Giữ lửa nghề cho thợ đóng tàu

Sau quá trình tái cơ cấu, các công ty đóng tàu thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) tuy vẫn giữ ổn định việc làm nhưng lại gặp khó khăn vì luôn thiếu nhân công và tình trạng lao động bỏ việc, chấm dứt hợp đồng. Ðiều này đòi hỏi các đơn vị cần nâng cao tính chủ động, có phương sách tìm kiếm những hợp đồng mới, bảo đảm thu nhập để giữ nguồn nhân lực khi thị trường phát triển trở lại.

Công ty Ðóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn đóng mới tàu du lịch Mekong Jewel.
Công ty Ðóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn đóng mới tàu du lịch Mekong Jewel.

Nhiều lao động bỏ việc

Trong âm thanh va đập chát chúa đinh tai nhức óc của sắt thép, ánh chớp lửa hàn thường gây cho những người chưa quen cảm giác bức bối, khó chịu. Tuy nhiên, từng tốp công nhân đóng tàu đội mũ, đeo khẩu trang bịt kín mặt vẫn mải miết làm việc.

Tại khu vực đốc đóng tàu trọng tải 15 nghìn tấn, anh Nguyễn Ngọc Hồng, 50 tuổi đang vận hành máy bơm rút nước trong đốc đóng tàu, phục vụ tàu ra vào sửa chữa, đóng mới. Nối nghiệp cha mình tại Công ty TNHH một thành viên Ðóng tàu Phà Rừng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), đến nay anh đã gắn bó với nghề đóng tàu 27 năm. Lau mồ hôi ròng ròng trên mặt, anh Hồng bảo, công việc đóng tàu rất nặng nhọc, vất vả và độc hại, nhưng mức lương bình quân hằng tháng chỉ khoảng 10 triệu đồng/người. Thời gian qua, công ty gặp khó khăn về việc làm và thu nhập, có lúc phải nghỉ luân phiên một thời gian nhưng anh vẫn muốn gắn bó đến khi về hưu. Thời điểm hiện tại, tuy chưa hết khó khăn, mức lương không cao nhưng nếu tằn tiện cũng đủ trang trải các chi phí sinh hoạt cho cuộc sống.

Theo tâm sự của anh, ngành cơ khí đóng tàu đòi hỏi mức độ đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cao hơn so một số ngành nghề khác nên rất dễ bị "chảy máu" lao động sang các doanh nghiệp cơ khí có mức lương và điều kiện làm việc đỡ vất vả hơn. Vì thế, nguy cơ thợ tàu bỏ việc ra ngoài làm nếu chế độ đãi ngộ không tương xứng luôn là nỗi lo thường trực đối với Phà Rừng. Ông Tô Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc công ty cho rằng, sau tái cơ cấu về lao động, đến thời điểm hiện nay, công ty còn lại 730 lao động (thấp hơn 100 người so năm 2018 và chỉ bằng gần 20% so với thời kỳ hưng thịnh của ngành đóng tàu năm 2007). Tuy nhiên, Phà Rừng còn có điều kiện hơn một số công ty đóng tàu khác do các đơn hàng vẫn duy trì đến hết năm 2020, nên bảo đảm mức thu nhập bình quân đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng và tất cả công nhân đều có việc làm. Theo ông Hà, việc tuyển dụng công nhân trực tiếp sản xuất rất khó khăn do cạnh tranh lao động gay gắt trên thị trường ở các khu công nghiệp lân cận có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao hơn. Những thời điểm đơn đặt hàng đóng tàu lớn, do không thể tuyển được công nhân tay nghề cao, Phà Rừng phải thuê thêm lao động thời vụ nên mất nhiều thời gian đào tạo, cầm tay chỉ việc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Ngay cả Công ty cổ phần Ðóng tàu Sông Cấm cũng không tránh khỏi vòng xoáy thiếu nguồn lực lao động. Phó Tổng Giám đốc công ty Phan Ðình Lượng cho biết, khi hàng loạt đơn vị của SBIC thua lỗ, phá sản thì Sông Cấm vẫn "sống khỏe". Công ty liên doanh Tập đoàn Damen (Hà Lan) tập trung đóng các sản phẩm tàu kéo - đẩy chuyên dụng cỡ nhỏ, thị trường ít bị chia sẻ. Tuy nhiên, khi thị trường có nhu cầu thì lại không có lao động để đẩy nhanh tiến độ đóng tàu. Ðơn vị hiện có 930 cán bộ công nhân, với quy mô công suất hiện tại, công ty đang thiếu hơn 100 lao động. Ở phía nam, Giám đốc Công ty Ðóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn Ðỗ Văn Khoa cho biết, công ty trước đây có khoảng 1.000 công nhân, sau khi tái cơ cấu còn 500 người, nhưng khoảng 5 năm gần đây, mỗi năm có khoảng 50 người bỏ việc, tuyển dụng công nhân và kỹ sư hết sức khó khăn.

Tìm hướng giữ chân người lao động

Ðánh giá những người thợ đóng tàu thường rất yêu nghề, nếu đơn vị bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định, chắc chắn họ sẽ gắn bó với nghề, với doanh nghiệp. Vì thế, lãnh đạo các công ty đóng tàu vài năm nay xoay đủ cách lo kiếm việc làm và trả lương kịp thời. Tái cơ cấu các đơn vị ngành đóng tàu theo hai giai đoạn: tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh (tập trung chuyên môn đóng tàu, thoái vốn những lĩnh vực ngoài ngành), sau đó tái cơ cấu tài chính. Theo đánh giá của lãnh đạo các đơn vị, tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh đã khá triệt để, còn tái cơ cấu xử lý tài chính rất khó khăn, suốt ba năm nay chưa có động thái chuyển biến tích cực. Toàn SBIC có tám đơn vị được giữ lại sau tái cơ cấu, tuy nhiên tất cả đều chưa được tái cơ cấu về tài chính, tuy năng lực về cơ sở vật chất, nhân lực vẫn tốt, song lại không đủ điều kiện về năng lực tài chính để đi đấu thầu. Vì thế, các đơn vị chỉ có các đơn hàng sửa chữa giá trị thấp để giữ chân thợ tàu, không đủ lực tham gia các đơn hàng đóng mới giá trị lớn.

Mặc dù còn khó khăn, song các đơn vị ngành đóng tàu vẫn gắng sức thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách cho người lao động như không nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không nợ lương; chú trọng các chế độ đãi ngộ khác như có xe đưa đón, tổ chức bữa ăn giữa ca, thưởng vượt năng suất,… Ðể giải quyết bài toán thiếu hụt lao động chất lượng cao, các đơn vị đóng tàu cần đẩy mạnh đào tạo lao động tại chỗ; điều chuyển, sắp xếp lại các bộ phận nhằm tối ưu hóa, tăng năng suất lao động, đồng thời có cơ chế điều chỉnh tăng lương cho những vị trí công việc quan trọng, áp dụng chế độ phụ cấp đối với thợ giỏi,… nhằm duy trì lực lượng lao động cơ hữu, ổn định, bảo đảm yêu cầu sản xuất.

Ðại diện lãnh đạo SBIC khẳng định, bài toán tăng lương cho công nhân và giữ chân người lao động đã được các đơn vị đóng tàu quan tâm, tuy nhiên do đặc thù ngành nghề phụ thuộc vào dòng sản phẩm đóng tàu hay sửa chữa nên mỗi đơn vị lại cần có sự tính toán và điều tiết tùy theo thị trường cũng như kết quả sản xuất, kinh doanh. Thị trường vận tải biển, đóng tàu đang khởi sắc, mặc dù khó khăn ở phía trước vẫn còn nhiều, nhưng là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp đóng tàu trong nước. Tuy nhiên, lãnh đạo SBIC thừa nhận, việc thiếu vắng nhân lực chất lượng cao, kỹ sư lành nghề do chuyển đổi và có những cơ sở đóng tàu nhỏ lẻ của các thành phần kinh tế khác mới mở ra với giá thành đóng tàu thấp hơn, cạnh tranh trực tiếp với các đơn vị trong tổng công ty, đây cũng là "rào cản" để thu hút hay giữ chân người lao động. Vấn đề này cần bàn tay điều tiết của Chính phủ và các bộ, ngành, có chiến lược đúng đắn nhằm duy trì ngành đóng tàu để đáp ứng sự phát triển về sau.

Trong khi các doanh nghiệp đóng tàu còn chưa thoát khỏi khó khăn, rất cần Chính phủ hỗ trợ về cơ chế giao các đơn hàng đóng và bảo dưỡng tàu kiểm ngư cho các đơn vị của SBIC. Ðồng thời, tạo nền tảng năng lực tài chính sạch, cấp đủ vốn điều lệ giúp các đơn vị tham gia các đơn hàng lớn. Hiện tại, có một số sản phẩm tàu đóng mới đang dở dang, không đủ tiền để tiếp tục triển khai, cần được cấp tiền để hoàn thiện, tránh bị xuống cấp, hư hỏng, gây thiệt hại cho các đơn vị.