Cuộc gặp gỡ bất ngờ
Được biết trước đây Nhật làm việc tại Ngân hàng quốc gia Australia, tại sao Nhật lại dấn thân vào ngành công nghệ thực phẩm có vẻ như không hề liên quan này?
Nhật Nguyễn: Trước đây tôi học về kế toán nhưng khi làm việc tại Ngân hàng quốc gia Australia tôi lại làm về công nghệ. Công việc của tôi là giúp ngân hàng tạo nên những ứng dụng mới cho người dùng trên mobile app. Nhưng tôi luôn muốn làm một điều gì đó đặc biệt để "gỡ khó" những vấn đề trong cuộc sống mà con người gặp phải bằng công nghệ.
Giữa năm 2018, tôi quyết định nghỉ việc tạm thời 1 năm. Lúc đó, thực tình tôi chưa biết mình sẽ làm gì. Và tôi đến Canada, ban đầu nghĩ là đi xin việc làm thôi. Ở Vancouver, khi đăng kí tham gia cuộc thi Hackathon Machohack ở Vancouver, tôi tình cờ gặp Lucas Cunha. Lucas từng có công ty xuất nhập khẩu thực phẩm hữu cơ từ Trung Quốc sang Mỹ, Canada và Lucas cũng đang đi tìm kiếm cho mình một cơ hội.
Khi nghe Lucas chia sẻ về những khó khăn trong quản lý nguồn gốc, chất lượng thực phẩm tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi nghĩ, tại sao không thử xử lý vấn đề này bằng công nghệ? Trong 48 tiếng sau đó, tôi và Lucas lên ý tưởng và lập trình. Vượt qua 8 nhóm dự thi, nhóm của 2 bọn tôi đã giành giải Nhất cuộc thi Hackathon Machohack năm đó. Otrafy ra đời và cuộc đời tôi cũng rẽ hướng từ đó.
Cuộc gặp gỡ với Lucas dường như là "duyên trời định" khiến Nhật bỏ hẳn ngân hàng và đi "khởi nghiệp"?
Nhật Nguyễn: Đúng là cuộc gặp gỡ của tôi và Lucas khá bất ngờ và là cái duyên. Nhưng để làm được với nhau thì không phải chỉ gặp nhau một lần và thi một cuộc thi là được. Sau đó, tôi và Lucas ngồi lại và thử phát triển thêm ý tưởng của mình, cũng như thi Vancouver Startup Week 2018 và đạt giải Nhất. Chúng tôi may mắn được tham gia TECHSTAR-một trong những chương trình vườn ươm startup lớn nhất của Mỹ. Bạn biết đấy, tỷ lệ chấp nhận đơn của họ là 1% trong 17.000 đơn ứng tuyển. Mỹ là nơi ngành công nghiệp thực phẩm phát triển mạnh nhất thế giới và Mỹ là một thị trường lớn, đầy thách thức. Các cuộc thi khiến chúng tôi nhìn nhận lại được ý tưởng của mình, gắn bó với nhau hơn và điều chỉnh để phát triển Otrafy.
Ban đầu tôi vẫn giữ cho mình công việc tại ngân hàng, vì tôi muốn chắc chắn mọi thứ. Nhưng sau hơn 1 năm, khi mọi việc dần đi vào quỹ đạo tôi mới chính thức dấn thân.
Không có gì "từ trên trời rơi xuống"
Nghe qua thì có vẻ như mọi việc đến với Nhật và Otrafy khá thuận lợi? Thắng giải ở các cuộc thi lớn đồng nghĩa với việc mang lại cho bạn khá nhiều cơ hội và cứ thế tiến bước?
Nhật Nguyễn: Không phải mọi thứ với tôi đều trơn tru đâu. Trước khi đi thi ở Canada, tôi đi thi rất nhiều cuộc thi về công nghệ ở Australia, nhưng... thua cuộc. Sau các cuộc thi, tôi cố gắng thử triển khai những ý tưởng đó nhưng đều không thành công.
Không có gì là trên trời rơi xuống, khó khăn nhiều lắm. Nhất là gọi vốn. Bạn cứ tưởng tượng đi, mình chưa bao giờ làm quản lý công ty gì, cũng không có kinh nghiệm trong ngành thực phẩm, vậy làm sao gọi được đồng vốn đầu tiên phát triển công ty? Tôi kéo cả nhóm đi thi các cuộc thi để tìm kiếm cơ hội. Tôi đã phải đi đến các hội nghị, diễn đàn khác nhau liên quan đến start-up. Cũng không phải có tiền là bạn được tham dự các hội nghị. Chúng tôi đã phải làm đủ mọi cách.
Có lần, có một diễn đàn ở Dallas, họ đang tìm kiếm người thuyết trình. Nhưng để có được cơ hội đó, bạn cần phải gửi tóm tắt và cả luận án cho họ, nếu thích họ sẽ mời. Lúc đó, tôi không hề có luận án trong tay, nhưng tóm tắt 2 trang thì tôi làm được. Tôi đánh liều gửi tóm tắt, và nghĩ bụng nếu họ chấp nhận tôi sẵn sàng bắt tay vào viết cả luận án. Họ đọc và rất thích 2 trang tóm tắt đó, nhưng lại hết vị trí trình bày dự án. Tuy nhiên Otrafy lại có tên trên áp phích-đó cũng đã là một cơ hội với chúng tôi. Lúc ở bên trong hội trường, có một người đàn ông đến hỏi mấy câu về dự án. Tôi không hề biết ông ấy là nhà đầu tư. Thế nào mà ông ấy thích cách chúng tôi triển khai nên sau này đã rót vốn cho Otrafy.
Còn bây giờ, chúng tôi đang đối mặt với bài toán nhân sự. Công ty phát triển đồng nghĩa với việc cần phải có thêm nhân lực. Nhưng để tìm được những con người cùng chung chí hướng và đạt được những yêu cầu công việc không hề dễ dàng.
Nền tảng Otrafy đã gỡ khó cho việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm như thế nào?
Nhật Nguyễn: Thông thường, các doanh nghiệp phải đọc và xử lý thông tin của các nhà cung cấp thông qua các chứng từ, được gửi trực tiếp hoặc qua hàng nghìn email và nhập dữ liệu thủ công qua các bảng biểu excel. Nền tảng Otrafy sẽ nhập các dữ liệu bằng AI (đọc các ký tự khoa học) một cách dễ dàng thay vì phải nhập liệu từ văn bản này sang văn bản khác. Đồng thời, nền tảng Otrafy bóc tách dữ liệu đã nhập thông qua thuật toán đám mây dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp. Người mua hàng và nhà cung cấp cũng có thể giao tiếp các loại giấy tờ trực tiếp trên ứng dụng, quản lý các yêu cầu đôi bên và dễ dàng truy xuất quá trình thực hiện.
Nền tảng Otrafy giúp giảm tối đa thời gian đọc, lọc thông tin rồi xử lý giấy tờ, tránh rủi ro sai lệch khi thực hiện thủ công và nâng cao hiệu suất. Từ đó, doanh nghiệp tập trung tạo ra sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng thay vì dành thời gian lo chuyện chứng nhận và thủ tục rườm rà. Hệ thống cũng cung cấp chức năng quản lý ngày hết hạn cho những giấy tờ kiểm định chất lượng.
Otrafy tập trung hướng tới những nhà sản xuất khép kín, các nhà sản xuất thực phẩm sạch, hữu cơ?
Nhật Nguyễn: Giai đoạn 2018-2019, Otrafy tập trung ở ngành sản xuất thực phẩm sạch, hữu cơ. Làm thế nào để có thể kết nối được với các nhà sản xuất thực phẩm sạch để có dữ liệu và chạy thử hệ thống này? Tôi và Lucas đều lúng túng. Năm 2019, khi tham gia TECHSTAR, trong 3 tuần, nhóm của tôi gặp hơn 100 mentor khác nhau, được tạo cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với những nhà sản xuất có chuỗi sản xuất khép kín và cả không khép kín.
Những cuộc nói chuyện khiến cho chúng tôi "sáng mắt" ra. Dù rất đau lòng nhưng chúng tôi nhận ra rằng đứa con mình "đẻ" ra cần phải thay đổi. Chúng tôi gần như phải vứt đi và xây mới hoàn toàn hệ thống. Và sau đúng 1 năm, Otrafy mang một diện mạo cũng như hướng đi khác. Otrafy chuyển mình, từ chỗ chỉ cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc cho các nhà sản xuất thực phẩm sạch, hữu cơ, sản phẩm của Otrafy mở rộng và áp dụng vào mọi ngành sản xuất thực phẩm.
So với các công ty cung cấp dịch vụ tương tự, điều gì làm nên sự cạnh tranh của Otrafy?
Nhật Nguyễn: Ý tưởng này chắc cũng có nhiều người có nhưng mình thay đổi cách làm và mình tin hướng đi của mình là hợp lí. Otrafy chỉ mất khoảng 1 tháng để triển khai dịch vụ cho khách hàng, thay vì mất từ 6 tháng đến 1 năm như các công ty có dịch vụ tương tự. Sự khác biệt của Otrafy nằm ở thiết kế sáng tạo, đơn giản, dễ học và dễ sử dụng. Hơn nữa khả năng nhân rộng của hệ thống rất dễ dàng.
Việc đọc văn bản lấy thông tin khá phổ biến trong nhiều ngành. Nhưng điều quan trọng trong ngành sản xuất thực phẩm là độ chính xác và cụ thể. Nếu bạn có càng nhiều thông tin để đối chiếu thì độ chính xác càng cao. May mắn chúng tôi được nhiều hãng sản xuất thực phẩm lớn trên thế giới cung cấp lượng thông tin khổng lồ để thử nghiệm chạy trên AI model, vì vậy DATA thử nghiệm của Otrafy đạt được độ chính xác cao.
Các khách hàng phản hồi như thế nào về công nghệ Otrafy?
Nhật Nguyễn: Chúng tôi có nhiều khách hàng là những công ty lớn ở Mỹ, Canada như: Cargill, Kemps, General Mills... và sau quá trình sử dụng họ đều gửi những lời cảm ơn vì đã giúp ích cho họ rất nhiều trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tôi nghĩ sự hữu ích của Otrafy chính là những phản hổi ý nghĩa nhất đối với chúng tôi.
Tin ở thị trường Việt Nam
Thi ở những cuộc thi lớn ở trên thế giới và đạt được những thành công nhất định, tạo được cả thị trường ở Mỹ và Canada. Vậy tại sao Nhật lại quyết định về Việt Nam tham gia TECHFEST 2021?
Nhật Nguyễn: Tôi rời Việt Nam khá lâu, từ năm tôi học hết lớp 9. Cuối năm 2020, sau 15 năm quay lại tôi thấy Việt Nam có nhiều thay đổi. Chính phủ cùng hành động để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và start-up đang phát triển mạnh mẽ. Tôi cũng nhận thấy không lâu nữa, cũng như ở Mỹ, Canada, Việt Nam cũng sẽ chú trọng vào thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ và người tiêu dùng, Chính phủ sẽ có những đòi hỏi cụ thể hơn đối với ngành sản xuất thực phẩm. Quy định về thực phẩm sẽ ngày càng được siết chặt, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp khó nếu không chuyển đổi số và kết nối được với nhà nhập khẩu nước ngoài cũng như cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm. Vì thế, chúng tôi nhìn thấy một tương lai sáng cho Otrafy ở Việt Nam.
Tham dự TECHFEST chúng tôi được hỗ trợ, kết nối tới các nhà sản xuất và học tập được rất nhiều kinh nghiệm đối với thị trường Việt Nam. Rất may mắn, Otrafy giành được giải Quán quân. Tuy vậy, chúng tôi cũng vô cùng áp lực. Vì không quan trọng là bạn thắng, mà sau cuộc thi bạn chứng minh được mình có thành công hay không và hướng đi của mình là đúng đắn.
Khi đảm nhận việc phát triển đội ngũ kỹ thuật cho Otrafy tại Việt Nam, tôi nhận thấy làm việc với các bạn trẻ Việt Nam rất thích. Đất nước chúng ta có rất nhiều tài năng và tôi muốn cùng các bạn tạo ra cơ hội cho chính mình.
Là đại diện của Việt Nam tham gia đấu trường quốc tế Start-up World Cup 2022, sản phẩm của Otrafy liệu còn cần phải khắc phục những điểm gì và phát triển thêm như thế nào để có thể cạnh tranh được với những ý tưởng khác? Bạn và cộng sự của mình đã vạch định đường dài cho Otrafy?
Nhật Nguyễn: Chúng tôi cải thiện nền tảng Otrafy mỗi ngày. Tuy nhiên, tôi mong có thể phát triển nó đơn giản hơn nữa, bố trí giao diện phù hợp với nhu cầu của nhà cung cấp, doanh nghiệp. Chúng tôi cũng mong muốn mở rộng đối tượng người dùng.
Trong đầu năm 2022, tôi mong muốn tìm được một nhà cung cấp thực phẩm lớn của Việt Nam như Massan, Vinamilk... sử dụng dịch vụ của Otrafy trước khi sang Mỹ dự thi thì sẽ có câu chuyện hay hơn. Năm 2021 tôi cũng đã có trao đổi với một số công ty nhưng vì dịch Covid-19 nên mọi thứ hơi bị chững lại.
Kế hoạch của chúng tôi là tiếp tục tập trung vào việc hiện thực hóa tầm nhìn thành cơ sở hạ tầng dữ liệu cho ngành nông nghiệp và thực phẩm toàn cầu. Để đạt được điều này, chúng tôi sẽ bắt đầu vòng huy động vốn vào đầu năm 2022 để có thể mở rộng quy mô đội ngũ của mình và tiếp tục mang lại giá trị cho ngày càng nhiều nhà sản xuất thực phẩm, sẵn sàng xâm nhập những thị trường mới đầy tiềm năng, trong đó có Việt Nam.
Bạn có thể chia sẻ những kinh nghiệm cho start-up Việt Nam-những người cũng đang tìm kiếm cơ hội như bạn?
Nhật Nguyễn: Thứ nhất, bạn có ý tưởng chưa đủ mà bạn cần phải có người sẵn sàng sử dụng sản phẩm của bạn. Ý tưởng của bạn dù có hay đến mấy mà không có người dùng phù hợp thì sẽ dễ dàng thất bại. Khi đã có người dùng thì bạn có thể phát triển lên, và dần điều chỉnh ý tưởng của mình.
Thứ hai, phần lớn những người làm start-up đều là những dự án ban đầu. Vì vậy, bạn cần được có những người strat-up đi trước và những người thành công với lĩnh vực đó chia sẻ kinh nghiệm cho bạn. Vì thế hãy tìm cách mở rộng các mối quan hệ và tìm kiếm những người sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bạn. Những điều họ chia sẻ sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.
Cuối cùng, tôi nghĩ làm một start-up nếu làm một mình xác suất thành công sẽ rất thấp. Khi gặp khó khăn, áp lực mình sẽ rất dễ nản lòng và bỏ cuộc. Nhật may mắn có Lucas cùng đồng hành và chia sẻ những khó khăn cùng, cho nên tốt nhất các bạn hãy tìm người có cùng chí hướng, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.
Cám ơn Nhật vì những chia sẻ của mình và chúc cho Otrafy sẽ thành công hơn nữa!