Hằng ngày những dòng người từ các tỉnh cận kề vẫn đổ xô về Thủ đô với giấc mơ kiếm tiền nhanh chóng, nhất là thời điểm cuối năm như hiện nay. Nhưng không như nhiều người những tưởng. Bám trụ Hà Nội kiếm sống, họ đã phải lăn lộn, đối mặt, và cả trả giá cho những khó khăn, rủi ro. Thực trạng này cũng khiến các vấn đề xã hội khác phát sinh.
Long đong kiếp trọ
3 giờ sáng. Gió đầu đông đập mạnh từng hồi vào cánh cổng tôn lỏng lẻo căn nhà 24, ngõ số 8 phố Vũ Thạnh (phường Hào Nam, quận Ðống Ða, Hà Nội). Thu tỉnh giấc, nhẹ kéo lại góc chăn cho chồng, rồi xuống bếp mở cửa lò cho gạo vào nồi nước xương ninh từ đêm qua.
Bóng điện giữa nhà bật sáng, mười ba người đàn bà già, trẻ ở những liếp giường cạnh vợ chồng Thu cũng lục tục vơ gọn chăn chiếu, búi tóc bắt đầu công việc ngày mới. Tiếng va đập xô chậu xủng xoảng, tiếng rơi vung nồi, dao thìa... choang choang. Gần chục bếp than tổ ong xếp hàng trước lối đi để nhóm lửa. Chỉ một lát, mùi than, mùi xào nấu ngột ngạt trong căn nhà chật chội và hôi hám.
Những chị em bán quà sáng như bún ốc, cháo sườn, xôi, bún đậu... vội vã đun nấu, làm hàng, xếp gia vị, bát đũa vào gánh. Ai cũng hối hả thu xếp để rời nhà sớm.
Hai mươi bốn con người, hơn chục công việc khác nhau: bán quà sáng (bánh mì, bún ốc, bánh giò, cháo sườn...), bán hoa quả, chạy xe ôm, bốc vác, đồng nát, vàng mã, trầu cau, giúp việc, bán hàng, thợ xây, chăm sóc bệnh nhân...
Thu giục chồng chở nồi cháo sườn và đồ hàng ra góc tập thể đường Trần Huy Liệu. Chị uống chén nước chè đặc đầu ngõ cho đỡ cơn buồn ngủ.
Ðã hơn một năm rời quê (Mỹ Ðức - Hà Tây) lên Hà Nội bán quà sáng kiếm sống, Thu chưa thể quen cái cảnh vợ chồng trẻ nằm tơ hơ ngủ giữa san sát những dát giường đầy người lạ.
Mấy tháng đầu thương vợ, Duy, chồng chị, tính chuyện tìm một căn buồng nhỏ thuê ở riêng. Cả tháng, chạy tới, chạy lui, vẫn chẳng tìm được căn nhà nào vừa với đồng thu nhập ít ỏi. Rốt cuộc, đôi vợ chồng trẻ đành chấp nhận cảnh thuê ở chung với những người xa lạ, giá hai trăm nghìn một người/tháng.
Hai mươi bốn con người, từ nhiều tỉnh khác nhau: Nam Ðịnh, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Tây, Hòa Bình... cả nam, nữ, trẻ già từ 14 đến gần 70 tuổi, chen chúc trong một căn nhà chật chội, ẩm dột, khu vệ sinh xuống cấp, bẩn thỉu. Quần áo, khăn mặt ẩm mốc lủng lẳng, chồng chất treo kín tường.
"Thôi thì cùng cảnh với nhau, chịu chật tý nhưng ở đây thuê được lâu dài, đỡ cái việc nay dời, mai chuyển, khốn lắm!". Anh Trần Thanh, quê Khoái Châu, Hưng Yên nói.
27 tuổi, anh Thanh có "thâm niên" ở Hà Nội 11 năm với nghề bán hoa quả dạo. Ba giờ sáng anh đạp xe xuống chợ Long Biên lấy hàng, ngày đi dọc các phố bán. 11 năm với 15 lần chuyển nơi ở, anh quá thấm thía cái cơ cực của việc thuê chỗ trọ.
Hết khu bãi Phúc Xá, Phúc Tân, An Dương rồi Mai Ðộng, Kim Liên, Ngã Tư Sở, Ô Chợ Dừa, Cầu Giấy... hầu như góc nào anh cũng rành rọt. Có chỗ chỉ ở được một đêm, có chỗ một tuần, vài tháng... Chỗ thì quá bẩn thỉu nhếch nhác, chỗ thì liên tục mất trộm, ở chung gái bán dâm, người nghiện hút, chỗ chưa nóng nơi nằm chủ đã đòi nhà...
Chuyển đi chuyển lại, mỏi mệt, tốn kém. "May hồi đầu năm chị Hòa, người hay mua hàng chỉ cho chỗ trọ này. Nghe bảo bà chủ chưa có ý định bán hay xây nên chúng em hy vọng thuê được lâu".
Giờ Thanh không phải "chạy rong" nữa, thuê chỗ mới vài tháng, nhờ được góc hồi nhà đầu phố của bác đại tá về hưu tốt bụng, Thanh đặt chiếc giá gỗ làm "quầy hàng" di động. "Mỗi tháng trừ tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, em cũng dành dụm được bảy trăm nghìn gửi về cho mẹ chị ạ!". Thanh tỏ vẻ phấn khởi.
Không may mắn như anh Thanh, Lê Văn Sơn (sinh năm 1981) và Bùi Ðức Cường (sinh năm 1985) cùng quê Hưng Yên, làm bốc vác ở chợ Ðồng Xuân, tháng được chủ trả 1,5 triệu đồng, ba năm nay vẫn trọ khu bãi Phúc Xá, giá mỗi đêm 7 nghìn đồng, vách tường là tấm liếp, vải bạt, trần nhà áo mưa, dây rợ vá víu, giằng buộc lằng nhằng, mỗi lần mưa gió tránh hết góc này sang góc khác.
Khổ nhất là đợt lũ vừa rồi, nước thải ngập chỗ ngủ, Sơn và Cường phải đến ngủ nhờ chỗ anh em Thanh với giá 10 nghìn đồng một đêm, mà nài nỉ "thầu" mới đồng ý.
"Thầu" chỗ Thanh là người đàn bà 50 tuổi, tên Hồng, quê Phú Thọ, làm nghề bán bún chân giò.
Những năm trước, bà Hồng rủ em và bốn người nữa cùng thuê nhà này với giá một triệu tám. Gần đây, bà ấy đứng ra "thầu" lại nhà của chủ và tự nhận người vào ở thu tiền, có thời điểm chỗ này hơn 30 người nằm một đêm - chị Lê Thị Hậu, 45 tuổi ở Quảng Xương - Thanh Hóa, làm nghề dọn dẹp nhà theo giờ, kể.
Hình như "thầu lại" nhà là cách mà những người làm ăn sành sỏi lâu năm trong giới lao động luôn biết "phát huy". Ở các khu nhà trọ cho lao động ngoại tỉnh thuê đều tồn tại giới "thầu" này. Các chủ nhà trọ cũng muốn chọn cách như vậy, vừa đỡ phải quản lý người ở, vừa thu được giá cao.
"Ðối tượng lao động tự do này rất phức tạp, quản lý họ không dễ, tốt nhất ký hợp đồng với một người, hàng tháng mình chỉ việc gặp họ để thanh toán tiền bạc, còn họ tự quản ăn ở, sinh hoạt trong khu nhà". Anh Trần Hiệp Nghĩa, ngụ phố Hàng Chiếu, chủ một dãy nhà cho thuê ở Phúc Xá nói.
Với cách đó, những người ở quê mới lên thành phố kiếm sống thường phải tìm chỗ ở qua "thầu". Từ đó, chuyện "ma cũ bắt nạt ma mới" trong các khu trọ là điều thường thấy. Ðồng tiền ít ỏi vất vả kiếm được của người lao động thêm một lần bị "bóp" bởi những người vốn cùng cảnh như mình. Nhưng họ cũng chẳng biết kêu ca vào đâu, mặc nhiên chấp nhận, miễn sao có nơi tá túc để kiếm sống.
Ðối mặt với những rủi ro
Vất vả, nhưng những người như vợ chồng Thu hay anh Thanh vẫn còn khá may mắn, vì thuê được nơi ở và tìm được công việc có thu nhập để trang trải chi phí cá nhân và tích lũy chút ít gửi về quê. Còn không ít người hằng ngày vẫn loay hoay, chống chọi với đủ bất cập, khó khăn và cả trả giá cho kế mưu sinh nơi thành thị.
Kiếm được đồng tiền khó khăn, nhưng nhiều người còn không giữ nổi. Buôn bán, tích cóp suốt cả năm được ba triệu đồng, tối nào đi ngủ cũng cẩn thận nhét sâu vào túi ngực, thế mà một sáng thức dậy, anh Hoàng Văn Nam (quê An Lão, Hải Phòng) tá hỏa vì số tiền đã bị mất.
Nghi ngờ người thanh niên làm nghề xe ôm mới vào nhà trọ ở, anh báo với "thầu" nhà, nhưng nhận được cái lắc đầu: "Có tiền bạc, tư trang tự bảo quản, thằng đó ngủ theo đêm, hơi đâu quản lý".
Cũng như anh Nam, vợ chồng Hoa trọ ở khu Mai Ðộng một sáng phát hiện chiếc xe máy chở hàng biến mất. Mất của, nhưng họ phải ngậm đắng nuốt cay vì không biết nhờ cậy, kêu ca vào đâu.
Báo công an thì ngại vì bản thân họ khi ở trọ cũng không đăng ký tạm trú, lại là thành phần bán hàng rong nhiều lần bị Công an phường bắt, phạt, thu hàng, lực lượng tự quản đã "nhẵn mặt" và thường không có cảm tình với họ.
Không chỉ rủi ro trong làm ăn, hầu hết những người lao động còn luôn canh cánh nỗi lo về sức khỏe. Công việc hằng ngày nặng nhọc, cùng với môi trường sống tạm bợ, ô nhiễm đã khiến sức khỏe của nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chị Thanh, bốc hàng ở chợ Ðồng Xuân, trọ ở phường Phúc Xá, trong câu chuyện không giấu nổi những lo lắng về căn bệnh phụ khoa đang mắc phải: "Ðã gần bốn tháng nay nhưng em chưa đi khám được, chắc đợi hôm nào rỗi, về quê, qua trạm y tế xã xem sao, trên này khám bệnh sợ tốn kém lắm!".
Còn anh Hiền (Hà Nam) đã phải nằm nhà gần một tuần vì những cơn ho rút ruột nhưng không dám tới bệnh viện khám lại vì không có tiền.
Y sĩ Bùi Thị Lan, Trưởng trạm y tế phường Phúc Xá, một địa bàn luôn luôn có hơn hai nghìn lao động ngoại tỉnh trú ngụ, cho biết, nhiều người lao động mắc các bệnh về đường hô hấp, dị ứng, phụ khoa, đặc biệt không ít nam giới mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Cũng theo y sĩ Lan, thỉnh thoảng phường có tổ chức các buổi khám và phát thuốc miễn phí, nhưng hầu hết những người lao động rất ít quan tâm thông tin và không biết để tham dự.
Éo le hơn như vợ chồng Trần Chiến Thắng (sinh năm 1980) và Nguyễn Thị Diệp (sinh năm 1983) quê xã Xuân Phong, Xuân Trường, Nam Ðịnh, gửi con gái nhỏ cho ông bà, lên Hà Nội tìm việc.
Tưởng ổn thỏa, ai dè một ngày cuối năm 2007, trên đường đi làm về Thắng bị tai nạn xe máy, chấn thương nặng phải vào viện. Vài triệu đồng tích cóp cả năm quá nhỏ nhoi cho ca mổ não tốn gần một trăm triệu đồng để cứu Thắng. "Gia đình hai bên nội ngoại phải đặt sổ đỏ hai miếng đất vườn vay tiền ngân hàng cho "nhà em" chữa bệnh. Thôi, còn người còn của. Giờ đang nợ chồng chất, nhưng bọn em sẽ cố làm ăn trả dần, chỉ mong có công việc đều đều" - Diệp nói.
Cùng ở với vợ chồng Diệp là hơn mười thanh niên khác cùng độ tuổi. Ða số họ chọn nghề phụ bán hàng, tiếp viên, dọn dẹp nhà cửa và chạy xe ôm. "Nhiều lúc nản quá, em quay về quê, nhưng về mấy bữa chẳng có việc gì hơn, tiền tiêu không có lại lên làm tiếp. Thôi, thà lên đây tháng kiếm được đôi triệu còn hơn ngồi chơi ở nhà" - Hằng, 22 tuổi, làm nghề tiếp viên nhà hàng, cùng nhà trọ với vợ chồng Diệp nói.
Theo Hằng, trong môi trường của cô có một số người tìm được chồng cùng cảnh, nhưng cũng không ít người đến tuổi lấy chồng mà không tìm ra đối tượng phù hợp, chưa kể, có những bạn cô còn bị lôi kéo vào ma túy, mại dâm.
"Giấc mơ đô thị" và cơ hội nào cho lao động nông thôn?
Vất vả, cực nhọc, cả trả giá cho những rủi ro, cạm bẫy, nhưng những người như vợ chồng Thu, Diệp, Hằng... không mấy ai muốn từ bỏ "giấc mơ thành thị" của mình. "Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố", có lẽ đó là ý nghĩ, quan niệm phổ biến của những con người này.
Theo ước tính của các ngành chức năng, mỗi năm Hà Nội có khoảng 80 nghìn lao động tự do từ các tỉnh tới tìm việc, đông nhất là thời điểm cuối năm, là lúc ở thành phố thường nhiều việc trong khi ở nông thôn người lao động đang dịp nông nhàn.
Hằng ngày, chỉ cần dạo quanh một vài ngã ba, ngã bảy, ngõ chợ, góc phố Hà Nội sẽ không khó để bắt gặp cảnh la liệt những người quê lên ngồi chờ việc. Ðông nhất là từ các địa phương lân cận như Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Tây...
Chỉ tính riêng các xã của huyện Khoái Châu ( Hưng Yên), số người tham gia lao động tự do tại Hà Nội chiếm tới 20% dân số mỗi xã. Ông Hoàng Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Kiều cho biết, xã này có khoảng 2.000 người lên Hà Nội kiếm sống, trong tổng dân số xấp xỉ 8.000 người.
Ðiều tra gần đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong số lao động di cư từ nông thôn lên thành phố, có tới 2/3 là lao động trẻ (15-19 tuổi). Những người trẻ tuổi này luôn khao khát tìm việc, kiếm sống, và lập nghiệp nơi đô thị.
Tuy nhiên có một thực tế, là hầu hết họ, theo mách bảo, chân ướt chân ráo lên thành thị với mong muốn có việc, có tiền nhanh mà rất hạn chế thông tin về cuộc sống và việc làm ở thành phố. Cũng đa số họ chưa qua đào tạo, trình độ lao động thấp, nên đành chấp nhận mức thu nhập khiêm tốn.
Ông Ðào Văn Thư, Ban Chính sách kinh tế - xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thu nhập của lao động di cư thấp hơn lao động tại chỗ khoảng 20%. "Với mức thu nhập bình quân mỗi người hơn một triệu đồng/tháng trong điều kiện nhà ở, sinh hoạt đều phải thuê mướn thì người lao động không thể đủ trang trải chi phí cá nhân chứ đừng nói đến tích lũy" - Ông Thư nói.
Thu nhập thấp cũng là nguyên nhân đẩy người lao động đứng trước nhiều rủi ro, và họ tự phát hình thành nên các chợ lao động, gây nên nhiều phức tạp về đời sống xã hội.
Trong khi đó, cũng theo ông Thư, bài toán cho lực lượng lao động này rất nan giải, vì đây là lực lượng lao động "khó tuyển dụng". Họ không có trình độ, tay nghề, mặt khác theo thói quen, họ đều không muốn làm trong các doanh nghiệp bị ràng buộc kỷ luật, giờ giấc, mà thích tự do.
Ðã có nhiều chương trình, dự án nhằm hạn chế tình trạng lao động di cư tự phát từ thành thị ra nông thôn và cải thiện đời sống, đặc biệt là vấn đề nhà ở cho lao động di cư tới đô thị. Tuy nhiên có lẽ, tất cả vẫn chỉ mới "giải quyết ngọn", trong khi "gốc rễ" của vấn đề, như bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Hà Nội nói: Ðó là việc giải quyết công ăn việc làm tại chỗ, tại các địa phương cho người thất nghiệp. Bên cạnh đó cần giáo dục, tuyên truyền cho người lao động, nhất là tầng lớp trẻ tuổi nhận thức thấu đáo về việc làm và cuộc sống, quan hệ lao động khi di cư.
Dù tất cả vẫn còn trong chương trình soạn thảo, và để triển khai những kế hoạch đó chắc cần một thời gian không ngắn, nhưng dẫu sao đó cũng là hướng mở cho tương lai những người như vợ chồng Thu, Diệp, Thanh, Hằng... hay tất cả những con người mà bất kỳ ai đều dễ dàng gặp họ trên các nẻo đường thành thị kiếm sống.
Trời đã sẩm tối. Buổi bán hàng chiều chỉ còn ế vài chiếc bánh chuối rán. "Chỉ mong ngày nào cũng bán được thế này là tươm chị ạ". Thu vui vẻ nói với tôi và giục chồng thu dọn đồ nghề. Trên đường về chị nhắc chồng tạt qua chợ mua mớ rau và mấy quả trứng. Ở nhà trọ, đèn đã bật sáng. Sau ngày bám mặt phố bụi bặm mấy chục con người trở về đang xì xụp tắm rửa. Lại lộn xộn, ồn ào cười nói, lại ngột ngạt mùi khói bếp than tổ ong cho một bữa tối.
* "Những khó khăn về kinh tế hiện nay khiến người nghèo không được bảo đảm về an sinh xã hội. Sâu xa hơn nữa là khiến cho các thành viên xã hội mất đi lòng tin khi cuộc sống trở nên quá khó khăn. Họ không tin vào bản thân, không tin lẫn nhau. Và điều đó rất nguy hiểm" - Ông Lê Bạch Dương - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội. * "Di dân nông thôn ra thành thị tạo ra một sự thay đổi cấu trúc gia đình và cộng đồng. Ðiều này ngoài việc tác động mạnh vào quá trình học sinh bỏ học còn làm sản xuất trong khu vực nông thôn yếu đi. Cơ cấu dân số chỉ toàn người già và trẻ em ở lại cộng đồng chắc chắn sẽ làm quá trình phát triển nông thôn gặp nhiều khó khăn hơn" - Thạc sĩ Trần Thị Thanh Hương. * "Ở một vùng thuộc tỉnh Hòa Bình mà chúng tôi khảo sát, trong số 76 hộ gia đình có tới 29 hộ có người nhiễm HIV sau một thời gian dài ra thành thị kiếm sống" - Bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng - Hà Nội. |