Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu, liên tục ba năm 2017-2019, công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP Hà Nội nằm ở vị trí tốp đầu của cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã xếp thứ 9 trong 63 tỉnh, thành phố; chất lượng điều hành kinh tế ngày càng được nâng lên. Bốn năm liền, Hà Nội tổ chức Diễn đàn Hợp tác Đầu tư và Phát triển, kể cả trong tình hình Covid-19 tháng 6 vừa qua, với sự có tham dự của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (SIPAS) tiếp tục đạt hơn 80% và hoàn thành sớm hơn hai năm so với Nghị quyết của Chính phủ. Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong đã vận hành chính thức hệ thống một cửa điện tử dùng chung ba cấp, có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 97%…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCHC còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Đó là Chỉ số Hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố đang đứng ở vị trí thấp; Chỉ số SIPAS tuy đã đạt mục tiêu đề ra, nhưng còn thấp hơn so với mức trung bình chung cả nước. Chất lượng đội ngũ CBCC chưa đồng đều; một số CBCC vi phạm nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử của CBCC; thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, gây bức xúc cho nhân dân. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tuy bước đầu có kết quả nhưng hiệu quả còn chưa cao.
Ông Nguyễn Văn Sửu cho rằng: “Hà Nội có 8,2 triệu dân nhưng thực tế có hơn 10 triệu người đang sinh sống, nên làm sao để điều hành, xây dựng một Thành phố thông minh, Thành phố sáng tạo là một mục tiêu khó khăn, cần rất nhiều điều kiện, trong đó yêu cầu của công cuộc CCHC đặt ra rất cấp thiết. Hội thảo này mong có sự đóng góp của đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý điều hành thực tiễn, đại diện các ngành các cấp với những ý kiến quý báu xuất phát từ thực tiễn và rất khách quan, để làm sao công cuộc CCHC của Hà Nội sẽ phát triển tốt hơn”.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến đã được nêu lên, trong đó đề xuất những giải pháp hay nhằm vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác CCHC ở Thủ đô, giúp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới. TS Võ Hải Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cũng như cấp phó của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối thoại để làm cơ sở xem xét, đánh giá và xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức trong trường hợp để xảy ra sai phạm hoặc chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, tổ chức. Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra CBCC có hành vi nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.
Trưởng phòng Xây dựng chính quyền Sở Nội vụ Hà Nội Bùi Đình Thái đề nghị, tiếp tục hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả khung kiến trúc chính quyền đô thị theo chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu quản lý và phù hợp với việc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng công nghệ thông minh để từng bước mở rộng việc cung cấp các loại hình dịch vụ công và vận hành thông suốt các hệ thống thông tin trong hoạt động điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, đơn vị, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Kết nối và vận hành thông suốt các phần mềm quản lý tác nghiệp, điều hành giữa các đơn vị trong Ttành phố và giữa thành phố với Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, các đại biểu tại Hội thảo đã hệ thống lại quá trình thực hiện CCHC của TP Hà Nội; phân tích cụ thể những thành quả đã đạt được, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào đặc thù Thủ đô thành các chủ trương, quyết sách, các mô hình thí điểm của thành phố; những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện; định hướng công tác CCHC trong giai đoạn tới của Hà Nội…