Tuy nhiên, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2021 của VCCI cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn về tốc độ và tính thực chất trong cải thiện môi trường kinh doanh. Hầu hết các bộ, ngành đều đã xây dựng phương án cắt giảm chi phí tuân thủ với mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các văn bản pháp luật hiện hành vào năm 2025.
Thế nhưng, nhiều ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp đang bày tỏ lo ngại về những quy định chưa phù hợp, bất hợp lý, gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành vẫn mang tính hình thức, tạo rào cản, gánh nặng mới cho các doanh nghiệp, thậm chí hiện đang có xu hướng thắt chặt quản lý hơn ở một số ngành nghề, lĩnh vực vốn trước đây được đánh giá cao về thành tích cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Trong khi đó, Chính phủ đang có nhiều chương trình cải cách mạnh mẽ, mong muốn cải thiện rõ rệt môi trường kinh doanh của Việt Nam một cách thực chất, lên nhóm đầu khu vực. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nếu những “rào cản” này không nhanh chóng được gỡ bỏ, có thể ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phục hồi của doanh nghiệp.
Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại việc thực hiện cắt giảm thủ tục, quy định để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc xử lý ngay những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Cải thiện môi trường, điều kiện kinh doanh sẽ tạo thêm cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đã “kiệt sức” do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 thời gian qua.
Tuy nhiên, một vấn đề tiên quyết là không được để xảy ra tình trạng chồng chéo, thậm chí là có thêm giấy phép con gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai các chính sách; phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính với các khung khổ pháp lý được thiết kế phù hợp, theo kịp sự phát triển của nền kinh tế; đồng thời, cần nỗ lực, tăng tốc độ cải cách mạnh mẽ, toàn diện hơn. Có như vậy mới huy động được mọi nguồn lực phát triển đất nước.