Hành động khẩn cấp vì đại dương

Sau nhiều năm đàm phán, các nước thành viên Liên hợp quốc đang chạy đua với thời gian nhằm thúc đẩy sớm ký kết một hiệp ước quốc tế về bảo vệ các đại dương. Trong bối cảnh hệ sinh thái đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng, Liên hợp quốc kêu gọi các nước không bỏ lỡ cơ hội quan trọng này.
0:00 / 0:00
0:00
Rác thải nhựa là mối đe dọa lớn đối với môi trường biển. (Ảnh AP)
Rác thải nhựa là mối đe dọa lớn đối với môi trường biển. (Ảnh AP)

Các nhà đàm phán quốc tế đến từ 193 quốc gia trên thế giới đang quy tụ tại New York, Mỹ, tham gia Hội nghị liên chính phủ lần thứ 6 với mục tiêu chung là giải quyết những bất đồng còn tồn tại để đi đến ký kết một hiệp ước về bảo vệ các đại dương.

Chuyên gia cấp cao về chính sách và quản lý đại dương toàn cầu thuộc Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Jessica Battle (G.Bát-tơ) nhấn mạnh, hiệp ước đầu tiên về đa dạng sinh học ở các vùng biển khơi sẽ tạo ra một cơ chế quốc tế để chỉ định các khu bảo tồn biển.

Thỏa thuận quốc tế này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ ít nhất 30% diện tích biển và vùng ven biển trên thế giới, được nhất trí tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15), diễn ra tại thành phố Montreal (Canada) hồi tháng 12/2022.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) từng cảnh báo, mục tiêu liên quan bảo tồn tài nguyên và môi trường biển nhận được ít sự quan tâm nhất trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); nhân loại đang đối mặt tình trạng khẩn cấp về đại dương khi các vùng biển đều rơi vào khủng hoảng.

Các hệ sinh thái đại dương là nơi tạo ra tới 50% lượng oxy cho Trái Đất, cung cấp nguồn thực phẩm và dinh dưỡng thiết yếu cho hàng tỷ người mỗi ngày và góp phần quan trọng giảm tình trạng ấm lên toàn cầu nhờ hấp thụ phần lớn lượng CO2 thải ra từ hoạt động của con người. Tuy nhiên, lá phổi quan trọng này đang bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đánh bắt thủy sản quá mức cho phép.

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, dựa trên các xu hướng hiện nay, mức độ rác thải nhựa đổ ra các đại dương có thể tăng gần gấp ba lần, lên mức một tỷ tấn vào năm 2060.

Ước tính mỗi năm, hàng triệu con chim biển và động vật có vú sống dưới biển chết do nuốt phải các hạt vi nhựa. Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên, có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết, gần 10% thực vật và động vật dưới nước đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học đến từ 16 viện nghiên cứu trên thế giới thực hiện, được đăng trên tạp chí quốc tế Advances in Atmospheric Sciences, nhiệt độ các đại dương trên thế giới tiếp tục tăng cao. Kể từ năm 2017, mức độ nóng lên tại các đại dương liên tục chạm những mốc kỷ lục mới.

Các nhà khoa học cho biết, khi ấm lên, khả năng hấp thụ CO2 của các đại dương cũng giảm, dẫn tới lượng CO2 tồn đọng trong bầu khí quyển nhiều hơn, càng khiến tình trạng ấm lên toàn cầu trở nên nghiêm trọng.

Liên hợp quốc từng nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng đoàn kết để bảo vệ và gìn giữ các vùng biển, giải quyết những thách thức mà đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển trên thế giới đang phải đối mặt.

Dù chiếm tới hơn 60% diện tích các đại dương trên thế giới và gần 50% diện tích bề mặt Trái Đất, các vùng biển quốc tế lại nhận được ít sự quan tâm. Hiện không có cơ quan nào được giao nhiệm vụ quản lý, cũng như chưa có cơ chế toàn diện nào có thể bảo vệ những sinh vật sống tại vùng biển nêu trên.

Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) nhấn mạnh, nếu không thể triển khai một hiệp ước bảo vệ đại dương toàn cầu thì đến năm 2030, thế giới sẽ mất đi cơ hội bảo vệ 30% diện tích các đại dương - vốn là ngưỡng tối thiểu mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp đại dương hồi phục từ tình trạng ô nhiễm hiện nay. Liên hợp quốc kêu gọi các nước sớm tháo gỡ những bất đồng còn tồn tại, cùng ký kết một thỏa thuận quốc tế, xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ các đại dương.