Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hải Dương kiên quyết chấn chỉnh và xử lý những sai phạm đã tồn tại nhiều năm trong hoạt động kinh doanh bến bãi.
Siết chặt hoạt động của các bến bãi
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết: Tháng 11/2021, UBND tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động tập kết, kinh doanh than, cát và các loại khoáng sản khác tại các bến bãi, tập trung vào 2 địa bàn trọng điểm là huyện Kim Thành và thị xã Kinh Môn.
Kết quả cho thấy, hoạt động của các bến bãi ven sông tại 2 địa phương này diễn biến rất phức tạp, nhiều tồn tại, vi phạm về môi trường, đất đai ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ, an toàn đê điều, gây ô nhiễm môi trường, thất thu thuế, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc…
Tiếp đó, tháng 7/2022, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương báo cáo tổng kết kiểm tra, kết quả xử lý các vi phạm sau kiểm tra và tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động tập kết, kinh doanh than, cát và các loại khoáng sản khác tại các bến bãi trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Lê Anh Dũng, Bí thư huyện ủy Kim Thành, trao đổi: Ngay sau khi có Thông báo kết luận kiểm tra của Đoàn liên ngành, Thường trực huyện ủy đã họp, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và các ngành chức năng. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có công trình vi phạm thực hiện việc tự giải tỏa trước ngày 20/9/2022, giải tỏa 23 mố cẩu xong trước ngày 15/11/2022; UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch để thực hiện việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép thật chi tiết, cụ thể về thời gian, giải pháp.
Tại thị xã Kinh Môn, đồng chí Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã thẳng thắn thừa nhận việc để xảy ra những sai phạm trong công tác quản lý hoạt động bến bãi của chính quyền địa phương. Thị xã đã kiểm điểm tập thể lãnh đạo và các cá nhân liên quan. Các tập thể và cá nhân lãnh đạo đã kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Chủ tịch UBND huyện Kim Thành Phạm Quang Hưng cho biết: Thời điểm đầu năm 2020, trên địa bàn huyện Kim Thành có có 46 tổ chức, cá nhân có hoạt động ngoài bãi sông vi phạm xây dựng 217 nhà, lán tạm và 23 mố cẩu không phép. UBND huyện Kim Thành đã xử lý vi phạm hành chính đối với 40/41 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền hơn 1 tỷ 838 triệu đồng; đến nay các tổ chức, cá nhân đã thực hiện nộp tiền vào kho bạc số tiền hơn 1 tỷ 327 triệu đồng.
Bến bãi kinh doanh than ở huyện Nam Sách vẫn hoạt động trong mùa mưa lũ trái với quy định. |
Trong 7 trường hợp vi phạm bị UBND tỉnh xử phạt số tiền hơn 1 tỷ đồng, các tổ chức đã nộp vào kho bạc 507,5 triệu đồng. Nhiều tổ chức cá nhân đã chấp hành giải tỏa, hạ thấp độ cao vật liệu chất, chứa tại các bến bãi thuộc các xã Lai Vu, Cộng Hòa, Thượng Vũ, Kim Xuyên, Ngũ Phúc, Kim Đính và Tam Ký; giải tỏa 240m2 công trình nhà lán khung thép ngoài bãi sông của hộ bà Vũ Hồng Thắm (thị trấn Phú Thái) và xử phạt hành chính đối với bà Thắm trong lĩnh vực đầu tư, giao thông đường thủy nội địa và đê điều tổng số tiền 65 triệu đồng.
Thông qua phản ánh của người dân thị trấn Phú Thái đối với 9 cơ sở sở sản xuất, tập kết kinh doanh than có nhiều tồn tại, UBND huyện Kim Thành đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu các cơ sở dừng hoạt động bến bãi, sản xuất, tập kết, chế biến, kinh doanh than gây ô nhiễm môi trường, đồng thời xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực đầu tư, bảo vệ môi trường. Đến nay, cả 9 cơ sở đã cơ bản chấp hành dừng hoạt động theo chỉ đạo. Trong đó Công ty Hải Âu bị xử phạt hành chính 85 triệu đồng, phải dỡ bỏ lán tạm; các cơ sở còn lại căn cứ mức độ vi phạm đều bị xử phạt hành chính.
Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn, hiện nay thị xã có 47 cơ sở bến bãi đang hoạt động kinh doanh than, trong đó 10 bến bãi không có chấp thuận đầu tư được cấp thẩm quyền cho thuê đất. Qua rà soát, hiện có 36/47 cơ sở, bến bãi kinh doanh than đang hoạt động. Nhiều bến bãi đã tự giác tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, nhưng vẫn còn một số cơ sở chưa tháo dỡ công trình vi phạm Luật Đê điều và tháo dỡ mố cầu vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Trong số 25 mố cầu xây dựng vi phạm mới có 5 mố cầu được tháo dỡ và 2 mố cầu đang chuẩn bị tháo dỡ; mới có 9 tổ chức tự tháo dỡ 11 công trình xây dựng trái phép ở bến bãi trong tổng số 265 công trình vi phạm.
Theo ông Hạ, khó khăn vướng mắc trong việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép là do nhiều công trình đầu tư lớn, được các chủ cơ sở xây dựng từ lâu trước khi Luật Đê điều, Luật Giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực và khi xây dựng không có cơ quan, tổ chức nào lập biên bản, ngăn chặn, xử lý.
Ông Đỗ Tiến Bậc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm 2022 phát sinh 40 vụ vi phạm đê điều (xây dựng nhà lán, công trình, đào đất, bạt xén đê…). Các địa phương đã “mạnh tay” xử lý 37 vụ, còn 3 vụ đang tiếp tục xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng nhiều vi phạm chưa được xử lý triệt để như: vi phạm chất tải, nhà lán trong hoạt động bến bãi, vi phạm xây dựng công trình của các hộ cá thể, vi phạm xây dựng công trình của các dự án liên quan đến đê điều, vi phạm trong hoạt động nuôi cá lồng trên sông, đắp dốc, chặt phá tre chắn sóng...
Để giữ nghiêm kỷ cương pháp luật của nhà nước, chấp hành các quy định của Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, thoát lũ sông trong mùa mưa, lũ, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã có đê thực hiện ngay một số nội dung. Cụ thể như: Tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm đê điều, chấm dứt hoặc tạm dừng hoạt động các bến bãi theo tiêu chí, nguyên tắc đã ban hành. Yêu cầu các chủ bến bãi di chuyển toàn bộ máy móc, trang thiết bị, giải tỏa toàn bộ vật liệu, nguyên liệu và các vật cản lũ khác còn tồn tại trên bãi và trong hành lang bảo vệ đê để bảo đảm an toàn công trình đê điều và thoát lũ. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý thật nghiêm các vi phạm của bến bãi đang hoạt động trên địa bàn.