Bài 1: Chung tay cưu mang những mảnh đời cơ nhỡ
Trong khi các gia đình và toàn xã hội đang dành những gì tốt nhất để chăm sóc trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, thì vẫn còn có những mảnh đời bất hạnh lang thang cơ nhỡ vì nghèo túng, hoặc bị bỏ rơi vì những lý do khác nhau, bị kẻ xấu lợi dụng làm những điều phi pháp. Ðã có không ít những tổ chức, cá nhân bằng chính tấm từ tâm, thiện nguyện, cùng chung tay góp sức đón nhận, nuôi nấng, dạy dỗ cho các em một mái ấm, được học hành trở thành những người có ích cho xã hội.
Những tấm thiện tâm
Chúng tôi tới Trung tâm dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Trên diện tích gần 12 ha. Khởi công tháng 10-2009, chỉ một năm sau, đúng dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trung tâm đã tiếp nhận các cụ già neo đơn, trẻ mồ côi vào chăm sóc, nuôi dưỡng miễn phí bằng nguồn kinh phí của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vincom), dưới sự bảo trợ tinh thần của Ban Kinh tế tài chính (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và được sự quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh. Dẫn chúng tôi đi thăm tổ hợp công trình bao gồm 20 khu nhà hiện đại, đầy đủ tiện nghi, công trình vệ sinh khép kín, khu thể thao, giải trí, khuôn viên cây xanh, hồ nước mát lành, chị Nguyễn Thị Mai Thu, phụ trách bộ phận chăm sóc giáo dục cho biết: "Hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng 18 cụ già (chủ yếu là cựu thanh niên xung phong, người già cô đơn) và 84 trẻ mồ côi. Theo chị Thu, trong năm học mới 2014 - 2015, trung tâm tiếp tục phối hợp các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên cả nước để đón người già, trẻ mồ côi vào chăm sóc, nuôi dưỡng".
Hơn 100 thân phận kém may mắn đến từ mọi miền đất nước, nhỏ nhất mới sáu tuổi, cao tuổi nhất đã 90, về đây mang theo hơn một trăm câu chuyện buồn khác biệt. Với tấm lòng của những con người sống tròn với đạo lý "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách", tròn bốn năm qua, nơi này trở thành một cộng đồng thu nhỏ trong tổ hợp không gian sống, sinh hoạt văn minh, xanh, sạch, đẹp, giao hòa với thiên nhiên. Nơi các cụ già được sống vui, khỏe, có ích và trẻ em được vui chơi, học tập, hòa nhập với nhau.
Rảo bước tới bảy khu nhà, nơi hơn 80 mảnh đời côi cút nương nhờ, thấy khách, các cháu ngoan ngoãn cất tiếng chào thật to, chị Thu cho biết: "Các con ở nhiều độ tuổi, nhiều thành phần dân tộc, ngôn ngữ bất đồng. Mồ côi cho nên thiếu sự dạy dỗ, chỉ bảo, chúng tựa như những cây non mọc hoang dại, cần có sự uốn nắn công phu. Do vậy, tiêu chí tuyển chọn cô nuôi ngoài điều kiện tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên, chúng tôi ưu tiên những người tốt nghiệp chuyên ngành xã hội. Qua đó, các cô có kiến thức chuyên môn sẽ dễ dàng nắm bắt tâm lý con trẻ, giúp các em sống, học tập và tự lập tốt hơn".
Tôi gặp Nguyễn Ðình Ðạt, học sinh lớp chín, khi em đang chơi đùa với lũ trẻ cùng nhà. Nơi đây, có cả chục bé trai cùng sinh sống, nhưng trong phòng rất gọn gàng, ngăn nắp. Qua trò chuyện mới biết, Ðạt cùng chị ruột là Nguyễn Thị Hiền, quê Hà Tĩnh được trung tâm tiếp nhận từ ngày đầu thành lập. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, bốn chị em Ðạt tự kiếm rau cháo nuôi nhau qua ngày. Hai chị em phải bỏ học, khi đến trung tâm, chị em Ðạt được đi học trở lại. Năm học vừa qua, Hiền là một trong hai đứa con đầu tiên trong trung tâm thi đỗ đại học, khiến tất cả mọi người cùng vỡ òa niềm vui. Lứa quả ngọt bắt đầu cho thu trái, là tấm gương sáng để những đứa trẻ còn lại hướng tới, vươn lên. Chia tay chúng tôi, chị Thu tha thiết nhắn gửi: "Trung tâm hoạt động phi lợi nhuận, rất mong ngày càng nhiều doanh nghiệp, phật tử chung tay, góp sức cùng chúng tôi giúp đỡ trẻ em kém may mắn trong cả nước".
"Bức tranh" về công tác từ thiện, nhân đạo
Theo thống kê, riêng trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 1,7 triệu trẻ em, trong đó có 13 nghìn trẻ thuộc diện nêu trên và chỉ có hơn một nghìn cháu đang được nuôi dưỡng, học tập ở 11 trung tâm bảo trợ xã hội tại một số tỉnh, thành phố. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ trẻ em được Nhà nước nuôi dưỡng là rất nhỏ so với con số thực tế. Số trẻ còn lại đang sống trong cộng đồng, một số cháu được các hộ gia đình nhận đỡ đầu, nhận con nuôi, hoặc sống trong các cơ sở nuôi dưỡng trẻ lang thang mồ côi, cơ sở tôn giáo. Ngoài ra, còn rất nhiều trẻ đang lang thang, kiếm sống trên đường phố, ngõ hẻm hay gầm cầu, góc chợ bằng đủ thứ nghề: đánh giày, rửa bát thuê, bán vé số, bốc vác, ăn xin... tiềm ẩn nguy cơ về tội phạm vị thành niên. Trung tâm từ thiện Phật Tích nêu trên chỉ là một điểm sáng trong bức tranh chung về hoạt động xã hội hóa công tác từ thiện, nhân đạo trên cả nước.
Theo báo cáo từ Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cả nước hiện có hơn 400 cơ sở bảo trợ xã hội được cấp phép thành lập, hoạt động quy củ với những chương trình chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng khoa học, bài bản, hơn 40 nghìn đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập chiếm 60%, bao gồm cả cơ sở của các tôn giáo. Còn lại, rất nhiều cơ sở, trung tâm từ thiện, nhân đạo thành lập một cách tự phát. Hiện chưa có thống kê đầy đủ, chính xác về số lượng các cơ sở, trung tâm từ thiện, nhân đạo trong cả nước. Nhưng có thể thấy, những cơ sở thành lập tự phát hoạt động dựa trên sự đóng góp của tập thể, cá nhân các nhà hảo tâm. Trong đó, không thể phủ nhận vai trò đóng góp rất lớn của những cơ sở từ thiện, nhân đạo tôn giáo.
Vừa qua, vụ việc Công an TP Hà Nội bắt giữ và khởi tố đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang, người trông giữ trẻ tại chùa Bồ Ðề (Gia Lâm, Hà Nội) đã lợi dụng kẽ hở của luật pháp, trong việc nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi tại chùa để mua bán trẻ em, là "tiếng chuông" cảnh tỉnh đối với các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nói chung và Giáo hội Phật giáo (GHPG Việt Nam) nói riêng.
Thầy Thích Ðức Thiện, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng T.Ư GHPG Việt Nam cho biết: Trên tinh thần trách nhiệm ưu đời mẫn thế của người con Phật, các lớp học tình thương, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi trong hệ thống GHPG Việt Nam đều hoạt động ổn định, có kết quả, góp phần chia sẻ gánh nặng cho xã hội với chi phí cho toàn bộ công tác này lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Ở một số tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, các cơ sở, trung tâm từ thiện, nhân đạo Phật giáo đã thực hiện tốt phương châm "tốt đời, đẹp đạo", phối hợp chính quyền địa phương, tiến hành các thủ tục đăng ký giấy phép hoạt động, có tư cách pháp nhân do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp. Một số trung tâm còn được sự giúp đỡ nhiệt tình của cơ quan UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) tại Việt Nam, MTTQ Việt Nam. Nhờ đó, các đối tượng bảo trợ xã hội được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt về cả vật chất lẫn tinh thần. Ðây là tiền đề quan trọng để trẻ em sau này có khả năng hòa nhập tốt hơn với xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, những cơ sở có tư cách pháp nhân rất hiếm hoi so với hàng trăm cơ sở từ thiện tự phát do các chùa trên cả nước hình thành. Trong đó, có những cơ sở từ thiện lớn nuôi dưỡng từ 300 đến 500 người già, trẻ mồ côi, nhưng chưa có tư cách pháp nhân, dẫn tới việc nuôi dưỡng chưa khoa học, bài bản, quản lý bộ máy thiếu chặt chẽ, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu đã gây ra một số vụ việc đáng tiếc.
Thầy Thích Ðức Thiện cũng thừa nhận: Ban Từ thiện xã hội của GHPG Việt Nam chưa được chuyên môn hóa, GHPG Việt Nam cũng chưa có sự giám sát cụ thể, chặt chẽ đối với các cơ sở từ thiện trong hệ thống khắp cả nước. Thầy Thích Ðức Thiện khẳng định: "GHPG Việt Nam đã chỉ đạo Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố nhanh chóng tiến hành rà soát, thống kê, khảo sát tất cả các trung tâm từ thiện, nhân đạo để phối hợp địa phương tiến hành các thủ tục để đăng ký tư cách pháp nhân, đồng thời tạo sự ủng hộ của chính quyền địa phương để hoạt động từ thiện, xã hội của Phật giáo ngày càng theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Ðồng thời, kêu gọi được nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội cùng chung vai góp sức hỗ trợ cho những mảnh đời bất hạnh".
(Còn nữa)
Luật Nuôi con nuôi quy định nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Việc cho và nhận nuôi con nuôi phải là sự đồng ý hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.