Phóng viên: EPIC Vietnam vừa giới thiệu giải pháp tư vấn “xoay chuyển tình thế” nhằm giúp cho công ty trong các trường hợp có sự khủng hoảng mang tính chiến lược. Khái niệm này dường như có vẻ xa lạ đối với nhiều nhà quản trị ở Việt Nam. Xin bà cho biết bản chất của hoạt động này là gì?
Bà Deb Aronson: Trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền kinh tế thị trường phát triển lâu đời, việc một công ty hình thành, phát triển rồi phá sản hoặc lụi tàn là hết sức bình thường. Chính vì vậy, khái niệm về tư vấn “xoay chuyển tình thế” đã không còn mới mẻ.
Ứng dụng và hiệu quả của nó phổ biến và cần thiết đến mức, hầu hết các công ty đều xếp giải pháp này vào danh sách ưu tiên hàng đầu khi cần viện đến sự hỗ trợ từ phía ngoài nhằm “cứu chữa” và vực dậy “sự sống” cho công ty mình. Tên gọi có thể khác nhau, nhưng mục tiêu chung của nó đều nhằm đến sự “bình ổn hóa” và “tái sinh sự sống” cho công ty.
Trước thực tế hội nhập và mở cửa của nền kinh tế Việt Nam, đây là thời điểm buộc các doanh nghiệp không thể tiếp tục thờ ơ hoặc đủng đỉnh. Họ buộc phải tìm kiếm và sáng tạo giải pháp để tìm ra lối đi. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp thậm chí còn chưa đánh giá được thực trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp mình, bao gồm cả “sức khỏe nội tại” trong doanh nghiệp và tình hình “thời tiết” của môi trường kinh doanh.
Phóng viên: Những tương tác và thay đổi cơ bản của quá trình tư vấn này đối với doanh nghiệp như thế nào?
Bà Deb Aronson: Tư vấn “xoay chuyển tình thế” thực sự hỗ trợ cho các công ty đang gặp khủng hoảng về hoạt động, thông qua đối thoại trực tiếp với đội ngũ lãnh đạo của công ty.
Đầu tiên, là việc nhận dạng giá trị của doanh nghiệp đang sở hữu những tài sản hữu hình và vô hình nào, tài sản nào trong số đó là cần thiết và giúp doanh nghiệp sinh lời... Hệ thống quản lý và điều hành là khía cạnh khác của việc nhận dạng giá trị và cuối cùng, cũng cần nhận biết rõ ràng về môi trường kinh doanh, ít nhất là trong ngành của mình.
Trên cơ sở nhận dạng những giá trị đó, tư vấn “xoay chuyển tình thế” sẽ bình ổn hóa tình hình tài chính và hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc phát triển và thực thi những chiến lược và kế hoạch về nguồn lực (vốn, lãi suất, tài sản và con người,...) một cách toàn diện. Đóng góp của tư vấn “xoay chuyển tình thế” còn nhằm bảo đảm với các chủ sở hữu của doanh nghiệp rằng phía doanh nghiệp sẽ cam kết tiến hành những bước cần thiết nhằm tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp cho các cổ đông.
Các chủ doanh nghiệp thường có khuynh hướng vin vào một sự kiện khách quan nào đó để đổ lỗi cho các vấn đề gặp phải của doanh nghiệp. Đại loại như: có lẽ đó là điểm suy thoái trong một chu kỳ ổn định, do cạnh tranh khắc nghiệt, do hội nhập kinh tế quốc tế... Hoặc giả đó là một quyết định sai lầm khi gia hạn tín dụng hoặc đầu tư lớn vào một sản phẩm mới nhưng bị thất bại. Hay chẳng qua đó chỉ là một vài đơn đặt hàng có chi phí cao hơn dự kiến...
Những gì mà họ có thể làm là chờ qua cơn vận hạn. Trong trường hợp đó, các nhà tư vấn kinh doanh phải giúp doanh nghiệp nhận thức được và thừa nhận thực trạng kinh doanh đang ở trong giai đoạn khủng hoảng và bị đe dọa trầm trọng. Doanh nghiệp càng chấp nhận thực trạng đó sớm bao nhiêu, càng sớm có những giải pháp hợp lý nhằm đối phó với nó.
Phóng viên: Vậy theo bà, khi nào doanh nghiệp cần sự hỗ trợ tư vấn từ bên ngoài?
Bà Deb Aronson: Chính bản chất của vấn đề sẽ tự giúp các doanh nghiệp xác định được nhu cầu cần hỗ trợ từ bên ngoài cho họ là gì. Cho dù doanh nghiệp đang thực sự bị khủng hoảng hay đang mấp mé trên bờ vực của sự khủng hoảng, có thể doanh nghiệp đang phải đương đầu với sự thâm hụt về tiền mặt, không có đủ thời gian để phản ứng, thì vẫn luôn tồn tại một giải pháp phù hợp.
Việc viện tới một sự hỗ trợ từ bên ngoài trong trường hợp này là điều mang tính chất sống còn. Những chuyên gia “xoay chuyển tình thế”, những “bác sĩ” của doanh nghiệp - những người “đã từng ở đó và đã từng thực hiện việc đó”.
Phóng viên: Theo kinh nghiệm của cá nhân của bà, thế nào là một sự lựa chọn đúng khi doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ của tư vấn chuyên nghiệp?
Bà Deb Aronson: Hầu hết chủ của các doanh nghiệp đang gặp rắc rối và khủng hoảng trong hoạt động đều có tâm lý sợ thất bại. Thứ nữa, ít nhà điều hành cao cấp nào muốn bày tỏ với bên ngoài về những khó khăn của mình.
Tôi nhận thấy ở Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung, tâm lý này khá phổ biến. Chính tâm lý sợ hãi này lại làm tê liệt quá trình đưa ra quyết định của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một ông chủ có đầu óc cởi mở tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng phải hành động nhanh và cương quyết. Nhiều ông chủ đã đưa ra những quyết định “chết người” khi nghĩ rằng họ có thể tự giải quyết được vấn đề (thông thường chỉ với đội ngũ quản lý hiện tại).
Điểm nguy hiểm “chết người” ở đây là: nếu giả sử họ thực sự có những kỹ năng và kinh nghiệm đủ để giải quyết được vấn đề, tại sao họ không làm điều đó trước khi để xảy ra tình trạng này? Các nhà tư vấn độc lập và chuyên nghiệp sẽ có “cái đầu lạnh”, tức là bình tĩnh, sáng suốt và khách quan khi nhìn vào những vấn đề của doanh nghiệp.