi công việc sưu tầm với một niềm đam mê thực sự. Cách đây một năm, tôi và Nhung quyết định hợp tác với nhau và mời GS. Phan Ngọc Khuê, người có những kinh nghiệm vô cùng quý giá trong lĩnh vực tranh Đạo giáo làm cố vấn...".

Cô gái Việt Nam Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1978), tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, khoa tiếng Pháp từ năm 2000. Tình yêu và sự cảm phục những giá trị di sản văn hoá dân tộc đã khiến Nhung lựa chọn một ngã rẽ khác với ngành học của cô: nghiên cứu và sưu tầm những giá trị văn hoá dân tộc. Cũng từ đó, Nhung đã sưu tầm được nhiều hiện vật đặc sắc, trong đó có nhiều bộ tranh quý.

Người bạn đồng hành của cô bác sĩ Mark S.Rapoport, sinh năm 1946 tại New York, Hoa Kỳ, tốt nghiệp ĐH Y cũng đã thu thập được không ít tác phẩm về nghệ thuật Việt Nam. Năm 1969, bác sĩ Mark đã từng đến Việt Nam với tư cách là sinh viên tình nguyện. Từ ngày đó Mark đã say mê sưu tầm các hiện vật văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, Mark cùng gia đình đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Để có được những kho báu này, cả Mark và Nguyễn Thị Nhung đã phải vượt qua khá nhiều trở ngại và gian nan khi lặn lội trên những vùng núi cao, rừng sâu, suối rộng, đến từng bản làng, từng nhà dân để tìm hiểu những tập tục, lễ nghi...

Với tranh Hàng Trống, ban đầu chỉ vì thấy đẹp thì mua, sau rồi cả hai mới biết, những bức tranh là tinh hoa nghệ thuật do các nghệ nhân kinh thành xưa vẽ.

Ngoài tranh Hàng Trống, Nguyễn Thị Nhung và bác sĩ Mark còn có một kho sưu tập khổng lồ với khoảng 10.000 bức tranh về đề tài Đạo giáo, Phật giáo cùng hàng trăm hiện vật quý hiếm như trang phục thầy cúng, đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào...

Sau những chuyến điền dã vất vả, bác sĩ Mark và Nguyễn Thị Nhung đã thỏa thuận, những hiện vật có giá trị nhất sẽ được họ tặng lại cho các bảo tàng Việt Nam. Sau cuộc triển lãm tranh thờ Hàng Trống, họ sẽ tặng lại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam một số tranh và hiện vật.