Hành động vì một tương lai bền vững

Chủ đề Ngày Dân số thế giới (11/7) năm nay được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra là "Thế giới 8 tỷ người: để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, cần khai thác cơ hội và bảo đảm quyền lựa chọn cho tất cả mọi người".
Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)
Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

Đây là một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ nhằm kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các nhà hoạch định chính sách đầu tư nhân lực và vật lực vì một xã hội hòa nhập, hiệu quả, tiến tới bảo đảm quyền con người.

Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Năm 2011, dân số thế giới đạt 7 tỷ người và năm nay, con số đó sẽ là 8 tỷ. Nhiều người sẽ ngạc nhiên về những tiến bộ trong y tế đã kéo dài tuổi thọ cũng như giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em cũng như việc phát triển vắc-xin trong thời gian ngắn kỷ lục. Những đổi mới công nghệ cũng đã giúp cuộc sống của chúng ta thoải mái hơn và kết nối chúng ta hơn bao giờ hết. Những tiến bộ trong bình đẳng giới cũng đạt được.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều được hưởng những tiến bộ đó. Vẫn còn có phụ nữ chết trong quá trình sinh nở. Bất bình đẳng giới vẫn tồn tại. Nhiều phụ nữ và người dân ở các nước đang phát triển chưa thể tiếp cận kỹ thuật số. Thời gian qua, vắc-xin phòng Covid-19 vẫn không được phân phối đồng đều. Những mối quan ngại và thách thức đã được chỉ ra cách đây 11 năm, hiện vẫn còn đó hoặc đã trở nên tồi tệ hơn như: biến đổi khí hậu, bạo lực, phân biệt đối xử. Một con số đặc biệt nghiệt ngã vào tháng 5 năm nay: toàn thế giới có hơn 100 triệu người buộc phải dời chỗ ở.

Theo Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc: Mặc dù tốc độ gia tăng dân số toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong những thập kỷ tới, nhưng dân số thế giới có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 20% đến 30% vào năm 2050 so với năm 2020. Ước tính chính xác về xu hướng dân số và dự báo đáng tin cậy về những thay đổi trong tương lai, bao gồm quy mô dân số và cơ cấu dân số theo độ tuổi, giới tính và vị trí địa lý là cần thiết cho việc xây dựng và thực hiện chính sách và là hướng dẫn để hỗ trợ các quốc gia đi theo con đường phát triển bền vững. Thí dụ, khi mức sinh giảm phải chăng là do các cặp vợ chồng lo lắng về cách họ sẽ chu cấp cho một gia đình, tìm chỗ ở hợp túi tiền hay việc nghỉ sinh có thể cản trở con đường sự nghiệp của người vợ. Khi mức sinh tăng phải chăng là do sự lựa chọn của họ hoặc do phụ nữ không có kiến thức hay không được tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiện đại...

Tại Việt Nam, hơn 60 năm qua, công tác dân số đã đạt nhiều kết quả khá quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế; quy mô dân số ở mức hợp lý và duy trì tổng tỷ suất sinh thay thế suốt hơn 10 năm qua. Sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và tỷ lệ tử vong ở người mẹ giảm mạnh, vượt qua các chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao, được quốc tế công nhận và đánh giá cao. Mức sinh giảm đã làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 42% (năm 1979) xuống còn 25% (năm 2015). Ngược lại, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64) tăng từ 53% lên 68,4%. Đáng chú ý, chất lượng dân số ngày càng cải thiện, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng cao; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện hơn, đến năm 2020, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam đạt 168,1cm (nam) và 156,2cm (nữ)... Thành công của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đã góp phần đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về nâng cao sức khỏe bà mẹ và giảm tử vong ở trẻ em.

Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11/7) năm nay, các tỉnh, thành phố đều đồng loạt triển khai nhiều hoạt động như: tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, chủ đề Ngày Dân số thế giới; tổ chức các hội thảo chuyên đề về tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sau sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ trẻ em; chăm sóc người cao tuổi, duy trì mức sinh hợp lý, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số… Đáng chú ý, nhiều hội thảo được tổ chức với các nội dung nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; tăng cường sự tham gia đồng bộ, tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, tầng lớp nhân dân, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển góp phần đạt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, chúng ta cần cải thiện hơn nữa chất lượng dân số; nâng cao tầm vóc, thể lực và tuổi thọ trung bình của người dân; tiếp tục giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong ở trẻ em.

Thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng cần luôn hướng tới những cơ hội nhằm chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản bà mẹ trẻ em... để xây dựng một thế giới khỏe mạnh, khi đó mới có một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.

THANH MAI