GS. TSKH Tô Ngọc Thanh: Cần khôi phục môi trường cho cồng chiêng

NDĐT - Trả lời phỏng vấn của chúng tôi về vấn đề bảo tồn không gian cồng chiêng Tây Nguyên, GS Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh, chỉ có khôi phục lại các lễ hội gắn bó với cộng đồng, với vòng đời của mỗi con người mới có môi trường cho cồng chiêng phát triển. Cùng với đó, những chính sách đồng bộ như mở lớp truyền dạy cho thanh thiếu niên, tổ chức các cuộc thi ở nhiều quy mô khác nhau… sẽ góp phần đáng kể vào việc gìn giữ và lưu truyền nghệ thuật cồng chiêng cho những thế hệ sau.

- Thưa GS, xin GS cho biết một vài đánh giá sau quá trình bốn năm Không gian cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là  di sản văn hóa phi vật thể?

- Có ba điểm mới sau quá trình bốn năm không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trở thành di sản. Thứ nhất, từ lãnh đạo Đảng, chính quyền, các địa phương cho đến các cơ quan chuyên môn đã hiểu, nhận thức được tầm quan trọng của cồng chiêng Tây Nguyên và di sản văn hóa phi vật thể. Thứ hai, các nghệ nhân cũng bắt đầu nhận thức được về giá trị của những gì mình đang nắm giữ. Trước kia, cồng chiêng chỉ được trình diễn sâu và khép kín trong làng, trong buôn, nhưng giờ đây, những cuộc giao lưu, hội ngộ như thế này khiến các nghệ nhân tự ý thức được rằng cồng chiêng còn có giá trị mang tầm quốc tế. Thứ ba, cồng chiêng không chỉ dành cho những nghệ nhân già, mà rất nhiều thanh thiếu niên đã hiểu và học chơi cồng chiêng, đã thực sự coi đây là nhiệm vụ đối với di sản của ông bà.

Từ những thay đổi này, cùng với sự ra quân của các lực lượng xã  hội như cung cấp kinh phí, tôn vinh nghệ nhân, mở lớp dạy chơi chiêng, tổ chức các cuộc thi đánh chiêng nhiều quy mô…, nhận thức của người dân cũng được nâng cao hơn, đã xuất hiện phong trào truyền dạy nghệ thuật đánh chiêng cho lớp trẻ ở nhiều nơi. Cồng chiêng không còn chỉ là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, những người trong nghề, mà đã trở thành mối quan tâm của cả người dân, khi đông đảo công chúng hiểu được giá trị của cồng chiêng trong xã hội.

Những vũ công "nhí" thuộc huyện Krongpa, Gia Lai.

Kết quả hiện hữu nhất chính là sự xuất hiện lớp nghệ nhân mới ở Liên hoan cồng chiêng năm nay, nhiều nghệ nhân còn rất trẻ, tuổi chỉ mười tám đôi mươi, thậm chí còn ở tuổi thiếu niên, nhi đồng, nhưng trình diễn rất thành thục. Là một trong những người làm hồ sơ về cồng chiêng, tôi thực sự thấy vui vì điều này.

- Vậy còn những điều chưa được, thưa GS?

- Những nơi làm được như tôi nói ở trên còn chưa được nhân rộng. Còn nhiều nơi giữ được di sản cồng chiêng, nhưng cũng chưa tổ chức được lớp dạy, cũng như chưa mở được các cuộc thi. Cần có thêm những cú hích để đồng bào ở những nơi này thấy được giá trị của những gì mình đang nắm giữ. Và còn cả cái chưa được của một số nơi: can thiệp quá sâu vào cồng chiêng nguyên gốc, đây là điều không được làm.

Phục dựng lễ đâm trâu của người Bahnar.

- Vậy chúng ta phải bảo tồn như thế nào, thưa GS?

- Theo tôi, quan trọng nhất là không được cải tiến cồng chiêng, phải giữ đúng nguyên gốc của cồng chiêng. Cồng chiêng của chúng ta được chọn là di sản văn hóa phi vật thể bởi tính nguyên bản, không lý do gì mà lại cải tiến cồng chiêng theo hàng âm mới. Tôi được biết, một số nơi đã chỉnh lại thang âm của cồng chiêng để chơi nhạc mới. Có thể điều này đem lại sự mới mẻ cho cồng chiêng, nhưng mặt trái là những bộ cồng chiêng bị chỉnh này sẽ không thể chơi lại những bản nhạc truyền thống. Có thể tạo cái mới cho cồng chiêng bằng cách đưa cồng chiêng vào các liên hoan, trình diễn ngoài nghi thức cổ truyền, nhưng không thể cải tiến mà đánh mất đi giá trị gốc của cồng chiêng.

Những nghi lễ liên quan đến cồng chiêng cần được khôi phục.

Ngay cả những nghi lễ liên quan đến cồng chiêng cũng vậy. Để bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, cần phải khôi phục lại môi trường xã hội cho cồng chiêng, thông qua những lễ hội gắn với cộng đồng, gắn với những mốc quan trọng trong vòng đời của mỗi con người. Nhưng tuyệt đối không được “cải biên”. Đất Tây Nguyên có ba thứ: con người, rừng và cộng đồng làng. Làng lại gồm có hai nửa: làng của người sống và nhà mồ cho người chết. Cuộc sống đan xen giữa cái hư và cái thực, như vậy mới huyền ảo. Khi các nghi lễ được trình diễn dưới dạng hiện thực hóa, tính huyền ảo sẽ mất đi. Cho nên, dù cải tiến thế nào cũng không được đánh mất giá trị gốc của cồng chiêng.

Những gì cần làm tiếp theo là nhân rộng các mô hình bảo tồn cồng chiêng từ trong cộng đồng, phải làm cho bản thân những chủ nhân của không gian văn hóa cồng chiêng hiểu và trân trọng những giá trị của cồng chiêng. Điều khiến tôi vui nhất là ngày nay đã có nhiều trẻ em bắt đầu yêu thích và tham gia các hoạt động liên quan đến cồng chiêng. Đó là việc cần tiếp tục phát huy.

- Xin cảm ơn GS.

T.L - HA