Gỡ điểm nghẽn cho đầu tư công: Tư duy mới cho vấn đề cũ

Nhận định giải ngân vốn đầu tư công chậm ngày nào là mất cơ hội phục hồi ngày đó, Chính phủ đang đốc thúc các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao nhất phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 với quan điểm: Tình hình chung thay đổi phải có biện pháp thay đổi, không thể làm bằng tư duy cũ.
0:00 / 0:00
0:00
Vướng mắc lớn nhất làm chậm tiến độ đầu tư công trên địa bàn Đà Nẵng là công tác giải phóng mặt bằng. (Ảnh THANH TÙNG)
Vướng mắc lớn nhất làm chậm tiến độ đầu tư công trên địa bàn Đà Nẵng là công tác giải phóng mặt bằng. (Ảnh THANH TÙNG)

Tổng hợp kết quả kiểm tra giám sát của 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận diện có 21 khó khăn, vướng mắc đang bủa vây hoạt động đầu tư công.

Cần xem lại bộ máy vận hành

Theo đó, 21 khó khăn vướng mắc này được chia thành ba nhóm vấn đề:

Nhóm 1 là khó khăn về thể chế, chính sách trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, ngân sách nhà nước và công sản, lĩnh vực xây dựng, đấu thầu và lĩnh vực đầu tư công.

Nhóm 2 liên quan tổ chức triển khai thực hiện, gồm lập kế hoạch đầu tư, công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương, chất lượng chuẩn bị dự án, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, năng lực của các ban quản lý dự án và cán bộ chuyên môn, ý thức chấp hành kỷ luật kỷ cương đầu tư công.

Nhóm cuối cùng là khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022, như biến động giá vật liệu xây dựng; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua tháng 7/2021, các dự án mới cần khoảng 6-8 tháng triển khai thủ tục chuẩn bị để tổ chức đấu thầu thi công nên tiến độ sẽ tăng tốc nhanh hơn vào nửa cuối năm, khi các dự án bắt đầu có khối lượng để giải ngân.

Các dự án được liệt vào danh sách “giải ngân 0 đồng” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là thí dụ điển hình của đặc thù này. Năm 2022, EVN được Thủ tướng Chính phủ giao vốn thực hiện 3 dự án đầu tư công, gồm dự án cấp điện nông thôn tại Nghệ An, Lạng Sơn, Cà Mau, tổng giá trị 920 tỷ đồng.

Giai đoạn 2015-2020, các dự án này đều hoàn thành giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn hằng năm, không nợ đọng xây dựng cơ bản và đang tiếp tục được thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023.

Đại diện EVN cho biết, theo quy định đối với các dự án đầu tư công, sau khi được giao kế hoạch vốn vào đầu năm, chủ đầu tư mới được triển khai thủ tục đầu tư lập và trình các cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị, đàm phán ký kết và thực hiện hợp đồng cho các hạng mục tương ứng giá trị kế hoạch vốn được giao của năm kế hoạch.

Mặc dù các đơn vị rất tập trung thực hiện, nhưng đến cuối quý II hoặc quý III mới có thể ký hợp đồng để thi công xây dựng, cung cấp vật tư thiết bị nên cuối tháng 6/2022 vẫn chưa có giá trị giải ngân. Dự kiến tổng giá trị giải ngân vốn ngân sách nhà nước 9 tháng năm nay sẽ đạt khoảng 287 tỷ đồng, bằng 31,2% kế hoạch và cuối năm sẽ cơ bản hoàn thành giải ngân đối với các dự án được phân bổ ngân sách nhà nước trong kế hoạch năm 2022. Để tháo gỡ khó khăn, EVN kiến nghị các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương chấp thuận giảm bớt số lần thực hiện các thủ tục đầu tư.

Liên quan khó khăn đặc thù của năm 2022, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Thống kê kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương giải cứu doanh nghiệp xây dựng để không ảnh hưởng tiến độ thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội cũng như tăng trưởng kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo. Từ góc nhìn thống kê, TS Nguyễn Bích Lâm chỉ ra, đầu tư xây dựng hiện chiếm khoảng 65-70% vốn đầu tư công.

Việc tăng giá vật liệu xây dựng làm tăng vài phần trăm vốn trung hạn của mỗi dự án, nhưng nếu tính tổng thể toàn bộ các dự án đang triển khai hiện nay, đó là con số khổng lồ, có thể làm thâm hụt ngân sách, ảnh hưởng đáng kể đến chính sách tài khóa. Theo quy định, giá dự toán công trình vượt quá 10% giá dự phòng trong dự toán thì phải thương thuyết lại, chủ đầu tư thực hiện bù giá cho nhà thầu, sau đó, ban quản lý dự án trình bộ chủ quản phương án điều chỉnh giá.

Quá trình này chờ lấy ý kiến của các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng nên ngay cả khi nhận được sự đồng thuận của các bên cũng mất rất nhiều thời gian. Trường hợp đội vốn lớn và không tìm được tiếng nói chung, dự án có thể lâm vào tình cảnh “đắp chiếu” vô thời hạn. TS Vũ Đình Ánh thúc giục, nếu không thay đổi trong tư duy và cách làm, những vướng mắc này không thể có lời giải.

“Cần rút kinh nghiệm từ khu vực ngoài nhà nước. Cùng gặp khó khăn tương tự nhưng nhà đầu tư vẫn vượt qua được và dự án triển khai tốt, trong khi đầu tư công thừa tiền mà không tiêu được. Thực tế này cho thấy đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại bộ máy vận hành dự án đầu tư công thay vì chỉ bàn về chính sách, giải pháp”, TS Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.

Những giải pháp căn cơ, lâu dài

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 vì cứ tăng được 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước, cao hơn so mức lan tỏa của trước khi có đại dịch (năm 2019, giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,42 đồng vốn đầu tư xã hội).

Bên cạnh tính dẫn dắt và lan tỏa, bản thân đầu tư công đóng góp không nhỏ đến tăng trưởng vì theo tính toán, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so năm trước có tác dụng giúp GDP tăng thêm 0,058%. Đối với nền kinh tế Việt Nam, đóng góp của yếu tố vốn vào tăng trưởng kinh tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp khác (giai đoạn 2016-2020, yếu tố vốn đóng góp đến 53,3%).

Năm 2022 và những năm tiếp theo, các kịch bản điều hành được xây dựng trên cơ sở tăng mạnh vốn đầu tư công, làm vốn mồi tạo cú huých đưa nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng cao, gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển sau đại dịch. Do đó, nếu giải ngân không đạt kế hoạch sẽ khiến cú huých này giảm lực, ảnh hưởng đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thông thường, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng nhanh vào cuối năm, khi các nhà thầu có thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán. Căn cứ vào xu hướng đã thành quy luật đó và khối lượng thực hiện 7 tháng cùng cam kết của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định tỷ lệ giải ngân cả năm có thể đạt khoảng 92% kế hoạch.

Song kết quả này chỉ đạt được với điều kiện phải xác định đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, từ đó nhận diện đúng và xử lý kịp thời các điểm nghẽn đang ngáng trở hoạt động đầu tư công đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân tích: Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt mà phải giải quyết những vấn đề căn cơ, lâu dài thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn phù hợp yêu cầu phát triển.

Điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi là nghiên cứu sửa tổng thể các luật có liên quan như Đất đai, Ngân sách nhà nước, Xây dựng, Khoáng sản,… một cách đồng bộ. Yếu tố rất quan trọng khác là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm.

Liên quan vấn đề này, Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án. Cùng với đó là yêu cầu về tính kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; trách nhiệm người đứng đầu…

“Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đổi mới tư duy trong hoạt động đầu tư công đã được khẳng định trong xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này được bố trí tăng rất cao nhưng chỉ tập trung vào 5.000 dự án, công trình, giảm 50% so giai đoạn trước nhằm xóa bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong quyết định danh mục và thực hiện dự án.

Từ năm 2022, lượng vốn cần giải ngân rất lớn, ngoài vốn kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết nghị còn có vốn bổ sung từ nguồn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời điều chuyển kế hoạch vốn. Thông điệp mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để gỡ điểm nghẽn đầu tư công là: Không thể thực hiện khối lượng công việc lớn bằng tư duy cũ, tình hình thay đổi phải có biện pháp thay đổi, càng khó khăn phức tạp càng phải giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ, dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Hiện các cơ quan tham mưu đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong thời gian tới.