Hà nội, nơi hội tụ và tỏa sáng

Hà nội, nơi hội tụ và tỏa sáng

Chưa bao giờ, địa danh Hà Nội được giới truyền thông toàn cầu nhắc đến nhiều và được dư luận quan tâm đến thế. Từ mùa xuân này nhìn lại, càng thấm thía, biết ơn sự anh minh của Ðức Vua Lý Công Uẩn gần 1.000 năm trước, quyết định dời đô về Thăng Long, nhận thấy vùng đất này "ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi... Thật là  chốn hội tụ của bốn phương trời đất" (Chiếu dời đô).

Qua chiều dài lịch sử tạo dựng và phát triển, trải nhiều phen binh lửa và có lúc thăng trầm, nhưng Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, là nơi thu hút hiền tài, hội tụ tinh hoa của mọi miền, hình thành nên nét riêng tinh tế, hào hoa. Nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc nhận xét rằng: Nét thanh lịch văn minh của Hà Nội rất riêng và cũng rất chung. Người Hà Nội là dân Kẻ Chợ, người mọi miền về đây tụ hội, làm ăn, sinh sống, văn hóa và văn minh Hà Nội bao gồm những nét tinh túy nhất của văn hóa các vùng, miền trong cả nước về tụ hội mà thành. Sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Còn mãi sự hào sảng trong câu thơ của Vua Trần sau hai cuộc chiến thắng quân Nguyên Mông: "Xã tắc hai phen chồn ngựa đá. Non sông nghìn thuở vững âu vàng". Rồi mùa xuân Kỷ Dậu 1789, Thăng Long in đậm hình ảnh Quang Trung-Nguyễn Huệ áo bào sạm khói súng dẫn đại quân vào giải phóng kinh thành trong sắc đào rực rỡ. 60 năm trước, Hà Nội mở đầu toàn quốc kháng chiến, cùng với những nét rất riêng, rất Hà Nội, lãng mạn, hào hùng. Ðó là tiếng đại bác gầm rung từ pháo đài Láng, là bữa tiệc đêm tất niên mang đậm nét đặc trưng Hà Nội do Trung đoàn Thủ đô tổ chức tiếp các phái bộ nước ngoài, phơi phới niềm lạc quan kháng chiến.

Trong những khó khăn, thử thách, phẩm chất Hà Nội, nét văn hóa Hà Nội luôn thăng hoa, tỏa sáng. Cuối năm 1972, trong cuộc đụng đầu lịch sử, chống lại sự rải bom hủy diệt của kẻ thù, Hà Nội đã làm nên một "Ðiện Biên Phủ trên không", vít cổ B52 "pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ". Hà Nội trở thành "lương tâm và phẩm giá", là niềm tin yêu, hy vọng của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Mang nét văn hóa, truyền thống bồi đắp từ nhiều thế hệ, ý thức về vị thế Thủ đô, Hà Nội hội tụ và tỏa sáng, làm động lực cùng cả nước mạnh mẽ bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những bước đi, thành tựu của Hà Nội không chỉ tạo nên sự đổi thay, phát triển,  mà còn tạo sự vững tin của cả nước vào sự nghiệp đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thành tựu qua 20 năm đổi mới tạo cho Hà Nội thế và lực mới, cùng với diện mạo mới khang trang và sự tự tin, lạc quan về tương lai. Hà Nội đã, đang và sẽ giữ vai trò là trung tâm kinh tế vùng Bắc Bộ, có sức thu hút và lan tỏa rộng, tác động trực tiếp đến quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của cả vùng. Bây giờ khái niệm "vùng Thủ đô" không còn là điều mong mỏi duy ý chí, mà hình thành rõ nét gồm Hà Nội và các tỉnh lân cận với diện tích lên tới 13.370 km2, số dân 12 triệu người. Các khu công nghiệp mới mở ra nhộn nhịp, tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành các khu du lịch, vui chơi giải trí ở các tỉnh trong khu vực cho thấy sức thu hút và lan tỏa của Thủ đô. Một thực tế hiển nhiên, các tỉnh này khi tính về tiềm năng thế mạnh của mình đều nhắc đến yếu tố "gần Thủ đô Hà Nội".

Kinh tế Hà Nội luôn đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2006, GDP của Hà Nội tăng 11,5%, trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 13%, dịch vụ tăng 11%, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 25%. Môi trường đầu tư trở nên hấp dẫn, sôi động chưa từng thấy. Trong năm 2006, Hà Nội thu hút thêm 182 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký hơn 1,16 tỷ USD và khoảng 9.700 doanh nghiệp  đăng ký thành lập với tổng số vốn khoảng 28.000 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt tới con số 35.117 tỷ đồng. Kinh tế phát triển, Hà Nội có tiềm lực đầu tư các dự án, công trình lớn, tạo sự đổi thay, dáng vóc Thủ đô. Ý  tưởng lãng mạn trong tương lai khi Hà Nội mở rộng về phía bắc, sông Hồng sẽ nằm giữa Thủ đô, đang hình thành bằng những bước đi thực tế. Năm 2007, cầu Nhật Tân, một cây cầu dây văng hiện đại được khởi công, cùng với các cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy sắp hoàn thành, tạo nên cánh cung phát triển vùng đô thị mới, hiện đại phía bắc sông Hồng. Thành phố sẽ xây mới khoảng từ 1,3 đến 1,5 triệu m2 nhà ở, triển khai các khu đô thị tây nam Linh Ðàm, bắc Cổ Nhuế, Chèm, Xuân Phương. Các nút giao thông đô thị, đường vành đai và các tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, Ngọc Hồi - Yên Viên, Hà Nội - Hà Ðông được thí điểm xây dựng và chuẩn bị đầu tư. Nhịp sống đô thị cuốn theo hối hả, năng động hơn.

Hà Nội hiện đại, mở cửa bước vào hội nhập liệu có phôi pha, mất đi những bản sắc, nếp xưa? Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc khẳng định rằng, Hà Nội luôn là nơi mở đầu những đổi mới về văn hóa. Từ xa xưa, Thăng Long - Hà Nội đã là một đô thành mở, sẵn sàng đón nhận, sàng lọc và tiếp nhận những tinh hoa thế giới, phát triển hài hòa truyền thống và thời đại. Không bó hẹp trong không gian xưa nhỏ bé và tù túng, Hà Nội đang mở rộng, vươn cao phóng khoáng nhưng vẫn hiền hòa, thân thiện. Dịp diễn ra Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14, hàng nghìn quan chức, doanh nghiệp và nhà báo nước ngoài đã chứng kiến Thủ đô ta thật sự thanh bình. Buổi sáng, Thủ tướng Australia John Howard đi tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm. Cựu Tổng thống Mỹ Bin Clinton đi bộ trên phố Tràng Tiền, một trong những con phố sầm uất của Thủ đô, trò chuyện với người dân Thủ đô... Nhận xét về an ninh của Hà Nội trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14, bạn bè quốc tế không thể dùng từ diễn tả nào hơn hai chữ "tuyệt vời". Ấn tượng đẹp và sâu đậm về Thủ đô ta thêm tôn vinh hình ảnh Việt Nam. Hội nhập và tiếp nhận nhịp sống hiện đại, nhưng người Hà Nội vẫn trân trọng và lưu giữ nếp hồn hậu, nét xưa. Phố cổ, mái ngói rêu phong đầy chất thơ, xúc cảm lắng đọng thời gian, những món quà quê bình dị, gánh hàng rong với tiếng rao tha thiết mỗi mùa... Tết Hà Nội mang nét rất riêng, gợi cảm với gió heo may se lạnh, mưa bụi giăng thoảng nhẹ như sương. Người Hà Nội  đón xuân bằng thú chơi tao nhã: chơi hoa, thư pháp, thả thơ... Nét riêng ấy làm nên bản sắc khiến người Hà Nội khi đi xa luôn khắc khoải nhớ về và thu hút người mọi miền náo nức tìm về tụ hội.

Bên niềm phơi phới về tiền đồ của Thủ đô mở ra cùng vận hội đất nước, Hà Nội vẫn canh cánh điều trăn trở: Làm gì tạo bước phát triển nhanh và bền vững? Giải pháp nào khắc phục những vướng mắc trong giải tỏa mặt bằng, hạn chế những tiêu cực, yếu kém trong quản lý đô thị? Khi cánh cửa gia nhập WTO đã mở, cùng với những thời cơ, Hà Nội làm gì để vượt qua những thách thức trong cuộc cạnh tranh kinh tế và bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa của mình? Một loạt chương trình được cấp ủy và chính quyền thành phố triển khai thực hiện, trong đó cải cách hành chính được chọn làm khâu đột phá. Ðó là bước đi thực tế, là sự điềm tĩnh, tạo nên niềm tin và môi trường thông thoáng, khơi nguồn lực đầu tư, phát triển xứng đáng với tầm vóc và vị thế của Thủ đô.