Toàn quốc kháng chiến - Bản hùng ca về ý chí bảo vệ độc lập, tự do

Hải Phòng kiên cường những ngày đầu kháng chiến

Đó là những ký ức hào hùng không thể nào quên. Trung tướng Đặng Kinh, vị tướng du kích lừng danh, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã nói như vậy về cuộc chiến đấu trong những ngày đầu kháng chiến bảo vệ thành phố Cảng của Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng - một bản hùng ca về tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Có lẽ tuổi tác và sức khỏe khiến Trung tướng Đặng Kinh không nói chuyện dài. Những điều cần nói ông đã ghi lại trong cuốn hồi ký “Giọt nước của dòng sông” do NXB Quân đội nhân dân ấn hành. Ông không khỏi xúc động khi nhắc đến những kỷ niệm không bao giờ phai mờ, nhất là về tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân Hải Phòng trong những ngày mở đầu Toàn quốc kháng chiến, mà ông là một trong những người trực tiếp tham gia.

Cuối năm 1946, trước các vụ khiêu khích của thực dân Pháp, thực hiện lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh, quân và dân Hải Phòng- Kiến An đã lập lực lượng tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc, tổ chức diễn tập, biểu dương lực lượng sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến. Cả rừng người, cùng súng, mã tấu, cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu “Đả đảo thực dân hiếu chiến Pháp”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Việt Nam độc lập muôn năm”... với khí thế cách mạng bừng bừng ở khắp nơi.

Sáng 20-11, quân Pháp đã nổ súng gây hấn ở khu vực Tam Kỳ, đoạn từ phía cổng sở Ca-rông đến cầu xe lửa vòng sang Hạ Lý (khu vực Công viên Tam Bạc hiện nay). Hôm trước, thực dân Pháp đã thu hai ca-nô và một phà của ta, thiết lập quyền kiểm soát thuế quan và đụng độ đã xảy ra khiến một chiến sĩ công an, một chiến sĩ Vệ quốc đoàn và một người dân thiệt mạng. Quân Pháp liên tiếp tiến công ta tại các vị trí trọng yếu trong thành phố. Toàn thành phố, súng máy, súng cối và đại bác nổ vang.

Chiều 20-11, ông trở về Kiến An, báo cáo trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy Kiến An - đồng chí Lê Quốc Thân về tình hình chiến sự ở Hải Phòng và đề nghị đưa một đại đội tự vệ sang huyện An Dương để đánh địch, chặn đường của chúng trên quốc lộ 5 và đường sắt. Tối 21-11, trên đỉnh núi Giang, ông nhìn thấy các khu nhà ở của người lao động nghèo ở Hải Phòng bốc cháy khắp nơi, lửa khói cao ngút trời, ông cùng đồng đội thề quyết tâm bám đất, đánh giặc, sớm trở về mảnh đất Hải Phòng thân yêu.

Sáng 22-11, đại đội tự vệ của ông đã hành quân sang huyện An Dương và đêm 22-11 thì chiếm lĩnh và triển khai trận địa đón đánh địch tại làng Thiết Chanh và Cam Lộ (phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng ngày nay). Ông Đặng Kinh đạp xe qua cầu Ca-rông, ra đường Cát Cụt, Trại Cau, xuống thôn An Khê (đường Văn Cao hiện nay), để gặp Chỉ huy trưởng tự vệ huyện Hải An - đồng chí Ngô Hùng, bàn cách đánh sân bay Cát Bi. Ngày 23-11, bằng cách vừa đánh, vừa thị uy rung dọa, lực lượng tự vệ huyện Hải An chỉ với súng trường và mã tấu đã khiến trung đội địch tại sân bay Cát Bi bỏ chạy, ta thu được lượng lớn vũ khí chiến lợi phẩm gồm ba khẩu pháo 12 ly bảy, bốn trung liên, năm tiểu liên, bảy súng trường, nhiều đạn dược và đốt cháy kho xăng của địch...

Đến 7 giờ sáng 23-11-1946, chỉ huy quân đội Pháp tại Hải Phòng đã gửi tối hậu thư cho Ủy ban Hành chính thành phố buộc các lực lượng vũ trang (LLVT) chính quy của ta rút khỏi Hải Phòng. Ủy ban Bảo vệ thành phố kiên quyết bác bỏ tối hậu thư và kêu gọi nhân dân và LLVT ta sẵn sàng chiến đấu. 10 giờ ngày 23-11, Pháp nổ súng trở lại tiến công thành phố, lực lượng ta đánh trả quyết liệt. Ta bao vây quân địch trong nhà ga, đánh quân tiếp viện, giữ vững mặt trận sông Tam Bạc, đốt kho bom đạn Cát Bi.

Ngày 24, chúng ném bom tàn phá các vị trí đóng quân tại huyện Hải An, đường Cầu Đất, đường Hàng Kênh... và Nhà hát lớn trở thành trung tâm bắn phá của chúng. Đây là ngày cuối cùng diễn ra trận chiến quyết liệt của quân dân Hải Phòng tại khu trung tâm thành phố, đã thể hiện tinh thần bất khuất kiên cường của quân và dân Hải Phòng. Ngày 25-11, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt, đến ngày 26-11, Ủy ban Bảo vệ thành phố ra lệnh cho bộ đội và nhân dân rút khỏi nội thành.

Ngày 28-11, một đại đội quân Pháp đã tiến công thăm dò vào trận địa do đại đội của ông Đặng Kinh chỉ huy khi đó gồm lực lượng tự vệ và hai trung đội Vệ quốc đoàn. Chờ bọn địch đến gần trong khoảng cách 30 m, lực lượng của ông mới nổ súng, khiến địch thương vong một nửa. Ta thu được 12 súng trường, một trung liên và một tiểu liên. Vũ khí thu được lại giao cho các chiến sĩ Vệ quốc đoàn sử dụng. Trận chiến cứ liên tục diễn ra, đại đội của ông đã cầm cự, chống trả các đợt tiến công của địch. Đến ngày 10-12, địch huy động một tiểu đoàn có pháo binh yểm trợ, tổ chức tiến công trên toàn tuyến phòng thủ Cam Lộ. Trận chiến diễn ra quyết liệt từ 8 đến 10 giờ. Bọn địch thất bại nặng nề, 126 tên địch đã bị tiêu diệt và chúng buộc phải rút lui. Nhưng phía ta có ba chiến sĩ hy sinh và năm người bị thương. Những ngày sau, trận chiến ở thế giằng co.

Đến ngày 20-12, quân Pháp huy động lực lượng lớn gồm một trung đoàn pháo binh mạnh và một hạm đội đường sông, gồm cả đại bác, xe cơ giới, xe lội nước, xe tăng. Trận chiến ác liệt lại diễn ra từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, lực lượng của ta đã anh dũng chống trả, bẻ gãy cả sáu lần tiến công của địch. Trước tình thế lực lượng mạnh của địch định quây tròn bao vây, lực lượng của ta đã quyết định chủ động rút qua sông Rế, bảo toàn lực lượng. Chỉ với ba khẩu súng máy và vũ khí bình thường, đại đội của ông Đặng Kinh đã kiên cường, dũng cảm chặn đứng địch suốt 25 ngày đêm...

Chiều 20-12, ông được Văn phòng liên Tỉnh ủy thông báo toàn bộ nội dung Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Ông được lệnh thực hiện “tiêu thổ kháng chiến” ở thị xã Kiến An và trở về Kiến Thụy, tổ chức hợp nhất lực lượng tự vệ Kiến Thụy và huyện Hải An thành tiểu đoàn bảo vệ và chặn đánh địch từ cầu Rào đến Đồ Sơn…

Những trận chiến ác liệt và kiên cường tại Hải Phòng trong những ngày đầu trước khi toàn quốc kháng chiến đã tô đẹp thêm trang sử truyền thống hào hùng của LLVT và nhân dân thành phố Cảng “Trung dũng - Quyết thắng”. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hải Phòng - Kiến An đã kiên cường bám trụ, chiến đấu anh dũng, khiến kẻ địch bị bất ngờ vì phải đương đầu với sức mạnh của toàn dân, sức mạnh “cả thành phố một lòng, quân dân cùng chiến đấu” và cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhưng quyết giành thắng lợi vẻ vang.

Hải Phòng là cửa ngõ đường biển quan trọng có vị trí đặc biệt ở miền bắc. Tại đây, Pháp bố trí một lực lượng mạnh, đặc biệt là pháo binh và thiết giáp, bao gồm: Trung đoàn pháo binh thuộc địa Ma-rốc 4; Trung đoàn chiến xa cơ động và một bộ phận thủy quân, không quân; tổng cộng khoảng 3.000 quân. Ta có Trung đoàn 41 Vệ quốc đoàn, một đại đội công an xung phong, một trung đội thủy quân cùng lực lượng tự vệ và nhân dân TP Hải Phòng.

(Nguồn: Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam năm 2009).