"VEC đã chậm trễ, không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai lắp đặt các làn ETC. Thống nhất tiến độ hạn chót đến 30/6 tới, tất cả các trạm thu phí của VEC phải thực hiện ETC", Phó Thủ tướng kiên quyết.
Chủ động áp dụng phương án phù hợp
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp VEC cùng các đơn vị liên quan giải quyết nhanh các vướng mắc, đồng thời, yêu cầu VEC phải lên các phương án, bố trí nhân lực làm ngày đêm, lắp đặt ETC tại các trạm thu phí do VEC quản lý trong thời gian sớm nhất. Nếu VEC không có chuyển động tích cực, cần nghiêm khắc kiểm điểm, quy trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân vì sao có sự chậm trễ, liệu có động cơ, tiêu cực gì không?
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, mặc dù Bộ liên tục đốc thúc tiến độ và quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là đến ngày 30/6 tới phải lắp thu phí không dừng trên tất cả các trạm thu phí nhưng các trạm thu phí do VEC quản lý đang bị chậm tiến độ so với yêu cầu.
VEC được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác 5 dự án đường cao tốc gồm Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Bến Lức-Long Thành và Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Trong 5 dự án nêu trên, mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC (15/40 làn), các tuyến cao tốc khác vẫn triển khai thu phí theo hình thức một dừng.
Lý giải nguyên nhân chậm trễ, Tổng Giám đốc VEC Phạm Hồng Quang cho biết: Việc triển khai các dự án về công nghệ thông tin (gồm cả việc thu dịch vụ công nghệ thông tin) được quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Trường hợp coi hệ thống thu phí ETC là một dự án mới (phương án 1), VEC phải triển khai các thủ tục lập dự án thuê dịch vụ ETC, thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy trình này do phải thực hiện rất nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian nên không thể hoàn thành trong năm 2022.
Theo phương án 2, nếu coi việc triển khai ETC là hình thức thu phí mới thay thế hình thức thu phí một dừng, VEC sẽ vận dụng trình tự thủ tục thuê nhà cung cấp dịch vụ như đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng chi phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước. Triển khai theo phương án này, thẩm quyền do VEC quyết định và đẩy nhanh tiến độ do chỉ cần phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ để tổ chức lựa chọn ngay nhà cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, vẫn có ý kiến cho rằng việc sử dụng chi phí quản lý thu phí tại các tuyến cao tốc để thuê dịch vụ, áp dụng như chi thường xuyên theo phương án 2 là chưa hoàn toàn phù hợp. Hiện nay, trong khi chờ xin ý kiến các bộ, ngành, VEC đã chủ động theo phương án 2 và trong tháng 6 sẽ lựa chọn được nhà cung cấp, sau đó 45 ngày sẽ hoàn thành lắp đặt ETC tại tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và 50 ngày tiếp theo, hoàn thành tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Theo ông Phạm Hồng Quang, do chờ hướng dẫn thực hiện phương án 2 từ Bộ Tài chính nên việc triển khai ETC bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc triển khai phương án lắp đặt ETC là trách nhiệm của VEC, VEC hoàn toàn có thể tự quyết, không có vướng mắc gì từ phía Bộ Tài chính.
Xử phạt nghiêm trường hợp cố tình
Liên quan vấn đề thí điểm thu phí ETC trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng từ ngày 1/6 tới đây, các cơ quan quản lý đánh giá, nếu thành công sẽ là tiền đề nhân rộng ra các tuyến cao tốc khác bởi đây là hình thức thu phí văn minh, thuận tiện cho tất cả lái xe và tạo điều kiện cho cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện việc giám sát doanh thu của các nhà đầu tư tại dự án BOT.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt hơn 10 trường hợp đi vào làn ETC khi không đủ điều kiện trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, một số được nhắc nhở khi tài khoản giao thông không đủ tiền, chưa có trường hợp nào chống đối.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt nghiêm (phạt nguội) các phương tiện cố tình không dán thẻ ETC, hoặc dán nhưng tài khoản không đủ vẫn lưu thông trên tuyến cao tốc. Những xe cố tình không chấp hành sẽ bị xử phạt qua hình ảnh và cập nhật lên hệ thống, gửi thông báo xử phạt về nơi ở và ra cảnh báo trên đăng kiểm.
Việc phạt nguội cũng giúp lực lượng chức năng kiểm soát toàn diện hơn so việc tuần tra kiểm soát trực tiếp trên tuyến bởi không đủ người tuần tra, giám sát trên các tuyến cao tốc đồng thời tạo thuận lợi cho người dân, góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến. Khi việc thí điểm ETC trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được thực hiện, sẽ tiến tới bỏ barrier tại các làn và việc xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát sẽ thuận lợi, dễ dàng và hiệu quả hơn.
Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, thời điểm hiện tại, đã đủ điều kiện pháp lý, kết cấu hạ tầng (biển báo, vạch sơn thông báo trên tất cả các nhánh ra vào quốc lộ 5 về việc thu phí ETC trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng từ ngày 1/6 đúng quy chuẩn kỹ thuật.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các nhà đầu tư triển khai phát hành tờ rơi tuyên truyền tới lái xe, người dân về việc thí điểm ETC toàn tuyến Hà Nội Hải Phòng từ ngày 1/6, góp phần nâng cao tỷ lệ các phương tiện dán thẻ ETC qua trạm, phấn đấu đạt 89-90% khi chính thức triển khai. Hiện nay, tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ ETC mới chỉ đạt 61%, có thời điểm đạt được 65%.
Việc thí điểm ETC được thực hiện tại 32/62 làn trên 6/6 trạm thu phí ở tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, mỗi trạm duy trì 1 làn/chiều xe chạy để xử lý các phương tiện gặp sự cố trong quá trình thu phí. Các phương tiện chưa đủ điều kiện vào tuyến có thể dán thẻ ETC ngay tại trạm hoặc không muốn tham gia bằng hình thức ETC, có thể quay lại lưu thông trên các tuyến quốc lộ 5 và quốc lộ 38.
Đối với các sự cố trục trặc thẻ thu phí như không được nhận diện, phương tiện dán chồng thẻ của hai nhà cung cấp,… Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho hay, Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, qua đó, phát hiện một vài cá nhân ở điểm bán vé vì muốn tăng doanh số đã dán chồng 2 thẻ ở cùng một phương tiện. Đây là hành vi của cá nhân không nằm trong chỉ đạo của hai nhà cung cấp. Thẻ của đơn vị nào hư hỏng thì khắc phục theo đơn vị đó, tại các nhánh vào trạm đều có điểm trực dán thẻ của cả hai nhà cung cấp. Những lỗi này sau đó đã được chấn chỉnh ngay và yêu cầu tất cả các điểm dán thẻ không tiếp tục tái diễn.