Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đang tập trung phối hợp nhà thầu thi công, địa phương chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng công trình trọng điểm quốc gia này.
Rốt ráo giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo sơ bộ, tỉnh Nghệ An cam kết đến ngày 30/3 vừa qua hoàn thành và bàn giao 100% mặt bằng sạch, nhưng đến nay vẫn còn vướng một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời; trong phạm vi mặt bằng đã bồi thường vẫn còn vướng mắc khoảng 2,6 km; cụ thể đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu vướng 1 km; đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt (Nghệ An-Hà Tĩnh) vướng khoảng 1,5 km,... Một vấn đề quan trọng là tiến độ di dời hệ thống đường điện trung, cao thế để bàn giao mặt bằng cho dự án không diễn ra như kỳ vọng.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải), hiện mới có 30 trong số 65 vị trí hệ thống điện trung, cao thế ở hai huyện Diễn Châu, Hưng Nguyên ảnh hưởng lớn đến an toàn thi công đang di dời đến vị trí mới. Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên Hoàng Anh Tiến cho biết, địa phương đang di dời nhiều hệ thống đường điện, phối hợp các đơn vị chức năng hoàn thành giải phóng mặt bằng vị trí dựng cột để ngành điện thi công hố móng và kéo dây kịp thời.
Hiện tất cả ba vị trí điện cao thế, 11 trong số 18 vị trí trung thế và 14 trong số 22 vị trí điện hạ thế đang được ngành điện đẩy nhanh tiến độ thi công… “Trong khu vực hiện còn 76 trong số 924 ngôi mộ đã bồi thường, nhưng chưa di dời được, không ít ngôi mộ mới chôn cất. Chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân bốc mộ càng sớm càng tốt để bàn giao mặt bằng kịp thời”, ông Tiến cho biết.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc bắc-nam qua Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã quyết liệt chỉ đạo lãnh đạo các huyện, thị xã liên quan rốt ráo hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm này. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cam kết, đến hết tháng 5/2022, tỉnh sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch cho dự án.
“Sau khi nhận bàn giao mặt bằng, các chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo nhà thầu tổ chức thi công, quản lý mốc đã bàn giao, tránh tái lấn chiếm…”, ông Trung đề nghị.
Liên quan vướng mắc của các mỏ đất, cát san lấp phục vụ dự án, một số doanh nghiệp cho biết họ đã được cấp mỏ gần một năm nay nhưng đến nay chưa được khai thác vì các thủ tục sau cấp phép chưa hoàn thành. Có doanh nghiệp xin nâng công suất mỏ cát để có đủ vật liệu phục vụ thi công, nhưng mất đúng tám tháng mới hoàn tất thủ tục. Theo khảo sát, các mỏ đất chỉ cách dự án khoảng 15-20 km, nhưng trên thực tế, do trữ lượng đất các mỏ này không đủ so yêu cầu cho nên các đơn vị thi công phải tìm kiếm các mỏ đất cách xa khoảng 30-35 km khiến chi phí vận chuyển đội lên khá cao...
Tại Hà Tĩnh, đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án Thăng Long và Ban Quản lý dự án 6 đã bàn giao hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng đợt 1 cho các địa phương đạt 23,9 km trong 102,5 km. Trong đó, chủ đầu tư bàn giao mốc thực địa giải phóng mặt bằng đạt 16,5 km. Căn cứ trên hồ sơ và mốc thực địa giải phóng mặt bằng dự án đoạn qua Hà Tĩnh, trong đó huyện Can Lộc đã tổ chức kiểm đếm được 190 trong số 195 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp; huyện Thạch Hà kiểm đếm 80 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp, một hộ tái định cư và một tập thể ảnh hưởng đất thương mại dịch vụ của xã Nam Điền...
Các địa phương cũng đang cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất và đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 để rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, trình thẩm định, phê duyệt bảo đảm không ảnh hưởng tiến độ giải phóng mặt bằng dự án. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, thời gian qua, tỉnh huy động cả hệ thống chính trị thực hiện các công việc Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải giao.
Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đang thực hiện tốt các nội dung tiến độ và chất lượng theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, tuy nhiên đây chỉ là kết quả bước đầu, nhiều công việc vẫn còn ở phía trước.
Giá vật liệu tăng, nhà thầu gặp khó
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng Nguyễn Quốc Việt, trở ngại lớn nhất hiện nay là giá xăng dầu tăng, kéo giá vật liệu tăng theo. Chỉ tính riêng dự án Diễn Châu-Bãi Vọt, đầu tư theo hình thức PPP, tổng mức hơn 11 nghìn tỷ đồng, dự kiến bị tăng chi phí xây dựng lên khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng biến động giá, nhân lực, thi công tại dự án,... chỉ khoảng 300 tỷ đồng.
“Mức biến động này vượt quá sự tính toán của nhà đầu tư và cơ quan quản lý dự án. Với khoản chi phí bị chênh lệch rất lớn, nhà đầu tư đang phải làm việc với các cơ quan liên quan để tính toán, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện tiếp”, ông Việt nhấn mạnh.
Dự án Diễn Châu-Bãi Vọt đoạn qua Hà Tĩnh do vướng đê La Giang cho nên các đơn vị thi công cầu và đường gặp nhiều khó khăn trong triển khai làm đường công vụ vận chuyển vật liệu. Tại điểm thi công ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), đoạn từ đê La Giang đến nút giao quốc lộ 8, mặc dù các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, máy móc thi công cầu Hưng Đức vượt sông Lam và 5 km đoạn cuối của tuyến, song Phó Chỉ huy trưởng công trường Hà Huy Nguyên vẫn rất lo lắng vì ngoài giá vật liệu tăng, đơn vị chưa mở được đường công vụ để vận chuyển hơn 25 nghìn m3 cát san lấp phục vụ thi công (liên quan quản lý an toàn đê La Giang chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt).
Hiện nay, thời tiết bất thường, mưa nhiều, ảnh hưởng tiến độ thi công một số hạng mục đắp nền K95, K98 và thảm bê-tông nhựa. Theo kế hoạch, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt hoàn thành tháng 5/2024. Ngay sau khi nguồn vốn được khơi thông, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu nhà đầu tư lập tiến độ thi công điều chỉnh, huy động bổ sung các mũi thi công bù tiến độ bị chậm. Sản lượng thực hiện dự án đạt 3,23% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch điều chỉnh,...