Quy mô đầu tư
Dự án Khu liên hợp gang thép (công suất 15 triệu tấn/năm) và cảng Sơn Dương (công suất 60 triệu tấn/năm) do Tập đoàn FORMOSA (Ðài Loan, Trung Quốc) đầu tư (gọi tắt là dự án FORMOSA), đã được khởi công giai đoạn 1 vào ngày 6-7-2008, bao gồm: Nhà máy liên hợp gang thép 7,5 triệu tấn/năm và cảng nước sâu Sơn Dương, công suất 30 triệu tấn hàng/năm, với tổng số vốn đầu tư 8,9 tỷ USD.
Theo kế hoạch, sau khi nhận đủ mặt bằng sạch, chủ đầu tư sẽ tập trung xây dựng khu gang thép dự kiến ba năm, cụm cầu cảng dự kiến là bốn năm. Sau khi hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động, đây sẽ là một trong những khu liên hợp gang thép lớn nhất Ðông - Nam Á, đáp ứng nhu cầu thép trong nước và tham gia xuất khẩu các loại phôi thép, thép tấm cuộn cán nóng, thép thành phẩm, tạo việc làm cho gần mười nghìn lao động.
Giai đoạn 2, FORMOSA sẽ đầu tư thêm hơn tám tỷ USD để nâng công suất nhà máy luyện thép lên 15 triệu tấn/năm và công suất cảng lên 60 triệu tấn/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Cảng Sơn Dương sau khi đi vào hoạt động sẽ trở thành cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, có khả năng tiếp nhận tàu 300.000 - 350.000 tấn vào làm hàng. Ðây sẽ là điểm nhấn và trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa không chỉ phục vụ các tỉnh Bắc Trung Bộ mà còn cho nước bạn Lào, đông - bắc Thái-lan và Mi-an-ma.
FORMOSA còn tham gia phát triển điện năng, tận dụng nhiệt luyện thép để xây dựng nhà máy nhiệt điện 1.650 MW. Tập đoàn FORMOSA cũng đang thực hiện các bước để đầu tư nhà máy hóa lọc dầu, công suất 16 triệu tấn/năm, với số vốn khoảng 12,5 tỷ USD tại Khu kinh tế Vũng Áng. Chính phủ, Bộ Công thương cũng đã chấp thuận chủ trương để FORMOSA triển khai dự án này...
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp FORMOSA Hà Tĩnh, ông Ngưu Tuấn Phát cho biết, đây là dự án rất lớn, mặc dù phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế thế giới những năm vừa qua, nhưng Tập đoàn FORMOSA không ngưng công việc chuẩn bị đầu tư mà vẫn khẩn trương, phối hợp với Hà Tĩnh triển khai các công việc liên quan để khi nhận đủ mặt bằng sạch có thể xây dựng đồng loạt các hạng mục công trình. Thời gian qua, FORMOSA đang triển khai một số công trình phụ trợ như: khoan thăm dò địa chất ở dưới biển, trên đất liền; xây dựng tuyến đường thi công chính hướng Ðông - Tây; san ủi tuyến sau (phía tây) bến cảng; xây dựng công trình tổ hợp khu ký túc xá, văn phòng; xây tặng địa phương hai ngôi trường tiểu học ở Kỳ Long, Kỳ Phương. Ðồng thời chuyển giao kỹ thuật và bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tại Thyssenkrupp (Ðức) và Nhà máy luyện thép Ðài Loan (Trung Quốc); đồng thời gửi hàng chục kỹ sư Việt Nam đào tạo thạc sĩ tại Ðại học Cao Hùng... FORMOSA cũng đang tiến hành các bước dàn xếp vốn từ các ngân hàng quốc tế có mặt ở Việt Nam, như Ngân hàng Hối Phong (HSBC Bank), Ngân hàng Hoa Kỳ (CITY Bank), Ngân hàng Pháp... Các thiết bị máy móc cho nhà máy luyện thép (lò thêu kết, lò cao, luyện thép...), thiết bị bốc dỡ tại cảng cũng đang được FORMOSA đàm phán và đặt mua của các hãng nổi tiếng nước ngoài. Tổng mức vốn đã đầu tư của FORMOSA tại Hà Tĩnh cho đến thời điểm này lên đến hơn 200 triệu USD...
Mới đây, Tập đoàn FORMOSA có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh xin cơ chế đặc biệt, như miễn áp dụng quy định hạn mức tín dụng ngân hàng nước ngoài; miễn thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu, vật liệu, vật tư phục vụ dự án và trong toàn bộ quá trình kinh doanh... để tháo gỡ khó khăn trong việc huy động vốn cũng như dự phòng cho sản xuất kinh doanh sau này. Ðây là những vấn đề lớn, nhạy cảm liên quan đến quy định của luật pháp Việt Nam cho nên đã làm cho dư luận quan ngại, và đặt vấn đề, liệu FORMOSA có thực hiện dự án đúng cam kết hay không?
Ngày 31-7-2010, đại diện lãnh đạo FORMOSA Hà Tĩnh (ông Ngưu Tuấn Phát) đã có công văn gửi Chính phủ Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định, sẽ xây dựng các công trình ngay sau nhận được mặt bằng sạch như đã cam kết...
FORMOSA đầu tư vào KKT Vũng Áng đã tạo nên một nguồn đầu tư vào Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc Trung Bộ - nơi được xem một trong những vùng nghèo nhất Việt Nam. Chỉ tính riêng tại Hà Tĩnh, có hàng trăm dự án trong và ngoài nước đầu tư vào các Khu kinh tế Vũng Áng, Cầu Treo với số vốn lên đến hơn chục tỷ USD, như: tổ hợp điện năng 3.600 MW; luyện thép 4 triệu tấn/năm (do Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cùng các tập đoàn, tổng công ty liên doanh đầu tư); Tổng kho xăng dầu, khí ga; khu du lịch - dịch vụ 5 sao (Hàn Quốc đầu tư), một số khu đô thị, thương mại đang triển khai thi công... Tại huyện nghèo Kỳ Anh, vùng đất bị tàn phá do bom đạn địch và thiên tai đang hình thành khu kinh tế trọng điểm và khu đô thị mới trong tương lai gần.
Nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thanh Bình khẳng định: "Dự án FDI lớn nhất Việt Nam này có triển khai thành công hay không phụ thuộc lớn vào công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho nên Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực, dồn sức cho công tác đầy khó khăn và phức tạp này. Người dân đến các khu tái định cư mới phải sớm được ổn định cuộc sống và dần tốt đẹp hơn nơi ở cũ". Ngày 20-10-2008, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án về công tác giải phóng mặt bằng Dự án trọng điểm quốc gia FORMOSA tại Khu kinh tế Vũng Áng với quy mô 3.321 ha thuộc địa bàn 5 xã, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi và các xã có địa điểm quy hoạch tái định cư thuộc huyện Kỳ Anh, với tổng mức đầu tư 3.750 tỷ đồng, trong đó di dời tái định cư cho 2.350 hộ dân và hàng chục nghìn hộ ảnh hưởng về đất đai, mồ mả, nhà thờ... Ðây là dự án di dời, tái định cư lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù chậm tiến độ so với kế hoạch, nhưng sau gần hai năm, đến nay công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành. Tính đến ngày 31-7-2010, tất cả 100% số hộ đã nhận đất tại nơi tái định cư; hiện các hộ vừa làm nhà, vừa tổ chức di dời đến các khu tái định cư. Các khu nghĩa trang được xây mới và đã di dời hơn 6.200 ngôi mộ. Các nhà thờ gia tộc, họ đạo Thiên chúa được xây dựng chu đáo ở nơi mới... Hà Tĩnh cũng đã bàn giao cho nhà đầu tư 2.995 ha/3.321 ha, số diện tích còn lại sẽ bàn giao dứt điểm ngay trong tháng 8 này.
Hà Tĩnh đã huy động sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực trong công tác GPMB. Ðồng thời quy trình thực hiện GPMB được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến từng hộ dân. Nhờ có cách làm dân chủ, công khai, minh bạch, cho nên việc di dời 2.300 hộ dân trong vùng dự án hết sức vất vả, nhưng chưa có trường hợp nào phải áp dụng hình thức cưỡng chế...
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Võ Kim Cự khẳng định: Những ngày đầu đến các khu tái định cư đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả; đặc biệt đối với các gia đình nghèo khó và không giỏi tính toán làm ăn trước đây. Thời gian tới, bên cạnh việc ổn định đời sống cho người dân, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện Ðề án giải quyết việc làm; ưu tiên cho người dân ở các vùng nhường đất cho dự án, như: đào tạo nghề cho thanh niên và ưu tiên nhận vào làm việc tại các dự án trong khu kinh tế. Thu hút lao động làm dịch vụ, tham gia xây dựng nhà cửa, công trình. Ưu tiên phát triển các dự án trồng rau sạch, kết hợp chăn nuôi ở Hồ Tàu Voi, các tổ dịch vụ cơ khí, xây dựng tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.