Theo PGS, TS Phạm Minh Huyền, di tích Ðông Sơn phát hiện từ năm 1924 và khi công bố đã gây được sự chú ý của các học giả nghiên cứu Ðông - Nam Á và trên thế giới. Chỉ trong vòng 10 năm kể từ khi phát hiện di tích Ðông Sơn đã được khai quật tới 80 điểm. Giai đoạn 1971-1975, văn hóa Ðông Sơn được tìm hiểu một cách hệ thống, nghiên cứu đa ngành, liên ngành và giai đoạn 1976 đến nay, văn hóa Ðông Sơn tiếp tục được nghiên cứu có hệ thống theo từng lưu vực các con sông. Tại sông Mã, di tích Ðông Sơn được khai quật nhiều lần và kết quả khai quật trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Ðông Sơn cho thấy số lượng trống đồng được phát hiện tăng vọt. Ông Viên Ngọc Lưu, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khẳng định: Trống đồng Ðông Sơn, sản phẩm trí tuệ của người Việt cổ được phát hiện ở Thanh Hóa gần 80 chiếc, chiếm một phần ba tổng số trống đã được phát hiện trên địa bàn cả nước. Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ học phát hiện được ở khu vực này cả một kho tàng hiện vật phong phú về thời đại đồ đồng, di cốt động vật, các sản vật của nền kinh tế nông nghiệp, dấu ấn về nếp nhà sàn truyền thống cùng tín ngưỡng sơ khai của chủ nhân vùng đất này. Những tiến bộ vượt bậc trong chế tác, sử dụng công cụ kim khí tạo nên bước nhảy vọt của các hoạt động kinh tế chủ đạo thời bấy giờ, thúc đẩy sự phân hóa thành các giai tầng trong xã hội, tạo tiền đề hình thành nhà nước sơ khai.
Ðến với Hàm Rồng là đến với cái nôi của nền văn hóa Ðông Sơn, đến với miền quê cổ tích, một vùng trầm tích, tâm linh. Trong nhân dân còn lưu truyền truyền thuyết về ông Vồm, bà Vồm bắc thang đòi trời chống hạn cùng những sự tích về núi Rồng, sông Mã. Tại động Tiên Sơn các nhà khoa học còn phát hiện di cốt người cổ đại hóa thạch. Bên cạnh điểm khai quật khảo cổ học được khoanh vùng quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, ở làng cổ Ðông Sơn còn có quần thể di tích lịch sử văn hóa như đền thờ Lê
Uy - Trần Khát Chân, chùa Phạm Thông, Miếu đệ Nhị thờ Trịnh Thế Lợi và kỷ tạo sơn tác thành núi Cánh Tiên, núi Yên Ngựa, núi Rồng, hòn Ngọc cùng các hang động Tiên Sơn, Hàm Rồng, Mắt Rồng. Phan Huy Chú chép trong Lịch triều hiến chương loại chí: "Một dòng sông, một con suối, một quả núi chỗ nào cũng là danh thắng" và trong dòng chảy văn hóa dân gian câu ca "Thanh Hóa thắng địa là nơi, Rồng vườn hạt Ngọc, Hạc bơi chân thành" còn mãi được lưu truyền. Từ lâu, khu vực Hàm Rồng đã trở thành điểm đến của các bậc tao nhân mặc khách. Sinh thời, Phạm Sư Mạnh, Trần Nghệ Tông, Lê Quát, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, các danh sĩ Bắc Hà như Ngô Thì Sĩ, Ninh Tốn đến các nhà thơ cận hiện đại như Sầm Phố, Tản Ðà, Xuân Hiệu, Huy Cận, Trinh Ðường từng du ngoạn, sáng tác nên nhiều áng thơ văn về vùng đất này. Ðặc biệt, các vua thời Hậu Lê hiện có một số bài thơ được tạc vào vách đá để lại di sản muôn đời cho hậu thế. Nền đất Ðông Sơn từng là chiến địa, nơi cư trú và chôn cất của một làng người Việt cổ, tồn tại từ thế kỷ thứ 7 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 3 sau công nguyên. Làng cổ Ðông Sơn rộng hàng trăm nghìn m2, là một trong ba làng lớn nhất miền bắc. Cùng với tính cộng đồng được bảo lưu bền vững trong làng, xã, một số thiết chế văn hóa mang dấu ấn từ thời Lý - Trần được lưu giữ. Từ kiến trúc của chiếc cổng làng, tuyến đường liên thôn cũng mang nét cổ kính và trong làng hiện còn 15 ngôi nhà cổ. Gắn liền với quần thể di tích này, hằng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương thường tổ chức lễ hội mùa xuân vào dịp sau Tết Nguyên đán. Ngoài nghi lễ rước kiệu cùng phối tế, làng Ðông Sơn tổ chức đa dạng trò chơi, trò diễn dân gian như chọi gà, thi đấu vật, đánh đu hay tổ chức các môn thể thao hiện đại thu hút đông đảo quần chúng vào các hoạt động vui tươi, lành mạnh, bổ ích.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làng cổ Ðông Sơn, phường Hàm Rồng nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của địch. Ðứng chân chiến đấu trên vùng đất thép có tới gần mười tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cầu Hàm Rồng trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người dân tỉnh Thanh Hóa và cụm di tích lịch sử cách mạng này được xếp hạng, khoanh vùng quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị trong cuộc sống hôm nay. Trên mảnh đất từng bị bom đạn cày xới định hình lâm viên xanh, khu bảo tồn nhiều loài thực vật đặc hữu, làm giàu có thêm hệ sinh thái đa dạng. Những năm gần đây, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, mạng lưới đường giao thông khu vực này dần được cứng hóa, nhựa hóa. Tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành cơ chế chính sách hấp dẫn kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nhằm biến Hàm Rồng trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Khu du lịch Kim Quy với các hạng mục thành phần như hồ, đảo, nhà nổi, du thuyền, một số cơ sở lưu trú, kinh doanh ẩm thực được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành khai thác. Tỉnh Thanh Hóa đang triển khai xây dựng khu tưởng niệm quy mô lớn với các kiến trúc: tụ điểm sinh hoạt cộng đồng, đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại khu vực này, đồng thời tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng làng văn hóa các dân tộc, công viên đá, phát triển đa dạng các loại hình giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh, sinh thái, leo núi, dịch vụ vui chơi, giải trí theo quy hoạch. Từ đây, du khách có thể thưởng thức các làn điệu dân ca Thanh Hóa cùng du thuyền ngược dòng sông Mã đến với Ngã Ba Bông, non nước Cửa Hà, suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) hay xuôi về với thị xã du lịch biển Sầm Sơn.
Phó Bí thư đảng ủy phường Hàm Rồng Dương Tất Thành cho biết: Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phường Hàm Rồng đã hoàn thành việc nâng cấp, xây dựng mới nhiều tuyến đường, trường học, công sở trên địa bàn. Riêng năm 2009, giá trị đầu tư xây dựng cơ bản đạt hơn 17 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp tới gần năm tỷ đồng. Trên địa bàn phường có ba trường học, trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 95% số dân được sử dụng nước sạch, chấm dứt tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Ðảng ủy, chính quyền phường đã và đang thực hiện một số chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng mô hình trồng dưa bao tử, phát triển kinh tế vườn đồi, nuôi chim, nuôi thỏ đem lại giá trị kinh tế cao, dự kiến du nhập thêm nghề chế tác đá mỹ nghệ, sản xuất đồ lưu niệm. Phát triển dịch vụ du lịch-TTCN là hướng đi đã được khẳng định, hiện chiếm tới 46% trong cơ cấu kinh tế ở phường Hàm Rồng.
Phường Hàm Rồng đang vững bước đi lên từ bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, khơi nguồn cảm hứng cho thi ca đương đại: "Biết phá, biết xây, nên ta biết giữ/ Một công trình cho cả nước ta đi".