Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng "Búa liềm vàng"

Hành trình những kỷ vật vô giá của Bác Hồ (Kỳ 2)

Bài 2: Giọt mồ hôi sau tình yêu bất diệt

Để sưu tầm và lưu giữ những kỷ vật, tư liệu vô giá về Bác Hồ, các cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đã dành hầu như cả tuổi thanh xuân của mình để nghiên cứu, sáng tạo và làm việc không ngừng, ngay cả khi họ đã về hưu. Tình yêu với Bác được truyền lại từ thế hệ đi trước cho những thế hệ kế cận, thế hệ trẻ, để góp phần quan trọng trong việc lan tỏa tình yêu với vị Cha già dân tộc đến mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh với bức tranh thêu chùa Một cột Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng gia đình luật sư Lô-dơ-bi dịp Nô-en năm 1959.
TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh với bức tranh thêu chùa Một cột Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng gia đình luật sư Lô-dơ-bi dịp Nô-en năm 1959.

Vượt mọi gian khó

Không có nước mắt - không có hoa hồng, đó là câu nói luôn đúng trong mọi công việc, ngành nghề. Với các cán bộ bảo tàng, điều đó cũng không là ngoại lệ. Để có được những hiện vật, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ của Bảo tàng đã phải đi gặp nhân chứng, có khi tìm đến rất nhiều lần vẫn không gặp được, hoặc thậm chí nhân chứng không đồng ý tiếp, khi tiếp rồi cũng chưa chắc đã đồng ý hiến tặng vì họ đã coi đó là bảo vật gia đình với niềm yêu kính tuyệt đối với Bác. Nhưng mỗi cán bộ bảo tàng luôn đặt ra mục tiêu phải gặp và thuyết phục bằng được với những trường hợp khó khăn. Nhiều hiện vật rất quý được các nhân chứng coi như báu vật của gia đình, dòng họ mình cho nên không dễ dàng thuyết phục để họ tặng lại cho Bảo tàng. Nhân chứng càng yêu kính Bác, đôi khi càng khó thuyết phục. Làm sao để các nhân chứng tin rằng, nếu giữ kỷ vật về Bác thì đó chỉ là bảo vật gia đình, nhưng nếu trưng bày ở bảo tàng sẽ trở thành bảo vật của cả dân tộc, đó là những khó khăn mà mỗi cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn phải nỗ lực vượt qua.

“Mỗi cán bộ khi tiếp xúc và gặp gỡ nhân chứng còn cần phải biết cách thuyết phục làm sao để họ tiếp tục giới thiệu thêm những nhân chứng khác có lưu giữ kỷ vật về Bác, tạo được mạng lưới cung cấp hiện vật cho Bảo tàng. Muốn đạt được kết quả, mỗi cán bộ bảo tàng cần có sự hiểu biết, kiên trì và chân thành để chạm đúng tâm lý, tình cảm của nhân chứng với Bác Hồ, tất cả đều vì sự lan tỏa tình yêu với Bác thì chắc chắn sẽ thành công”, TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm trong hành trình đi tìm kiếm các kỷ vật và thuyết phục nhân chứng của cá nhân ông.

Phát hiện và tìm kiếm được các kỷ vật, tư liệu về Bác mỗi ngày một khó hơn, làm sao xác thực được độ chính xác của hiện vật lại cần đòi hỏi sự tỉnh táo, nhạy bén của mỗi cán bộ bảo tàng để bảo đảm tính chân thực, chính xác. “Lúc đầu mới gặp, có nhân chứng chưa sẵn sàng trao tặng hiện vật, người làm sưu tầm lắng nghe và thấu hiểu tình cảm của họ đối với Bác, thuyết phục họ tặng hiện vật để bảo tàng bảo quản tốt nhất, nói cho họ hiểu tác động của khí hậu và môi trường sẽ làm cũ và hỏng hiện vật... Nghề sưu tầm vất vả nhưng vui lắm. Khi đưa được hiện vật về bảo tàng giúp chúng tôi quên hết những mệt mỏi sau mỗi chuyến đi sưu tầm dài ngày”, cán bộ Phòng Tư liệu - Thư viện Nguyễn Thu Huyền chia sẻ.

Có những kỷ vật đoán định chắc chắn là của Bác, nhưng vì hồ sơ chưa đủ, hay khi tìm được hiện vật nhưng nhân chứng sở hữu vì quá yêu kính Bác cũng chưa muốn hiến tặng cho bảo tàng ngay, hay lúc tặng rồi, đầy đủ hồ sơ rồi nhưng vì một số lý do kỹ thuật chưa thể trưng bày... Đó cũng là những thách thức mà mỗi cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh phải cố gắng xử lý.

“Có người ở với Bác cả đời như thủ trưởng Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác, có người chỉ gặp Bác thoáng qua trên đường hành quân, có người được gặp Bác khi Người thăm đơn vị, hoặc một người dân thường... bất cứ nhân chứng lịch sử nào đã từng được gặp Bác, họ đều truyền cho tôi một tình cảm thật sự xúc động, mãnh liệt và tràn đầy tin tưởng. Họ nhận được từ Bác một sự cảm hóa hết sức tự nhiên, sẵn sàng gắn bó và trung thành với sự nghiệp của Bác”, ông Tính nhớ lại. 34 năm gắn bó với nghề bảo tàng, cả cuộc đời thu gom các tư liệu, hiện vật và gìn giữ, từ những ngày đầu làm việc tại Bảo tàng, những năm 1980 - 1983, ông Tính đã thực hiện đề tài nghiên cứu Theo dấu chân trường kỳ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi lại chặng đường kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ông Tính đã cố tìm gặp tất cả những người được Bác Hồ đặt tên: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi - Đồng - Tâm - Kiên - Quyết - Trung - Dũng - Cần - Kiệm - Liêm. Hành trình của Bác từng ngày một trong suốt chín năm, gặp tất cả những nhân chứng lịch sử gắn bó với Bác đã cho ông Tính ghi nhận lại bằng một niềm tin tuyệt đối bởi dù ở một năm hay cả cuộc đời gắn bó với Bác, họ đều có tình cảm vô cùng thiêng liêng và kính yêu Người. “Bác Hồ vô cùng vĩ đại nhưng lại rất bình dị, gần gũi, thân thương với tất cả mọi người. Bác tiếp xúc với ai thì người đó đều coi Bác là người thân trong gia đình. Tôi không gặp nhiều khó khăn, trắc trở trong công việc, bởi tìm gặp nhân chứng lịch sử nào họ cũng sẵn sàng cung cấp tư liệu, từ họ luôn toát ra niềm yêu kính Bác. Tất cả những điều đó là động lực lớn lao truyền cảm hứng làm việc trong suốt cuộc đời tôi”, ông Tính kể.

Cũng như ông Chu Đức Tính, bà Phạm Thị Lai, cán bộ Phòng Tư liệu - Thư viện cũng đã lựa chọn Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi gắn bó suốt cuộc đời công tác 32 năm của mình. Mặc dù gặp khó khăn khi ban đầu chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về lịch sử và phương pháp luận, nhưng bà Lai được nhắc đến là một cán bộ rất thành công trong việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm và phát huy các giá trị lịch sử, những thông tin mới và có ý nghĩa lớn trong khối tài liệu lưu trữ về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng sự nỗ lực học hỏi không ngừng. Với khả năng ngoại ngữ và là người nắm kho tư liệu của Bảo tàng trong nhiều năm cho nên bà Lai có nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu và phát hiện những tư liệu của Bác. Ngay từ khi mới về cơ quan, bà Lai đã chép được cuốn nhật ký của nguyên Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến ghi lại từng ngày từng giờ về Bác Hồ và cuộc kháng chiến trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc. “Hồi ấy tôi đi theo bác Vũ Kỳ thăm nhà sàn Bác Hồ cùng với các đồng chí lão thành cách mạng. Nghe Bộ trưởng Lê Văn Hiến kể nhiều chuyện cảm động cho nên tôi đã xin xuống nhà bác ở phố Tông Đản (Hà Nội) để hỏi thêm thông tin. Trong khi làm việc, bác Hiến khoe có cuốn sổ ghi chép, khi đọc thấy có nhiều câu chuyện cảm động, ý nghĩa cho nên tôi đã mượn bác những cuốn nhật ký quý giá ấy và chép bằng tay tất cả những khoảng thời gian ghi lại hoạt động của Bác Hồ vì hồi ấy không có máy tính như bây giờ. Tất cả các sự kiện tôi ghi lại đều đưa vào bộ sách Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử. Sau này Bảo tàng mới mượn lại bác Hiến để phô-tô và lưu giữ”.

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, trong không khí khẩn trương chuẩn bị toàn diện cho Bảo tàng Hồ Chí Minh ra đời, bà Lai cũng nhiều lần được theo ông Vũ Kỳ, lúc đó là Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đi ghi hồi ký các đồng chí lãnh đạo các ngành, các đồng chí thường xuyên được làm việc với Bác để xác minh sự kiện, bổ sung thông tin cho các tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Sau này, trên cơ sở các hồi ký ghi ngay từ những ngày đầu thành lập cơ quan, năm 2001 đến 2005, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức biên tập, xuất bản thành hai tập hồi ký: Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ; Kỷ niệm về Bác.

Con đường Bác đã đi qua

Một trong những kỷ niệm ghi nhớ nhất, hạnh phúc lớn lao nhất của bà Phạm Thị Lai là hai chuyến đi sưu tầm ở Nga, cùng các đồng nghiệp của mình vượt qua nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ để được vào đọc tại các kho lưu trữ ở Liên bang Nga, nơi lưu giữ nhiều tài liệu về Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lưu trữ có nguyên tắc phải đặt trước hai ngày mới mượn được tài liệu, mỗi lần đặt chỉ được đọc năm hồ sơ, và muốn xin được tài liệu cũng phải đặt trước, sau một tháng mới lấy được. Thời gian của đoàn công tác lại ngắn, kho lưu trữ lưu giữ nhiều tài liệu, chỉ riêng kho lưu trữ Lịch sử Chính trị - Xã hội quốc gia Nga đã có 685 phông và tập tài liệu, với hơn hai triệu hồ sơ tài liệu lưu trữ, 160 nghìn hồ sơ hiện vật bảo tàng. Phần lớn tài liệu đọc qua mi-crô-phim, máy vi tính. Nhưng với quyết tâm cao, tìm mọi cách tiếp cận, tranh thủ thời gian và sự giúp đỡ của các bạn Nga, lần đầu tiên đoàn sưu tầm đã scan màu gần 1.000 trang tài liệu, đó là những giấy tờ lưu trong hồ sơ cá nhân Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, liên quan hoạt động của Người trong những năm 1922-1938 như: Thẻ dự các Đại hội Đảng Cộng sản Pháp, Đại hội Quốc tế Cộng sản; Quốc tế thanh niên; thị thực nhập cảnh nước Nga, hộ chiếu; bản khai lý lịch; bảng điểm; thẻ ra vào nơi làm việc, nơi ở; một số chỉ thị, nghị quyết của Quốc tế Cộng sản liên quan đến Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương; bản thảo các báo cáo, bài viết của Người...

Tài liệu sưu tầm được trong chuyến công tác này bổ sung cho hoạt động trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh, làm sáng tỏ thêm quãng thời gian hoạt động khó khăn của Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô từ tháng 6-1934 đến cuối năm 1938, một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Tuy nằm trong vòng xoáy những biến động của Quốc tế Cộng sản thời kỳ này, nhưng với ý chí, nghị lực và sự kiên định của mình, Lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn vững vàng đi đến đích. Những tài liệu mới sưu tầm được cho biết trước chuyến đi của Nguyễn Ái Quốc trở về gần Tổ quốc, mối quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với Quốc tế Cộng sản đã được giải quyết. Quốc tế Cộng sản tạo điều kiện, bố trí cho Người đi thuận tiện, không giống như suy diễn của một nhà nghiên cứu cho rằng, hành trình về nước của Nguyễn Ái Quốc không theo sự bố trí của Quốc tế Cộng sản.

Nhiều người cũng hay nhắc đến thành quả mà ông Tính cùng đoàn nghiên cứu của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thu được chỉ sau 10 ngày khảo sát, nghiên cứu những phát hiện có tính hiệu đính về địa điểm và thông tin các di tích Bác Hồ ở Hồng Công (Trung Quốc) trong hai thời kỳ: Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và sự kiện Tống Văn Sơ bị bắt tháng 6-1931. Đoàn nghiên cứu đã đến được nhà tù Vích-to-ri-a nơi Bác bị giam cầm; là những người Việt Nam đầu tiên tìm được địa điểm chính xác nơi Bác bị bắt là căn nhà số 186 đường Tam Cung, quận Cửu Long, Hồng Công (Trung Quốc) - những thế hệ nghiên cứu trước đã không tìm ra bởi số nhà đó hiện không còn do đường Tam Cung bị cắt đi một nửa để làm sân vận động Ô-lim-pích; xác định được công viên Tống Vương Đài là nơi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Đúng như trong bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng, Tố Hữu từng viết: “Như đứa trẻ sinh nằm trong cỏ/ Không quê hương, sương gió tơi bời/ Đảng ta sinh ở trên đời/ Một hòn máu đỏ nên Người hôm nay”.

Các Nhà trưng bày về Hồ Chí Minh trong nước và quốc tế (như ở Pháp, Trung Quốc, Lào, Thái-lan) được xây dựng, trưng bày luôn cố gắng tránh sự trùng lặp và phát huy được thế mạnh của từng nơi, phù hợp văn hóa từng quốc gia, để làm sao khi người dân đến xem, họ thấy được sợi dây liên kết giữa đất nước của họ với Bác Hồ. Ngoài các chi nhánh, di tích, hiện đã có hơn 25 nước dựng tượng Bác Hồ ở ngoài trời hay đặt trang trọng trong các nhà lưu niệm như ở Liên bang Nga, Pháp, Hung-ga-ri, Mông Cổ, Xin-ga-po, Phi-li-pin, Xri Lan-ca, Ma-đa-gát-xca, Ác-hen-ti-na, Mê-hi-cô, Đô-mi-ni-ca-na, Cu-ba... Sức lan tỏa của cuộc đời và tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các di tích của Người ở nước ngoài cũng làm cho các cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh hết sức xúc động khi nhiều người có thể kể và truyền lại cho các thế hệ con cháu những câu chuyện về Bác rất đỗi gần gũi, thân thương.

TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, sưu tầm kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cần chính xác, mang ý nghĩa lịch sử mà còn cần giữ được yếu tố thẩm mỹ. Hiện vật quý ngày càng ít đi, cho nên việc sưu tầm sẽ khó khăn hơn trước. Thuyết phục được nhân chứng tặng lại đã khó, nhưng xác minh tính chính xác và bảo quản, trưng bày kỷ vật cũng cần khoa học và tỉ mỉ. Hầu hết các cán bộ bảo tàng đều làm việc bằng sự say mê và trách nhiệm với từng tư liệu, kỷ vật về Bác để có thể lan tỏa hơn tình yêu với Người. Đó là những di sản mang giá trị nhân loại cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.

(Còn nữa)

* Bài 1: Tìm kiếm và gìn giữ

----------------------------------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 3-10-2019.