GS,TS Tô Ngọc Thanh: “Ca trù đã từng được giữ trong dân rất tốt”

NDO -

NDĐT – Trong buổi hội thảo về bảo tồn di sản ca trù của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, GS, TS Tô Ngọc Thanh đã nói: “Thực ra ca trù đã từng được giữ gìn rất tốt trong nhân dân, qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Vấn đề của chúng ta hiện nay là tiếp tục sự gìn giữ đó như thế nào”.

Ca nương Bạch Vân trình diễn tại Hội thảo bảo tồn di sản ca trù của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Ca nương Bạch Vân trình diễn tại Hội thảo bảo tồn di sản ca trù của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Xuất hiện từ lâu đời, từ thời vua Lý Công Uẩn dời đô, trước đây ca trù rất được tôn vinh. PGS, TS Đỗ Thị Hảo, Hội trưởng Hội Văn nghệ dân gian cho biết, ca trù thường sinh hoạt trong giáo phường, hoặc hát ở cửa đình trong các lễ tế thần và giúp vui cho người dân. Đến thế kỷ 19, ca trù trở thành thú vui tao nhã, và sau đó mới biến tướng, trở thành định kiến của xã hội. Trước kia, Hà Nội nổi tiếng với các nhà hát ca trù Hàng Giấy, Khâm Thiên, Thái Hà và Ngã Tư Sở. Hiện tại, nhiều nghệ nhân vẫn giữ được phong cách, lề lối xưa. Nhiều nơi vẫn giữ được nghề ca trù như Lỗ Khê, Đông Anh…

Đại diện phòng văn hóa huyện Đông Anh cho biết, Đông Anh là huyện giữ được tới bốn loại hình nghệ thuật truyền thống là múa rối nước, tuồng cổ, chèo cổ và ca trù. Thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà là vùng đất cổ, nuôi dưỡng ca trù từ xưa đến nay, khoảng 600 năm. Kể từ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, ca trù đã được người dân quan tâm nhiều hơn. Lứa nghệ nhân cao tuổi như các cụ Phạm Thị Mùi, Nguyễn Thị Nhiên đã truyền dạy cho lứa học trò tiếp theo. Hiện nay Lỗ Khê đã có một thế hệ tương đối vững để tiếp tục truyền dạy.

PGS, TS Đỗ Thị Hảo cho biết, bà được biết ở Hà Nội, trong năm 2015, CLB Nghệ nhân dân gian làng Mọc Quan Nhân, quận Thanh Xuân đã đào tạo cho 20 cháu học hát ca trù. Ở nhiều CLB khác như Thái Hà, Hà Nội… đều có những học viên trẻ tuổi.

Bà Nguyễn Thị Ngoan, thôn Chanh Thôn, xã Phú Văn, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết, hiện tại Chanh Thôn có CLB ca trù duy trì dạy các em vào thứ bảy hằng tuần. Hiện tại, CLB có khoảng 30 học viên.

GS, TS Đỗ Ngọc Thanh cho biết, Chanh Thôn là một trong những “điểm sáng” giữ được nghệ thuật ca trù rất tốt. Khi làm hồ sơ về ca trù, các chuyên gia đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và tư liệu quý báu từ làng ca trù Chanh Thôn.

Những điểm sáng ca trù này cũng đang góp phần thúc đẩy nhiều địa phương khác tìm tòi, khôi phục lại truyền thống văn nghệ dân gian đã mai một. Chị Hà Thị Hạnh, một chuyên viên văn hóa của huyện Phúc Thọ cho hay, trước đây Phúc Thọ cũng là đất ca trù, với gánh hát rất nổi tiếng. Điều này đã được ghi lại trong bia đá năm 1834 của huyện. Rất tiếc là qua thời gian, qua nhiều biến động của lịch sử và xã hội, hiện tại huyện đã không còn giữ được ca trù. Chị Hà Thị Hạnh cũng bày tỏ mong muốn được sự giúp đỡ, truyền dạy để khôi phục lại nghệ thuật ca trù.

Tuy nhiên, những điểm sáng này hiện tại không nhiều. Và một điểm chung mà hầu hết các CLB này hiện nay đều đang gặp không ít khó khăn để duy trì, vì nhiều lý do, trong đó thiếu kinh phí và người truyền dạy tuổi ngày càng cao là những lý do chính. Bà Nguyễn Thị Ngoan cho hay, CLB ca trù của Chanh Thôn hiện nay hoạt động tự phát là chính, khi nào có Liên hoan ca trù hay các hoạt động lớn thì địa phương có hỗ trợ loa đài, còn lại hoàn toàn do sự tự nguyện và tinh thần của các học viên.

Cùng chung những khó khă trên, huyện Đông Anh còn quan tâm đến một vấn đề khác nữa, đó là nguy cơ thất truyền của những bài hát cổ, bởi vì ca trù hiện nay chủ yếu mới được truyền miệng. Cái được ở đây là CLB ca trù của huyện khá được quan tâm, với một khoản kinh phí đều đặn hằng năm cấp cho các lớp học phổ cập và nâng cao.

GS, TS Tô Ngọc Thanh nói: “Trải qua bao nhiêu thăng trầm, ca trù vẫn âm thầm sống. Nhân dân vẫn giữ gìn vốn văn hóa của mình, với những sáng tạo, giữ gìn qua bão tố của lịch sử”.

Việc bảo tồn ca trù, theo GS, TS Tô Ngọc Thanh, phải tiến hành lâu dài, mười năm trở ra. Kinh phí nên dành cho các chương trình có mục tiêu lâu dài. Sự góp sức của chính các CLB là vô cùng quan trọng, không chỉ cho ca trù nói chung mà còn cho chính bản thân các CLB. Người dân đã giữ được ngọn lửa ca trù qua bao nhiêu thế hệ, việc của các cơ quan chức năng, của các chuyên gia bây giờ là tiếp tục vun ngọn lửa ấy như thế nào để nó cháy tiếp mạnh mẽ.