Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thúc đẩy sản xuất công nghệ cao

Với 243 phiếu thuận và 187 phiếu chống, dự luật trị giá 280 tỷ USD nhằm hỗ trợ ngành sản xuất chip bán dẫn trong nước đã được Hạ viện Mỹ phê chuẩn và sẽ chờ Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh một phiên họp Hạ viện Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quang cảnh một phiên họp Hạ viện Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/7, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật trị giá 280 tỷ USD nhằm hỗ trợ ngành sản xuất chip bán dẫn trong nước.

Với 243 phiếu thuận và 187 phiếu chống, dự luật đã được Hạ viện phê chuẩn và sẽ chờ Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành.

Trong tuyên bố, ông Biden đã hoan nghênh động thái này, khẳng định dự luật sẽ giúp giảm chi phí của những mặt hàng được sử dụng hằng ngày.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, dự luật sẽ giúp tạo thêm việc làm có mức lương cao trong lĩnh vực sản xuất trên khắp cả nước, đồng thời giúp củng cố vị thế dẫn đầu của Mỹ trong các lĩnh vực công nghiệp tương lai.

Thông qua việc sản xuất thêm thiết bị bán dẫn tại Mỹ, dự luật sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm chi phí cho các gia đình, tăng cường an ninh quốc gia nhờ giảm sự phụ thuộc vào các nguồn thiết bị bán dẫn từ nước ngoài.

Trước đó, với 64 phiếu thuận và 33 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật này.

Dự luật sẽ cung cấp 54 tỷ USD dành cho sản xuất chip trong nước và đổi mới chuỗi cung ứng không dây công cộng, gồm 39 tỷ USD hỗ trợ tài chính để xây dựng, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở bán dẫn trong nước và 15 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của Bộ Thương mại.

Dự luật cũng sẽ cung cấp 200 tỷ USD cho nghiên cứu khoa học, trong đó bao gồm 81 tỷ USD cho Quỹ Khoa học quốc gia (NSF), 10 tỷ USD hỗ trợ các trung tâm công nghệ địa phương và 68 tỷ USD dành cho Bộ Năng lượng.