Người dân Bát Xát chủ yếu là đồng bào các dân tộc H’Mông, Dao, Hà Nhì… Đoàn KT-QP 345 làm nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng gắn với phát triển kinh tế vùng dự án trọng điểm Bát Xát gồm 58 thôn, bản của năm xã: A Mú Sung, A Lù, Y Tý, Trịnh Tường, Nậm Chạc, cho nên công tác dân vận giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo được Đoàn xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Trong đó, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn thường xuyên trao đổi với cán bộ trong cấp ủy, chính quyền các địa phương; luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn, hoàn cảnh kinh tế từng gia đình; đồng thời, điều động, bổ nhiệm những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp làm nhiệm vụ ở các tổ, đội công tác có đủ phẩm chất, năng lực, có kinh nghiệm làm công tác dân vận, trồng trọt, chăn nuôi, hiểu biết về phong tục tập quán, biết nghe và nói được tiếng đồng bào; đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các tổ, đội đều trải qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do ngành nông nghiệp huyện, tỉnh tổ chức.
Cùng với đó, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các dự án gần gũi với tập tục canh tác, chăn nuôi của người dân theo phương châm vận động, hỗ trợ, giúp đỡ, kích cầu để người dân làm là chính chứ không làm hộ, làm thay. Đoàn cấp cây, con giống ban đầu, giúp đỡ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phù hợp thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, để bà con phát triển nuôi, trồng. Các mô hình đã được xây dựng gồm: Nuôi bò cái sinh sản, nuôi dê địa phương, ngan Pháp, trồng chuối, bơ, bưởi, na; trồng và chăm sóc cây dược liệu atisô, đương quy...
Đồng thời, Đoàn phát động phong trào để cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự học, tự rèn nâng cao kiến thức quản lý kinh tế, kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở địa phương; phụ trách giúp đỡ các hộ nghèo xóa nghèo, có đề ra thời gian, phương pháp, cách thức thoát nghèo; hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thông tin vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng năng suất, chất lượng.
Từ đó tạo việc làm cho các hộ nghèo tham gia dự án, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần giảm nghèo cho các hộ nghèo và địa phương tham gia dự án... Năm 2015, xã Nậm Chạc có 346 hộ nghèo, chiếm 66,92%, nhưng đến nay chỉ còn 188 hộ nghèo, chiếm 33,8%; xã A Lù từ 283 hộ nghèo, chiếm 64,03%, đến nay chỉ còn 23,7% hộ nghèo… Người dân vùng dự án đã nhận thức tốt hơn về phát triển kinh tế hộ gia đình.
Những năm gần đây, cây dược liệu atisô, cây đương quy, chuối cao sản được nhiều hộ dân trồng và xuất bán với giá cả ổn định, nhờ đó mà phong trào xóa đói, giảm nghèo ở địa phương phát triển, nhiều gia đình từ hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, có “của ăn, của để”. Địa bàn huyện Bát Xát đã xuất hiện nhiều vùng chuyên canh, rau trái vụ, cây dược liệu, hàng hóa xuất khẩu đi khắp các địa phương trong cả nước; nhiều trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng hải sản cho năng suất, chất lượng cao, trở thành địa chỉ tin cậy. Bát Xát đang hoàn thiện dự án Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu xây dựng Bát Xát trở thành điểm đến hấp dẫn và là bộ phận quan trọng trong tổng thể du lịch Lào Cai, trong đó lấy xã Y Tý là trung tâm du lịch mới, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển hài hòa, bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát Nguyễn Quốc Huy cho biết: Những năm gần đây đời sống kinh tế, dân sinh, dân trí của đồng bào các dân tộc trong huyện được nâng lên một bước, trong đó có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của các cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 345. Mỗi dự án, việc làm của bộ đội đều hướng đến cuộc sống của người dân, nhất là những hộ nghèo, gia đình chính sách ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.