Hạ mức tăng trưởng toàn cầu, IMF kêu gọi cùng tháo gỡ trở ngại để phục hồi

NDO -

Ngày 5/10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva đã phát biểu tại hội nghị trực tuyến ở Đại học Bocconi (Italy), trước thềm Hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến được tổ chức tại Washington D.C trong tuần từ 11 đến 17/10 tới.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. (Ảnh: Reuters)
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. (Ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu của mình, bà Kristalina Georgieva đã nhắc lại rằng, trong 10 tháng qua, vaccine đã giúp cứu sống hàng triệu người. Và cùng với sự hỗ trợ của các chính sách đặc biệt, thế giới đang dần chuyển từ khủng hoảng sang phục hồi.

Tuy nhiên, sự phục hồi toàn cầu vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn bởi đại dịch. Tổng Giám đốc IMF cũng chỉ ra rằng sự mất cân bằng lớn về khả năng tiếp cận với vaccine, khả năng ứng phó, khả năng hỗ trợ phục hồi và khả năng đầu tư cho tương lai chính là những trở ngại lớn của sự phục hồi toàn cầu.

Bức tranh kinh tế những tháng cuối năm 2021: Sự khác biệt, lạm phát và nợ

Vào tháng 7, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 6% vào năm 2021. Nhưng trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được cập nhật vào tuần tới, IMF đã hạ mức tăng trưởng và kỳ vọng tăng trưởng sẽ ở mức "vừa phải một chút" trong năm nay.

Mỹ và Trung Quốc vẫn là các động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu ngay cả khi động lực của các quốc gia này hiện đang chậm lại. Một số nền kinh tế tiên tiến và mới nổi vẫn đang trên đà phát triển, bao gồm Italia và rộng hơn là châu Âu.

Ngược lại, ở nhiều quốc gia khác, tăng trưởng tiếp tục xấu đi, do cản trở bởi khả năng tiếp cận vaccine thấp và phản ứng chính sách hạn chế, đặc biệt là ở một số quốc gia có thu nhập thấp. Sự phân hóa về vận may kinh tế này đang trở nên dai dẳng hơn.

Sản lượng kinh tế ở các nền kinh tế tiên tiến được dự báo sẽ trở lại trước đại dịch vào năm 2022. Nhưng hầu hết các nước mới nổi và đang phát triển sẽ mất nhiều năm nữa để phục hồi.

Tỷ lệ lạm phát đã tăng nhanh chóng ở một số quốc gia, và một lần nữa, đại dịch đã gây ra sự chênh lệch về tỷ lệ này ở các quốc gia. Lạm phát cũng đã làm tăng giá lương thực toàn cầu (tăng hơn 30% trong năm vừa qua). Cùng với việc tăng giá năng lượng, điều này đang gây thêm áp lực đến các hộ gia đình nghèo trên thế giới. Lạm phát gia tăng kéo dài có thể dẫn đến việc tăng lãi suất và thắt chặt các điều kiện tài chính. Đây sẽ là thách thức đối với các quốc gia mới nổi và các quốc gia đang phát triển.

Về nợ công, IMF ước tính rằng nợ công toàn cầu đã lên tới gần 100% GDP. Phần lớn điều này là do các biện pháp tài khóa cần thiết được thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng, cũng như những thiệt hại nặng nề về sản xuất và doanh thu do đại dịch. IMF nhận thấy sự chênh lệch lớn về nợ công giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Nhiều quốc gia đang phát triển đã đối phó với sự bùng nổ của đại dịch với rất ít ngân sách. Các quốc gia này thậm chí còn gặp khó khăn trong việc điều động ngân sách và tiếp cận các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi.

Tiêm vaccine, điều chỉnh chính sách, chuyển đổi nền kinh tế 

Trong bài phát biểu của mình, bà Kristalina Georgieva cũng đã đưa ra các biện pháp để vượt qua đại dịch Covid-19 và định hình một thế giới sau đại dịch tốt hơn cho mọi người.

Hạ mức tăng trưởng toàn cầu năm 2021, IMF kêu gọi cùng tháo gỡ những trở ngại để phục hồi -0
(Ảnh minh họa: IMF)

Đầu tiên, hãy tiêm chủng cho thế giới 

"Chúng ta vẫn có thể đạt được các mục tiêu do IMF, WB, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đưa ra - là tiêm chủng cho ít nhất 40% người dân ở mọi quốc gia vào cuối năm nay và 70% vào nửa đầu năm 2022", Tổng Giám đốc IMF cho biết.

Để làm được điều này, bà nhấn mạnh phải tăng việc cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển. Các quốc gia giàu có hơn phải thực hiện các cam kết đóng góp của họ ngay lập tức. Và cùng với nhau, chúng ta phải tăng cường khả năng sản xuất và phân phối vaccine và loại bỏ các hạn chế thương mại đối với vật liệu y tế.

Nếu không làm vậy, phần lớn thế giới sẽ vẫn chưa được tiêm chủng, và thảm kịch của con người sẽ tiếp tục. Điều đó sẽ kìm hãm sự phục hồi. Chúng ta có thể thấy thiệt hại GDP toàn cầu tăng lên 5,3 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới.

Thứ hai, điều chỉnh các chính sách phù hợp với hoàn cảnh của quốc gia

Đại dịch kéo dài, sự chia rẽ giữa các quốc gia sẽ càng dai dẳng và các lựa chọn chính sách càng trở nên khó khăn. Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, biện pháp tài khóa linh hoạt theo hoàn cảnh của mỗi quốc gia là cần thiết cho sự phục hồi.

Ngoài ra, IMF cũng khuyến cáo mỗi quốc gia nên theo dõi rủi ro tài chính, bao gồm cả sự biến động của giá trị tài sản.

Các quốc gia có thu nhập thấp phải đối mặt với những thách thức, cụ thể: nhu cầu tài chính lớn, gánh nặng nợ cao và - gần đây nhất - chi phí xử lý nợ cao hơn. Các quốc gia này sẽ cần phải tăng thu nội địa, tiếp cận nhiều nguồn tài chính ưu đãi hơn và nhiều trợ giúp hơn để giải quyết các vấn đề nợ.

Để đối mặt với những thách thức này, các chính phủ cần dựa trên các cấu trúc vững chắc trong trung hạn để tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa việc cung cấp các gói hỗ trợ ngay lập tức và giảm dần các khoản nợ, nhằm đạt được niềm tin của người dân và thị trường.

Thứ ba, đẩy nhanh các cải cách cần thiết để chuyển đổi nền kinh tế

Giữa những thay đổi toàn cầu sâu rộng trong những năm, và nhiều thập kỷ sắp tới, có ba vấn đề ưu tiên để ổn định kinh tế và tài chính: ứng phó với biến đổi khí hậu, thay đổi công nghệ và tăng tính bao trùm.

Chúng ta biết rằng ứng phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng đối với hành tinh và sự thịnh vượng. Những cảnh báo nghiêm trọng trong báo cáo gần đây của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) về biến đổi khí hậu đòi hỏi chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ.

Chúng ta cần một hệ thống định giá chặt chẽ đối với khí thải carbon dioxide (CO2), tăng đầu tư xanh trong 2 thập kỷ tới và hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Điều này sẽ góp phần bảo đảm một quá trình chuyển đổi có lợi cho tất cả.

Quá trình chuyển đổi xanh cũng mang đến những cơ hội to lớn: chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, mạng lưới điện mới, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải carbon… Và nếu chúng ta làm điều này với sự kết hợp của các chính sách cung ứng, chúng ta có thể tăng GDP toàn cầu khoảng 2% trong thập kỷ này và tạo ra 30 triệu việc làm mới.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng mang đến những cơ hội to lớn. Mở rộng quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là chìa khóa, kết hợp với đầu tư vào giáo dục, y tế và nghiên cứu cơ bản. Đây là cách chúng ta có thể làm cho các nền kinh tế năng suất hơn và bao trùm hơn.

Để mở ra tiềm năng này, chúng ta cần hệ thống thuế công bằng và hiệu quả hơn. Việc hoàn thành hiệp định về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là rất quan trọng để giúp huy động doanh thu cho các khoản đầu tư chuyển đổi.

Bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta có thể bảo đảm rằng việc chuyển đổi hệ thống tiền tệ quốc tế mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.