Đẹp nhưng bất tiện
Sáu giờ chiều, trên đường Khuất Duy Tiến (còn gọi là đường bê-tông) giữa lúc tan tầm, tôi gặp mẹ con chị Hoa, sống tại dãy B11, khu ĐTM Nam Trung Yên. Cả hai đều nai nịt kín mít nhưng cũng giống như bao người, vẫn phải nhăn nhó khổ sở vì khói bụi của cảnh tắc đường. “Sao không cho cháu học tại nơi ở cho việc đi lại đỡ vất vả?” - tôi hỏi.
Chị Hoa lắc đầu: “Khu đô thị mình ở chưa có nhà trẻ nên các gia đình phải tự lo chuyện này, nhiều người phải cho con học gần cơ quan tận Giảng Võ, Ngã Tư Sở. Trường học cũng không biết bao giờ mới có, sang năm là bé nhà mình đi học rồi”.
Lo ngại của chị Hoa quả là có cơ sở bởi như lời chị kể, nhiều gia đình trong khu phải cho con đi học xa tới cả chục cây số, hoặc khu Thanh Xuân, Mỹ Đình, Dịch Vọng cũng tới 3 - 5 km. Cạnh khu Nam Trung Yên là “quần thể” các khu ĐTM Mễ Trì Hạ, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Trung Yên, Yên Hòa, Trung Hòa - Nhân Chính với hàng chục nghìn dân đang sinh sống nhưng mới có một vài trường mẫu giáo, hai trường THCS, một trường THPT.
Các khu ĐTM Việt Hưng, Đền Lừ, Linh Đàm cũng nằm trong tình cảnh này. Anh Ngọc Hoàng, mới chuyển về sống tại dãy K1, khu Việt Hưng đang chạy đôn chạy đáo lo tìm trường để chuyển cho con vì hiện tại ngày nào vợ chồng anh cũng phải thay nhau đưa cháu đi học tận bên Cầu Giấy. “Đúng tuyến thì học ở phường Đức Giang nhưng có lẽ phải cố tìm một trường ở Gia Lâm, đi mất vài cây số nhưng có thể yên tâm về chất lượng.“ - anh Hoàng lo lắng.
Theo anh, sống tại khu ĐTM đẹp thì có đẹp, không gian thoáng đãng hơn nhưng người dân đang phải chịu đựng nhiều bất tiện, trong đó, đáng kể nhất là chuyện học hành cho con em vì đa số các khu chưa có trường học, nhà trẻ; chưa ở đâu việc học trái tuyến nhiều như “dân chung cư”.
Tại các khu ĐTM, tìm đỏ mắt cũng chả thấy một cái chợ nào, ngoài một vài siêu thị. Nhưng theo chị Thúy Vân, sống tại nhà 05, CT3, khu Bắc Linh Đàm, không thể suốt ngày vào siêu thị vì ở đó không có bán những thứ tưởng là nhỏ nhặt nhưng lại rất thiết yếu như hành tỏi, rau thơm và nhiều thực phẩm tươi sống khác. Vậy nên, ngay tại khu Linh Đàm, vốn được đánh giá là khu ĐTM kiểu mẫu ở Hà Nội hiện nay, sáng sớm hằng ngày vẫn đang tồn tại vài chợ thực phẩm, rau xanh họp chớp nhoáng. Tuy nhiên, chủ yếu người dân vẫn phải ra tận chợ Đại Từ.
Nhiều người dân sống tại các khu ĐTM nói đùa với nhau rằng, muốn sống tại đây, cần phải thích nghi với việc cuối tuần đi siêu thị mua một đống thực phẩm về chất trong tủ lạnh và chấp nhận cảnh ăn đồ không được tươi sống”.
Tại khu Nam Trung Yên, Việt Hưng, Trung Yên, Đồng Tàu, muốn ra chợ, người dân phải mất vài cây số. Ra chợ rồi, cũng chưa thể yên tâm về chất lượng thực phẩm. “Chúng tôi chẳng cần đến siêu thị hay chợ hoành tráng, chỉ cần một chợ thực phẩm nho nhỏ trong khu để việc mua sắm hằng ngày thuận tiện, có thể yên tâm về chất lượng là được” - Chị Hoàng Yến, sống tại nhà số 1118, CT4A khu X2 Linh Đàm cho hay.
Bức xúc không kém là chuyện đường sá ra, vào tại nhiều khu ĐTM. Chị Huệ, sống tại khu ĐTM Định Công cho biết, chị đang rao bán nhà để chuyển tới nơi khác để việc đi lại đỡ cơ cực hơn.
Sở dĩ chị Huệ phải dùng tới từ “cơ cực” là vì hàng nghìn người dân sống tại đây ngày nào cũng phải sống chung với cảnh ùn tắc trên đường Định Công, rồi đường dẫn vào khu thì chật hẹp, đầy ổ gà, đã vậy thường xuyên có xe tải nặng hoạt động nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Người dân đã quá bức xúc, nhiều lần kiến nghị cải tạo giao thông, mở rộng đường Định Công và đường ven sông Tô Lịch nhưng đều rơi vào quên lãng. Khu Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (phục vụ tái định cư dự án cầu Thanh Trì) cũng vậy, nằm “tun hút” bên trong cách đường Giải Phóng cả cây số nhưng đường vào ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp.
Khu ĐTM Đền Lừ cũng vậy, cả hai lối ra, vào hầu như giờ tan tầm nào cũng ùn tắc. Còn khu Việt Hưng, tối đến chẳng có đèn chiếu sáng, khách đến chơi nhiều khi bị lạc, vòng vèo mãi mới ra tới đường Ngô Gia Tự.
Khu vui chơi, nhà văn hóa tại các khu đô thị mới cũng đang là một khái niệm khá “xa xỉ”. Trẻ nhỏ vẫn phải đá bóng, nhảy dây, chơi đồ hàng ở dưới sân còn người lớn, “mời” đi tập tennis vì tại các khu nhà này, chỉ có duy nhất sân quần vợt. Vào các dịp lễ, Tết như rằm Trung thu, 2-9, Tết Nguyên đán, người dân trong các khu ĐTM cũng chỉ biết kéo nhau ra đường.
Ông Hiến, sống tại khu ĐTM Mỹ Đình 1 so sánh: “Các khu tập thể cũ tuy chật hẹp, cũ kỹ hơn nhưng đều có nhà văn hóa để sinh hoạt trong các dịp lễ, Tết hay họp hành tổ dân phố. Còn tại các khu đô thị mới, diện tích tầng một hầu hết chủ đầu tư cho thuê hoặc sử dụng vào mục đích kinh doanh. Người dân tại các khu ĐTM đang sống quá cô lập, nhà nào biết nhà nấy, hầu như không có hoạt động sinh hoạt cộng đồng nào. Điều này không phù hợp với nếp sống văn hóa của người Việt Nam và thật sự là vấn đề đáng lưu tâm”.
Không thể đổ hết trách nhiệm
Đọc bản báo cáo về tình hình triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các khu ĐTM trên địa bàn thành phố Hà Nội mới thấy hết mức độ “thiếu hụt” các công trình kể trên. Hiện, trên địa bàn thành phố đang triển khai xây dựng khoảng 38 khu ĐTM với tổng số 300 nhà ở cao tầng, trong đó sáu khu đã cơ bản hoàn thành, bước đầu đưa vào sử dụng, 17 khu đang triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đã cơ bản hoàn thành, 15 khu đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa xây dựng công trình.
Như vậy, có thể thấy tốc độ phát triển khu ĐTM ở Hà Nội những năm gần đây là khá “nóng”. Vậy nhưng, “tốc độ” xây dựng các công trình hạ tầng xã hội phục vụ dân sinh lại quá chậm. Cụ thể, trong số 94 nhà trẻ, mẫu giáo được UBND thành phố quy hoạch, mới có tám trường xây dựng xong và đưa vào sử dụng. Trong số 45 trường tiểu học mới có bốn trường xây dựng xong đưa vào hoạt động. Mới có 2/43 trường THCS và 4/15 trường THPT đi vào hoạt động. Số còn lại vẫn trong giai đoạn thi công và tiến hành các thủ tục đầu tư. Còn chợ, có 20 chợ được quy hoạch nhưng hiện mới xây dựng xong ba và chưa có chợ nào đi vào hoạt động. Trong số 31 công trình thể thao được quy hoạch, có ba công trình xây dựng xong…
Được biết, tháng 8-2005, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn yêu cầu đôn đốc việc triển khai xây dựng các công trình kể trên. Tuy nhiên, sau hơn một năm, theo đánh giá của UBND thành phố, việc triển khai chậm so với tiến độ quy định của dự án.
Chủ đầu tư thường tập trung đầu tư xây dựng các công trình thu hồi vốn nhanh như nhà ở kinh doanh, thương mại dịch vụ còn các công trình hạ tầng xã hội không mấy “mặn mà”. Bên cạnh đó, chưa xác định được trách nhiệm đầu tư thuộc ngân sách hoặc xã hội hóa khi lập quy hoạch, giao đất nên nhiều khu đô thị đưa vào sử dụng nhưng không có các công trình hạ tầng xã hội.
Việc hình thành địa giới hành chính của các khu ĐTM chưa được nghiên cứu ngay từ khâu quy hoạch nên khi đầu tư xây dựng các công trình trụ sở HĐND-UBND, công an… cấp phường không xác định được quy mô đầu tư, quản lý công trình sau đầu tư. Do đó, nhiều hộ dân chuyển đến sống tại các khu đô thị mới gặp khó khăn trong việc sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đoàn thể hay các vấn đề an ninh công cộng, dịch vụ xã hội…
Trước thực tế này, Hà Nội đưa ra giải pháp là tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, tập trung đôn đốc, chỉ đạo để sớm hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật tại các khu ĐTM. Với những khu sắp xây dựng, ngay từ khâu lập quy hoạch phải xác định cụ thể các công trình này sẽ được đầu tư bằng ngân sách hay xã hội hóa để có thể triển khai ngay thủ tục đầu tư song song với các công trình kinh doanh (nhà ở, văn phòng cho thuê).
Nhưng dù sao, trách nhiệm chính trong việc xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại những khu ĐTM thuộc về chủ đầu tư. Nếu tình trạng “quên” trách nhiệm kéo dài nhiều năm qua không được khắc phục, không chỉ đời sống dân sinh tại các khu ĐTM bị kéo thấp xuống mà người dân sẽ trở nên kém “mặn mà” với nhà chung cư, điều này sẽ gây khó khăn không nhỏ cho hàng loạt dự án lớn của Hà Nội cần nhà chung cư để phục vụ đền bù, tái định cư. Và quan trọng hơn cả là chính quyền các cấp không thể đứng ngoài cuộc nhìn các chủ đầu tư “quên” trách nhiệm.