Trách nhiệm của cơ quan quản lý
Được biết, sau khi sự việc cô nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề có hành vi mua bán trẻ em, khiến dư luận bức xúc, các cơ quan chức năng đã "vội vã" vào cuộc. Theo đó, công an, UBND phường sở tại rà soát từng chùa, cơ sở thờ tự về việc nuôi trẻ em bị bỏ rơi, người cơ nhỡ... để lên phương án quản lý, trợ giúp. Vấn đề giải thể hay tiến hành các thủ tục pháp lý để các cơ sở này trở thành trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội đang khiến các ngành lúng túng. Theo đó, việc tiến hành các thủ tục nhận và cho con nuôi thế nào để thể hiện sự nhân đạo, đáp ứng nhu cầu cho nhận, bảo đảm tuân thủ luật pháp quy định cũng là vấn đề nan giải. Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bình nhận định: "Việc các cơ sở tôn giáo mở lòng từ bi, hỉ xả chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ là việc làm nhân đạo, được đánh giá cao. Tuy nhiên, những cơ sở thiện nguyện như nhà chùa, nhà thờ... không có chức năng nuôi và chăm sóc trẻ mồ côi. Trên thực tế, việc nuôi trẻ ở một số cơ sở tôn giáo chưa phù hợp lợi ích của trẻ, chưa bảo đảm môi trường sống cũng như đúng mục đích xác lập quan hệ giữa người nhận và người được nhận nuôi (bố mẹ nuôi và con nuôi). Trước đây, một số sư trụ trì các chùa ở Hà Nội đề nghị Sở Tư pháp TP Hà Nội cho đăng ký nuôi con nuôi. Tháng 6-2013, Cục Con nuôi đã chỉ đạo sở yêu cầu phòng tư pháp các quận, huyện hướng dẫn dừng nhận nuôi trẻ ở nhà chùa khi có yêu cầu hoặc chỉ giải quyết thủ tục giám hộ cho nhà chùa hay sư trụ trì để trẻ em được nhập hộ khẩu, đăng ký khai sinh và có đủ điều kiện để đi học sau này".
Trên thực tế, khi các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước chưa đủ nguồn lực trong vấn đề giải quyết trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi thì rất cần sự chung tay để xã hội hóa công tác này. Theo thống kê chưa đầy đủ ở 32 tỉnh, thành phố, trên cả nước hiện có hàng nghìn trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các nhà chùa và cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em ngoài công lập đều không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 68 và số 81 của Chính phủ. Bên cạnh đó, đi sâu tìm hiểu mới thấy, hiện nay, trách nhiệm trong công tác quản lý các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn còn chồng chéo. Vấn đề nuôi con nuôi là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp; việc quản lý cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của Nhà nước lại thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội. Riêng công tác quản lý những cơ sở tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ em tự phát thuộc trách nhiệm quản lý hành chính của chính quyền địa phương. Như vậy, để xảy ra vụ việc như ở chùa Bồ Đề cho thấy, trước hết do chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc quản lý, giám sát việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. Bên cạnh đó, chưa có quy định rõ ràng về quy trình nhận nuôi và chăm sóc trẻ đối với những cơ sở từ thiện, thiện nguyện của tư nhân, tập thể, cơ sở tôn giáo ngoài công lập. Câu hỏi đặt ra là, nếu có nhiều vụ việc như chùa Bồ Đề vừa qua, đơn vị nào sẽ nhận trách nhiệm? Dư luận xã hội quan tâm, đến bao giờ công tác quản lý này có sự thống nhất, góp phần xoa dịu nỗi đau của những trẻ em kém may mắn, yếu thế.
Kiện toàn các cơ sở từ thiện, nhân đạo ngoài công lập
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp để tổng rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi tự phát, kịp thời khắc phục những bất cập, bảo đảm đúng quy định. Với cơ sở đủ điều kiện cần khẩn trương làm thủ tục pháp lý, yêu cầu chính quyền sớm ra quyết định thành lập cơ sở nuôi trẻ để ổn định đời sống, tâm lý cho các em. Trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn thì kiên quyết dừng hoạt động tiếp nhận trẻ; đồng thời, rà soát hoàn cảnh, địa chỉ của từng em để đưa về địa phương hoặc các trung tâm bảo trợ của các tỉnh, thành phố. Bộ Tư pháp cần tăng cường phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân và các sư trụ trì về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, để các em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển trong điều kiện tốt nhất.
Phó Cục trưởng Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Tô Đức cho biết: "Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 70 của Chính phủ, bộ đang xây dựng Đề án quy hoạch các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng phát triển các cơ sở trợ giúp ngoài công lập. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực, hướng dẫn việc chăm sóc các đối tượng yếu thế cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội". Nghị định 68 của Chính phủ nêu rõ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều có thể tham gia việc thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, tuy nhiên, việc thành lập các cơ sở này phải bảo đảm điều kiện do Chính phủ quy định. Theo đó, quy định bắt buộc những cơ sở nuôi dưỡng từ 10 đối tượng trở lên phải thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Các cơ sở được thành lập theo đúng quy định của pháp luật sẽ được giải quyết các chế độ trợ cấp. Nếu tất cả các cơ sở này đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, sẽ không có các sai phạm xảy ra". Được biết, Cục Bảo trợ xã hội hiện đang phối hợp Ban Dân tộc, Tôn giáo của MTTQ xây dựng kế hoạch tổ chức rà soát lại hệ thống các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi. Tại các cơ sở của tôn giáo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam để thực hiện công tác này. Trên cơ sở rà soát, MTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ hướng dẫn các cơ sở tôn giáo chấn chỉnh lại công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng yếu thế, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời đánh giá, khảo sát các mô hình tôn giáo thực hiện tốt để khuyến khích, nhân rộng.
Việc xây dựng kế hoạch và rà soát hệ thống các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế được thực hiện trong hai năm 2014-2015.
Để giúp các trung tâm, cơ sở từ thiện trên cả nước hoàn thiện tính pháp lý, khoa học, các cơ quan quản lý, chức năng cần tăng cường triển khai một số giải pháp tổng thể ở cấp quốc gia, tập trung vào việc: Kiểm tra, rà soát, lập danh sách và thực hiện các biện pháp chấn chỉnh, xử lý các cơ sở chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật...
hoạt động chưa đúng quy định của pháp luật. Hướng dẫn các cơ sở chăm sóc thực hiện thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tiến hành trong thời gian tới là tăng cường công tác quản lý hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; bảo đảm trẻ em bị bỏ rơi và các nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khác được chăm sóc, trợ giúp trong môi trường an toàn, phù hợp... Đồng thời, chấn chỉnh, rà soát ngay các hồ sơ trẻ em dự kiến làm con nuôi tại các cơ sở bảo trợ xã hội, theo đúng quy trình, thủ tục quy định tại Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn mới được giải quyết cho làm con nuôi. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác nhân đạo, từ thiện; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở bảo trợ xã hội nghiêm túc thực hiện tốt công tác chăm sóc, trợ giúp đối tượng theo các quy định của pháp luật.
(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 20-8-2014.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 647/QĐ-TTg, ngày 26-4-2013 về việc phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2020. Theo đó, sẽ phát triển nhiều hình thức chăm sóc thay thế dựa vào cộng đồng. Trẻ em không còn bố, mẹ sẽ được giao cho các gia đình nhận làm con nuôi và được nuôi dưỡng tại cộng đồng. |
Việc thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc các đối tượng yếu thế, trong đó có các trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, người khuyết tật, người cao tuổi được quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP về điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội. Nghị định quy định rõ có hai loại hình cơ sở bảo trợ xã hội: công lập và ngoài công lập. UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm giám sát, quản lý hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc hướng dẫn quy định về các tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở này. |