Hành trình lặng lẽ trong sương

“Những đứa trẻ trong sương” của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm lọt vào Top 15 Phim tài liệu xuất sắc Oscar. Trước đó, ê-kíp thắng giải Phim quốc tế xuất sắc tại Liên hoan phim Docaviv và giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Tài liệu Amsterdam năm 2021. Phía sau dấu ấn thành công của một bộ phim là hành trình lặng lẽ của cô gái người Tày đến từ Bắc Kạn.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong phim "Những đứa trẻ trong sương". (Ảnh Đoàn phim cung cấp)
Cảnh trong phim "Những đứa trẻ trong sương". (Ảnh Đoàn phim cung cấp)

Đạo diễn Hà Lệ Diễm sinh năm 1992, tốt nghiệp khoa Báo chí-Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cô cũng theo học khóa đào tạo ngắn hạn về phim tài liệu tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh. Sau thời gian ngắn làm báo, Hà Lệ Diễm rẽ sang con đường phim tài liệu.

Trong 10 năm gắn bó với thể loại này, cô có ba tác phẩm, trong đó “Con đi trường học” - phim đầu tay Lệ Diễm thực hiện khi còn là sinh viên đại học đã đoạt giải Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2013 và dấu ấn gần nhất là “Những đứa trẻ trong sương”.

Bộ phim xoay quanh câu chuyện của cô bé người dân tộc Mông tên Di, 12 tuổi, sống trong một bản nhỏ ở Sa Pa (Lào Cai). Di cũng như nhiều bạn nữ cùng trang lứa phải đối diện với tục kéo vợ - điều có thể làm thay đổi tương lai của các cô gái theo hướng ít tích cực. Di đã cố gắng chống cự, nhất quyết không lấy chồng và muốn được tiếp tục đi học.

Nữ đạo diễn gặp Di năm 2017 và gặp hình ảnh tuổi thơ của mình ở đó bởi Hà Lệ Diễm cũng là người dân tộc Tày, từng chứng kiến nhiều bạn bè đánh mất tuổi thơ vì lập gia đình sớm. Cô đã cố gắng tiếp cận, thuyết phục Di để có thể ghi lại những dấu mốc trưởng thành của nhân vật này trong suốt hành trình hơn ba năm. Nhiều giai đoạn của phim, đạo diễn ăn ở cùng gia đình Di.

Trong phim, đạo diễn tập trung khai thác những biến đổi tâm lý của cô bé Di dẫn đến cao trào vào năm 14 tuổi khi em bị một chàng trai mới quen bắt về làm vợ. Tình huống ấy dẫn đến nhiều cuộc xung đột: Về ý thức giữa các thế hệ trong một gia đình; về phong tục tập quán và quyền con người; về mối tương quan giữa câu chuyện riêng và câu chuyện chung...

Cô bé Di không muốn thuận theo tục cướp vợ, nhưng cũng sợ bố mẹ phải hổ thẹn với cộng đồng khi đi ngược phong tục. Hà Lệ Diễm khai thác được nhiều phân đoạn đắt giá, trong đó có các cuộc phỏng vấn ngắn của chính đạo diễn và các nhân vật. Qua cách kể chuyện và biểu cảm, khán giả thấu hiểu hơn suy nghĩ của đồng bào dân tộc về phong tục, về mối quan hệ trong gia đình.

Hầu hết mọi người đều băn khoăn, nghi ngại nhưng không dám một mình chống lại phong tục đã tồn tại bao đời. Vàng - chàng trai kéo Di về làm vợ - còn nói: “Em cũng không biết sao lại bắt nó. Em vẫn còn trẻ”. Bộ phim cũng thể hiện được sự tiếp cận của chính quyền, nhà trường tới đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy cô, công an địa phương xuất hiện can thiệp khi sự việc trở nên căng thẳng, nhưng cũng chỉ dừng ở mức tư vấn, tuyên truyền, không ép buộc.

Bên cạnh điểm nhấn nội dung, “Những đứa trẻ trong sương” còn thu hút bởi hình ảnh đẹp, cách kể chuyện, dựng phim hấp dẫn. Núi rừng phía bắc Việt Nam hiện lên trong các khung hình đầy tính nghệ thuật. Hơn ba năm quay phim, sáu tháng dựng phim, chỉ tính riêng việc dịch nháp phim từ tiếng Mông sang tiếng phổ thông đã mất ba tháng... Bộ phim là hành trình không ngừng nghỉ của nữ đạo diễn trẻ.

Cô chia sẻ, bộ phim không phán xét ai hay áp đặt điều gì tốt, xấu mà mục đích đầu tiên là ghi lại những điều chân thật nhất từ đời sống của nhân vật, bởi suy cho cùng, đạo diễn hay khán giả vẫn là người từ ngoài nhìn vào chứ không thực hành văn hóa. Bất kỳ văn hóa nào không còn phù hợp nữa thì cộng đồng sẽ loại bỏ. Tuy nhiên, qua phim của mình, Hà Lệ Diễm mong trẻ em vùng cao được tiếp cận với nhiều cơ hội học tập hơn, bởi bầu trời ngoài kia rất rộng lớn.

Lâu nay, nói đến đạo diễn phim, lại là phim tài liệu, nhiều người quen hình dung công việc này phù hợp với nam giới bởi điều kiện quan trọng vẫn là sức khỏe để làm chủ đạo cụ, công việc bộn bề. Tuy nhiên, cô gái Tày nhỏ nhắn lại quyết dấn thân vào con đường đầy khó khăn ấy để trở thành nhà làm phim tài liệu độc lập, tự chủ mọi việc từ quay phim đến dựng phim, xử lý âm thanh, ánh sáng…

Khi được hỏi về bí quyết, Hà Lệ Diễm chia sẻ một cách giản dị: Cô là người yêu thích cảm giác tự do, tự tìm tòi, học hỏi mọi thứ và quan trọng nhất là câu chuyện và cảm xúc. Vất vả đến mấy, chỉ cần đủ đam mê thì khó khăn sẽ thành chuyện nhỏ. Các tác phẩm của Hà Lệ Diễm luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới phụ nữ và trẻ em vùng cao. Thí dụ, bộ phim trước đó mang tên “Con đi trường học” kể về một phụ nữ người Dao đơn thân bị nhiễm HIV, một mình nuôi con ở Bắc Kạn. Niềm tin yêu và hy vọng sống của chị dồn vào đứa con duy nhất.

Để có những thước phim chân thật, cô sinh viên khi ấy cứ rảnh là bắt xe khách từ Hà Nội về Bắc Kạn, trèo đèo lội suối tới căn nhà cheo leo giữa rừng núi, ăn ngủ cùng nhân vật để chứng kiến câu chuyện đời họ, để cảm nhận cuộc sống và thấu hiểu nhân vật hơn. Phim đoạt giải Cánh diều Bạc nhưng ít người biết rằng số tiền mà Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh (TPD) hỗ trợ cho đạo diễn làm phim độc lập chỉ vỏn vẹn hai triệu đồng và đạo diễn đã sử dụng máy ảnh Canon 550D cá nhân để quay thay vì thuê máy quay phim chuyên dụng.

Bằng nỗ lực âm thầm và lòng yêu nghề, Hà Lệ Diễm đã được đặt chân đến những nơi xa xôi cô từng mơ ước như: Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Canada, Hà Lan, Ấn Độ… để tham gia những khóa học và dự án phim, liên hoan phim quốc tế.

“Những đứa trẻ trong sương” là phim tài liệu hiếm hoi ra rạp, dù giá vé chỉ 50 nghìn đồng/vé. Các buổi chiếu phim thu hút khá đông khán giả và ê-kíp phim có mời nguyên mẫu gồm Di cùng gia đình cô tham gia giao lưu. Đây chính là yếu tố hấp dẫn, thú vị giúp công chúng tiếp cận nhiều hơn so với phạm vi một bộ phim, đồng thời có tính gợi mở cho các dự án phim tài liệu khác về con đường đầy nỗ lực để vươn ra quốc tế, chinh phục công chúng bằng nhiều cách khác nhau.