Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống văn hiến cách mạng, tinh thần sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện, sâu sắc trên các lĩnh vực. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Thị Lụa cho biết: Hà Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển văn hóa.
Trong đó có Nghị quyết Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Thông tri về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và hoạt động kỷ niệm 10 năm Ngày Gia đình Việt Nam”…
Tỉnh cũng quy hoạch và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, bệnh viện của Trung ương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị quy mô, hiện đại, thúc đẩy phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Công tác quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn được triển khai đồng bộ, thống nhất với nhiều đổi mới, sáng tạo. Theo đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 213 di tích lịch sử được xếp hạng (trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt, 90 di tích cấp quốc gia, 121 di tích cấp tỉnh); 11 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được tổ chức ở nhiều địa phương. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” được triển khai hiệu quả. Đến nay toàn bộ thôn, tổ dân phố toàn tỉnh có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng; 100% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Thực tế của tỉnh Hà Nam cho thấy nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa được nâng lên trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Thể chế văn hóa, chính sách văn hóa dần hoàn thiện. Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở tăng về số lượng và từng bước cải thiện về chất lượng. Sản phẩm văn hóa, nghệ thuật phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế được chú trọng, kết hợp khai thác tiềm năng của văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch.
Đời sống văn hóa ở cơ sở có bước phát triển về chiều rộng và chiều sâu; thu hút các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Trần Thị Ngân trao đổi: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tác động tốt đến công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gương người tốt, việc tốt, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới... góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thực tế cũng cho thấy, ở Hà Nam, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch đạt hiệu quả chưa cao. Hạ tầng cơ sở phục vụ sự nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; việc phát triển con người toàn diện về đức, trí, thể, mỹ còn nhiều hạn chế. Văn hóa học đường, văn hóa gia đình, văn hóa xã hội còn có những biểu hiện tiêu cực…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do việc cụ thể hóa nghị quyết của Đảng ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa. Mặt trái của công nghệ, mạng xã hội, văn hóa ngoại lai tác động xấu đến sự phát triển của văn hóa, văn học, nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng.
Bám sát quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước giai đoạn 2020-2025 tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, tăng cường tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn hóa, đặc biệt là các quan điểm, định hướng phát triển văn hóa được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị trong việc cụ thể hóa, hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trong từng chủ trương và chính sách ban hành, tỉnh tập trung gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, ổn định chính trị-xã hội.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam Tạ Đình Quyền chia sẻ, tỉnh tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, nâng cấp hạ tầng cơ sở phát triển văn hóa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa cả về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức; hoàn thiện chính sách phát hiện, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tham gia, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đẩy mạnh các phong trào “người tốt, việc tốt”, “xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”, “xây dựng khu dân cư văn hóa”,... nhằm thúc đẩy việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tỉnh tập trung vào giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội; bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững truyền thống văn hóa Việt Nam; tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả...