Ðổi thay nhanh ở xã nghèo
Từ tỉnh lộ 257, qua cầu treo Nà Mày chông chênh bắc qua sông Cầu, theo con đường cấp phối lởm chởm dài hơn 10 km toàn "ổ trâu, ổ voi", chúng tôi đến xã Ðôn Phong, huyện Bạch Thông (Bắc Cạn), có 70% đồng bào là dân tộc Dao. Trong hai năm 2012 và 2013, xã được Chương trình 135 đầu tư năm công trình hạ tầng: ba tuyến kênh mương, cầu Pác Tả và đường điện hạ thế 0,4 kV Nà Khuyết - Nà Ké.
Xứ đồng Bản Ðán của Ðôn Phong rộng 5 ha, trước đây chỉ có kênh mương tạm, đến mùa vụ bà con phải thức thâu đêm để lấy nước vào ruộng. Thiếu nước, năng suất lúa thấp, sản xuất bấp bênh, lại thất thoát nhiều nên ai cũng muốn lấy nước để sản xuất dẫn đến tình trạng tranh giành, mất đoàn kết. Nhờ Chương trình 135 đầu tư hơn một tỷ đồng, kiên cố hóa kênh mương, toàn bộ xứ đồng được "giải khát", nước tưới tiêu chủ động, tăng diện tích gieo trồng và năng suất lúa tăng nhanh, ổn định.
Công trình đường điện từ khu dân cư Nà Khuyết đến cụm dân cư Nà Ké được đầu tư 526 triệu đồng, thay thế bốn trăm mét đường dây cũ nát, chắp vá, mất an toàn. Hộ anh Nguyễn Lưu là một trong 20 hộ dân được thụ hưởng cho biết: Gia đình anh có xưởng chế biến dong riềng công suất 10 tấn/ngày. Trước đây điện không ổn định, mô-tơ liên tục bị cháy, dây chuyền chế biến tinh bột phải dừng hoạt động liên miên làm cho việc thu mua củ dong của bà con bị đình trệ. Mỗi lần mô-tơ bị cháy lại phải vượt qua quãng đường "khổ ải" để ra thị xã Bắc Cạn phải thay thế, sửa chữa tốn kém; nhiều lần sửa mô-tơ về, vừa lắp vào lại... cháy. Ðang lúc khó thì Chương trình 135 đầu tư đường điện, mừng quá, ơn Ðảng và Nhà nước. Cây cầu Pác Tả xi-măng cốt thép dài 14 m, rộng 3 m bắc qua suối Nà Lồm được đầu tư từ Chương trình 135 và nguồn vốn khác hơn 1,1 tỷ đồng, giúp 92 hộ hai thôn Nà Lồm và Lủng Lầu tiêu thụ nông sản thuận lợi bằng ô-tô, thay sức người gồng gánh nhọc nhằn.
Chủ tịch UBND xã Ðôn Phong Trịnh Xuân Thành cho biết: Với cách làm dân chủ, thành lập ban giám sát có đại diện của nhân dân, ưu tiên đầu tư công trình cấp thiết, cho nên công trình nào được xây dựng theo Chương trình 135 trên địa bàn xã cũng có hiệu quả thiết thực, chất lượng tốt, nhân dân phấn khởi. Nhờ sự hỗ trợ từ chương trình, đến nay, Ðôn Phong chỉ còn 14% số hộ nghèo, từ năm 2014, xã rút khỏi diện đặc biệt khó khăn, chỉ còn hai thôn được đầu tư từ Chương trình 135 là Nặm Tốc và Lủng Lầu.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Cạn Chung Thị Biển đánh giá khái quát: Hầu hết các công trình đầu tư của Chương trình 135 đều có tác dụng thiết thực đối với đời sống nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình giảm nghèo, mỗi năm tỉnh giảm từ 4 đến 5% số hộ nghèo, làm thay đổi diện mạo tỉnh miền núi. Từ năm 2001 đến 2013, có 21 xã thoát diện đặc biệt khó khăn, ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135.
Khu tái định cư cho đồng bào Mông tại bản Minh Châu, xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) được đầu tư từ Chương trình 135, có hệ thống điện, đường, trường, trạm phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Cán bộ xã, huyện hướng dẫn bà con trên núi cao xuống đây định cư, khai hoang ruộng làm lúa nước, xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn đen, gà đen, trồng chanh leo... Ðược hỏi về nơi ở mới, ông Lỳ Tồng Súa cho biết, được ở khu tái định cư Minh Châu, bà con phấn khởi lắm, cuối năm 2011, người dân đã thu hoạch được vụ lúa đầu tiên và ngày càng yên tâm xây dựng cuộc sống trên quê hương mới, không di cư tự do nữa. Tri Lễ và các xã đặc biệt khó khăn của huyện Quế Phong, nhờ Chương trình 135, đã giúp người dân thoát khỏi lối sống chỉ biết dựa vào rừng làm nương rẫy, hái măng, săn bắt thú, chuyển sang các mô hình sản xuất nuôi dúi, trồng chanh leo, chuối tiêu hồng và khai hoang mở rộng hàng chục ha đất canh tác trồng ngô, làm lúa nước, sử dụng giống mới, thâm canh tăng năng suất, tăng vụ.
Ðến xã miền núi Tiên An, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) vào một ngày đầu tháng 12, chúng tôi được cán bộ kế hoạch xã Ðoàn Ngọc Thống cho biết, hồi tuyến đường liên thôn, từ thôn 4 ngang qua thôn 5, đến thôn 6 chưa xây dựng, người dân nơi đây đi lại rất khó khăn, cách trở. Mùa nắng còn đỡ, chứ mưa kéo dài như mấy ngày qua, thì chỉ có biết xách dép lội bùn... làm gì có đường ô-tô chạy vòng quanh các thôn êm ru như bây giờ. Không chỉ có đường giao thông, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn xã đã có gần chục công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà trẻ... được xây dựng từ vốn Chương trình 135, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn bảy tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Phạm Nhất Hải phấn khởi bộc bạch: Ðến nay, hầu hết các công trình được đầu tư từ Chương trình 135 đều phát huy hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, hơn 80% đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được bê-tông hóa và 75% diện tích lúa được chủ động nước tưới.
Văn bản hướng dẫn chậm ban hành, chưa sát thực tế
Cùng với những kết quả đạt được, trong quá trình tìm hiểu việc thực hiện Chương trình 135 ở địa phương, cơ sở, được chứng kiến và nghe cán bộ, nhân dân phản ánh, kiến nghị, chúng tôi thấy có những bất cập nổi lên.
Tình hình thực hiện Chương trình 135 ở Bắc Cạn là một thí dụ về vướng mắc văn bản hướng dẫn. Tháng 5-2012, tỉnh Bắc Cạn được giao 73,8 tỷ đồng để thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, là dự án hợp phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (từ ngày 4-4-2013 được gọi là Chương trình 135). Từ năm 2012, chuyển sang giai đoạn đầu tư mới cho nên tỉnh chưa biết quy trình, thủ tục thực hiện như thế nào; tháng 6-2012, tỉnh có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng, đề nghị ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn của các cơ quan này chậm, không rõ ràng, nên đến tháng 12-2012, tỉnh mới chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị triển khai thực hiện, đầu tư xây dựng 132 công trình cơ sở hạ tầng ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Vì vậy, năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 33 công trình thanh toán được vốn với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng, số còn lại hơn 56,5 tỷ đồng không thể giải ngân được.
Thôn Khuổi Pái, xã Huyền Tụng (thị xã Bắc Cạn), hai năm qua, được đầu tư 400 triệu đồng từ Chương trình 135, xây dựng được tuyến đường bê-tông dài 560 mét, rộng ba mét. Tuy nhiên, để giải ngân được số vốn này theo từng năm, Ban Quản lý dự án của xã phải làm thành hai dự án (200 triệu đồng/dự án); mỗi dự án, chi phí tư vấn khảo sát, thiết kế là 32 triệu đồng/dự án (16% tổng vốn đầu tư). Ðiều đáng nói là hai dự án liên kề trên cùng địa chất, địa hình, chỉ cần khảo sát, thiết kế, chi phí một lần là dùng cho cả hai dự án. Thực tế cũng làm như vậy. Nhưng theo quy định, chủ đầu tư (xã) vẫn phải trả hai lần cho khâu tư vấn này. Phải chăng, những công trình quá nhỏ, nhưng lại phổ biến của Chương trình 135 tại các xã, thôn, bản, được bổ sung, sửa đổi quy định đầu tư cho sát hợp thực tế trong văn bản hướng dẫn. Có thể quản lý theo phương thức làm đường giao thông nông thôn của chương trình xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Huyền Tụng Hà Ðức Tuyên trần tình: "Số vốn rất ít, dự án rất nhỏ mà vẫn phải tuân theo quy trình xây dựng cơ bản. Nếu không làm như thế thì kho bạc không thanh toán vốn".
Tương tự như chuyện của xã Huyền Tụng, năm 2014, xã Ðôn Phong được đầu tư 600 triệu đồng làm hai nhà sinh hoạt cộng đồng tại hai thôn Nặm Tốc và Lủng Lầu; việc phải thuê tư vấn khảo sát, thiết kế, giám sát hết gần 100 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Trịnh Xuân Thành kiến nghị: "Với những loại công trình đơn giản như vậy mà đòi hỏi phải có các đơn vị có tư cách pháp nhân tư vấn khảo sát, thiết kế, giám sát... theo quy trình xây dựng cơ bản là không cần thiết, mà chi phí cho các khâu này là không nhỏ. Nên giao cho cộng đồng thôn tổ chức làm cho phù hợp điều kiện thực tế ở cơ sở, văn hóa của người dân, đảm bảo công trình chắc chắn lâu dài, giám sát chặt chẽ để không gây thất thoát, lãng phí là được".
Thiếu vốn cần thiết để hoàn thành công trình
Theo các văn bản về Chương trình 135, vốn thực hiện từ ba nguồn: Ngân sách trung ương; ngân sách địa phương; huy động đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vốn cấp cho các công trình, dự án dù nhỏ, nhưng vẫn thiếu, dẫn đến đầu tư dở dang, không hoàn thiện, lãng phí lớn. Nói về tình trạng này, tại xã Trà Ðốc, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Lợi cho biết, nhu cầu vốn ở miền núi rất lớn, nhưng nguồn vốn Chương trình 135 cấp hằng năm quá ít, cho nên nhiều tuyến đường giao thông phải làm từng đoạn. Ngay như tuyến đường huyết mạch từ trung tâm xã về các thôn, trước đây làm bằng đất và đến nay mới bê-tông hóa được một đoạn từ thôn 1 đến thôn 2; còn đoạn từ thôn 2 về thôn 5 (dài 25 km) chưa được nâng cấp, cho nên cứ đến mùa mưa, đường bị xói mòn, lầy lội không đi được. Hiện còn 100 hộ dân (với gần 300 khẩu) ở thôn 5 vẫn chưa có đường giao thông và điện thắp sáng.
Cùng chung đặc điểm trên, tại xã Lê Chung, huyện Hòa An (Cao Bằng), đoạn đường xóm Khuổi Thán - Goòng Nưa vừa được nghiệm thu với kinh phí hơn 600 triệu đồng từ Chương trình 135. Ðoạn đường dài hơn một km, ngoài vài cái cống thoát nước, thì phần lớn chi phí là san gạt đất đá núi, giữa cung đường có đoạn dài cả trăm mét nằm cạnh sông. Do địa hình núi đất, vị trí này không có kè cho nên đến mùa mưa, khi lượng nước mưa lớn từ núi cao chảy xuống sẽ gây sạt lở ta-luy dương và nước sông dâng cao cuốn trôi đất đá dưới ta-luy âm, dễ dàng phá hủy công trình. Vẫn làm đường theo kiểu "công nghệ" san gạt đất đá, dự án xây dựng đoạn đường từ Thăng Sặp đi Lũng Oong thuộc xã Cao Chương, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng), dài hơn hai km, tổng dự toán là 2,6 tỷ đồng. Sau hơn một năm thi công, công trình đạt một phần ba khối lượng, giải ngân được 800 triệu đồng. Vốn nhỏ, thời gian thi công dài, chất lượng đường kém, hư hỏng nhanh.
Nói về vốn đầu tư, trao đổi ý kiến với chúng tôi, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam Nguyễn Khắc Tưởng kiến nghị: Nguồn vốn đầu tư hằng năm của chương trình còn hạn chế, dàn trải; nguồn vốn dành cho duy tu, bảo dưỡng công trình không đáng kể; thủ tục đầu tư còn rườm rà, không thích hợp với thực tế của người dân miền núi. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần tăng nguồn vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho người dân; đồng thời đơn giản hóa thủ tục đầu tư, nâng cấp và duy tu, sửa chữa công trình để đồng vốn phát huy hiệu quả cao nhất.
Năng lực cán bộ xã, thôn, bản hạn chế
Các xã, thôn, bản hưởng chế độ 135 là thuộc diện đặc biệt khó khăn, thuộc vùng an toàn khu, vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cán bộ ở đây trình độ nhiều mặt, năng lực hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện các chính sách, chế độ, trong đó có Chương trình 135. Ðây là bất cập lớn trong xây dựng, quản lý các dự án, công trình đầu tư; tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp; hướng dẫn, lãnh đạo, chỉ đạo, động viên nhân dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình sản xuất.
Xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), có gần 80% số dân là đồng bào Khmer. Khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật, ứng phó thiên tai, dịch bệnh của phần lớn hộ nghèo ở đây còn nhiều hạn chế, chưa có thói quen cải tiến trong cách làm ăn. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trương Ðắt Pháp, hạn chế rõ nhất là cán bộ tổ quản lý dự án của xã chưa đủ năng lực làm hết các công việc quản lý đầu tư một công trình xây dựng cơ bản; công tác thanh quyết toán các công trình do xã làm chủ đầu tư còn nhiều lúng túng... Tới đây, huyện, tỉnh cần mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ xã về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, thoát nghèo và tập huấn quản lý các công trình xây dựng cơ bản, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các thủ tục, quy trình, biểu mẫu quyết toán...
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Minh Thượng kiến nghị: Trung ương nên tính toán, phân bổ nguồn vốn tập trung hơn, tránh dàn trải; khắc phục tình trạng nguồn vốn hỗ trợ thông báo muộn, văn bản hướng dẫn ban hành chậm, cán bộ thực hiện Chương trình 135 thường xuyên thay đổi. Nguồn vốn phân cấp về cho xã quản lý thực hiện, cho nên cần ban hành cơ chế đặc thù phù hợp năng lực quản lý của cán bộ xã, theo hướng càng đơn giản hóa các thủ tục càng tốt.
Bài, ảnh: MẠNH THUẦN, GIANG BÌNH THƯ và NGUYÊN TRƯỜNG
Hiện còn 535/1.848 xã chưa có đường nhựa đến trung tâm xã, chỉ đi được trong mùa khô; 14.093 thôn, bản chưa có đường ô-tô; 204/1.848 xã chưa có điện lưới quốc gia; 304 xã đặc biệt khó khăn chưa đủ lớp học kiên cố; 15.930 thôn, bản chưa có nhà trẻ, mẫu giáo; 758 xã chưa có nhà văn hóa.
(Nguồn: Báo cáo đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng dân tộc và miền núi của Ủy ban Dân tộc, ngày 11-4-2013)
Mục tiêu giai đoạn 2012 - 2015: Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm. Ðến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 50% mức bình quân chung khu vực nông thôn của cả nước; 85% số thôn có đường cho xe cơ giới, trong đó có 35% số xã và 50% số thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 95% số trung tâm xã, hơn 60% số thôn có điện; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 50% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây hằng năm; hơn 50% số trạm y tế xã được chuẩn hóa; các công trình hạ tầng giáo dục, văn hóa... được quan tâm đầu tư để đạt các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
(Nguồn: Quyết định số 551/QÐ-TTg, ngày 4-4-2013, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, thực hiện từ năm 2012 đến 2020).