Mùa xuân đã về và cũng như bao nhiêu mùa xuân trước đây, trên khắp đất nước, mùa trảy hội lại bắt đầu. Một phong tục truyền thống, một mỹ tục của văn hóa dân tộc do cha ông dày công gây dựng lại được tiếp nối bởi các lễ hội được tổ chức suốt từ bắc vào nam, từ miền xuôi đến miền ngược... và làm cho lòng người càng thêm náo nức. Tuy nhiên, qua một số hiện tượng nảy sinh từ hoạt động lễ hội gần đây, chúng ta lại thấy có những vấn đề xã hội - văn hóa cần phải đặt ra và có phương án khắc phục.
Là sản phẩm văn hóa có tuổi lịch sử từ rất lâu đời, tuy hoạt động lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc có thể khác nhau về thời gian ngày hội, hình thức thờ cúng, đối tượng tham dự, cách thức tiến hành... nhưng hoạt động văn hóa này bao giờ cũng là nơi tụ hợp đông người theo định kỳ thời gian, có địa điểm cố định, là nơi người tham dự vừa bày tỏ lòng thành kính đối với đối tượng thờ cúng, vừa được tham gia những hoạt động giải trí vui vẻ, góp phần giải tỏa và bù đắp tinh thần.
Từ đặc điểm của một nền kinh tế nông nghiệp gắn liền với tự nhiên, từ lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước... mà đối tượng thờ cúng trong các lễ hội truyền thống ở Việt Nam rất đa dạng. Ðó có thể là "mẹ lúa" hay "thần sông", có thể là Thánh Gióng hay Chử Ðồng Tử, có thể là Trần Hưng Ðạo hay Nguyễn Huệ, có thể là "thành hoàng làng" hay "ông tổ nghề nghiệp"...
Việc thờ cúng những nhân vật siêu nhiên linh thiêng hoặc những con người đã được linh thiêng hóa nói trên thường là cách thức để nhân dân bày tỏ sự tôn kính, bày tỏ lòng biết ơn hoặc cầu mong sự phù hộ giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cháu con khỏe mạnh.
Nổi lên trong các lễ hội có tính truyền thống ở Việt Nam là lễ hội gắn liền với khát vọng của cư dân nông nghiệp như lễ hội xuống đồng của người Việt, lễ hội Lồng tồng của người Tày, lễ hội Roóng Poọc của người Giáy, lễ hội Gầu tào của người Mông, lễ hội cúng rừng của người Nùng, lễ hội cầu mưa của người Lự, lễ hội rước cá ông của các làng chài ven biển...
Cùng với hoạt động thờ cúng, lễ hội bao giờ cũng được kết hợp các trò chơi, các màn múa hát, diễn xướng dân gian, và thường tổ chức ăn uống linh đình...
Thực tế cho thấy các lễ hội truyền thống còn duy trì đến hôm nay luôn luôn là sự kết hợp giữa một số yếu tố văn hóa cổ truyền (như thờ phụng hoặc cầu cúng về mặt tâm linh, các trò chơi dân gian như ném còn, đánh phết, đánh khăng, thi nấu cơm, thi pháo đất) với các thành phần thuộc về văn hóa đương đại (như chiếu phim, diễn xiếc, biểu diễn ca nhạc).
Các yếu tố trên thường kết hợp nhuần nhuyễn với nhau, làm cho mỗi lễ hội trở thành một tập hợp vô số các hoạt động mà người tham dự phải bỏ rất nhiều công sức mới có thể tham gia, nên dân gian xưa kia đã tổng kết: "Vui xem hát - nhạt xem bơi - tả tơi xem hội", nghĩa là người dự lễ hội bao giờ cũng phải hết mình, đến mức tả tơi!
Ở Việt Nam, do tính chất chu kỳ của hoạt động canh tác và vòng quay hầu như không đổi của bốn mùa mà các lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân - mùa bắt đầu của một năm mới.
Tháng Giêng trở thành khoảng thời gian mà mọi người ít chú trọng tới lao động sản xuất, như tiền nhân từng tổng kết: "Tháng Giêng là tháng ăn chơi"! Trong quá khứ, sản xuất nông nghiệp đã đưa tới một quỹ thời gian rỗi rất rộng rãi, nên người Việt Nam dành nhiều thời gian cho hoạt động lễ hội, mà các câu ca dao như: "Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu - Mồng chín, đâu đâu trở về hội Gióng", "Nhớ ngày mồng bảy tháng ba - Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy", "Ấy ngày mồng sáu tháng ba - Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây", "Bơi Ðăm, rước Giá, hội Thầy - Vui thì vui vậy chẳng tày rã La"... đã cho chúng ta thấy điều đó.
Theo thống kê của học giả Ðoàn Văn Chúc, trước đây hằng năm trung bình mỗi người Việt Nam dành tới 72 ngày để tiến hành các hoạt động lễ, Tết, hội.
Ngoài việc tham dự hội làng ở nơi cư trú, nhiều người còn tham dự lễ hội ở các địa phương, các vùng khác. Các lễ hội nổi tiếng như hội Lim, hội chùa Hương, hội Phủ Dầy ở miền bắc, lễ hội Thiên Y Pônaga ở miền trung, lễ hội Bà chúa Xứ ở miền nam... đã thu hút người từ mọi miền đến tham dự.
Ngày nay, trong khi nhu cầu tham gia lễ hội và điều kiện vật chất để tham gia lễ hội đã tăng lên thì hội làng lại không được tổ chức nhiều như trước, do vậy mà các lễ hội lớn càng thu hút khách thập phương.
Nhìn vào bức tranh lễ hội của đất nước hôm nay, sẽ thấy trong những năm qua, do sự phát triển của văn hóa, do kết quả của một giai đoạn hội nhập và giao lưu văn hóa với thế giới mà một số lễ hội lỗi thời đã mất đi, đồng thời một số lễ hội kiểu mới đã ra đời.
Trong các lễ hội kiểu mới, có lễ hội trở thành phong tục trong sinh hoạt xã hội - văn hóa như lễ hội tổ chức nhân Quốc khánh 2-9, Quốc tế Lao động 1-5. Có lễ hội chủ yếu để quảng bá văn hóa như lễ hội Hoa, lễ hội Biển, lễ hội Trà. Có lễ hội có nguồn gốc từ tín điều tôn giáo và ít nhiều đã được "Việt hóa" như lễ Nô-en (bởi ngoài các giáo dân, thì ý nghĩa tôn giáo cũng mờ nhạt trong nhiều người tham dự).
Lại có lễ hội tổ chức không định kỳ, phụ thuộc vào kế hoạch của chính quyền địa phương, chủ yếu nhằm kỷ niệm một sự kiện lịch sử hoặc tuyên truyền cho hoạt động du lịch... Tuy nhiên, vị trí ưu thắng vẫn thuộc về các lễ hội có tuổi lịch sử lâu đời, vốn tồn tại từ trước đến nay, hoặc mới được phục hồi. Và vì thế, trong một, hai tháng sau Tết, việc tham dự các lễ hội truyền thống đã trở thành điều mà nhiều người trong xã hội quan tâm, theo cả ý nghĩa tích cực và tiêu cực.
Nhìn từ bản chất, dù là sản phẩm của văn hóa - văn minh nông nghiệp, thậm chí là vang bóng của văn hóa - văn minh nguyên thủy, thì lễ hội bao giờ cũng là nơi gửi gắm ước mơ mang ý nghĩa nhân văn của con người, nơi con người tìm thấy niềm vui trong khi được hoạt động giữa cộng đồng, qua đó giải tỏa các tâm trạng, thỏa mãn nhu cầu giao tiếp mà cuộc sống hằng ngày vốn khó tạo ra điều kiện để con người thể hiện.
Từ bình diện đó sẽ thấy tầm mức khát vọng mà các lễ hội chuyển tải cũng khác nhau. Có lễ hội trước hết để giải quyết yếu tố tinh thần - tâm linh của một cộng đồng nhỏ như làng, có lễ hội lại chuyển tải trong đó khát vọng của cả dân tộc như các lễ hội liên quan "tứ bất tử" chẳng hạn. Bởi không có ý nghĩa nào khác, các vị thần linh như Thánh Gióng - Sơn Tinh - Chử Ðồng Tử - Liễu Hạnh bao nhiêu năm nay đã trở thành biểu tượng bất diệt cho khát vọng muôn đời của dân tộc Việt Nam là bảo vệ Tổ quốc, chế ngự tự nhiên, có cuộc sống phồn vinh và được làm con người đích thực.
Mục đích, bản chất của các lễ hội truyền thống và cả sự chi phối của "cái linh thiêng" đối với tâm thế con người, đã làm cho mỗi người tham gia lễ hội đều tự mình nhận biết để tìm ra phương cách điều chỉnh hành vi sao cho không bị hiểu là sự "báng bổ", hay không làm việc gì để có thể bị coi là làm "ô uế chốn linh thiêng".
Trong các lễ hội hôm nay, dường như ý thức về "cái thiêng liêng" đã suy giảm, bởi ngoài đa số lễ hội do bà con các dân tộc thiểu số tổ chức ở vùng cao - nơi mà tính nguyên bản của lễ hội vẫn được duy trì và những người tham dự cũng chưa chịu tác động của lối sống và phong cách sinh hoạt tự do thái quá, thì dự bất cứ một lễ hội nào cũng bắt gặp tình trạng tùy tiện trong cách thức tổ chức và sự hỗn tạp trong hành vi ứng xử của nhiều người tham gia.
Trong một số trường hợp, sự náo nhiệt một cách hồ hởi và vô tư khi tham gia lễ hội đã bị thay thế bằng sự bừa bãi và tùy tiện. Rồi các khát vọng nhân bản nguyên sơ vốn là lý do đưa tới sự ra đời của lễ hội đã bị thay thế bởi tâm lý thực dụng, rất nhiều người đến lễ hội chủ yếu để cầu may, cầu tài lộc theo các hình thức mê tín nhiều hơn là bày tỏ lòng biết ơn đối với người đi trước.
Rồi mục đích trục lợi từ hoạt động lễ hội đã trở nên tràn lan, lấn át và làm giảm tính văn hóa. Lễ hội trở thành cơ hội để người ta "móc túi" du khách bằng vô số thủ đoạn, từ "buôn thần, bán thánh" tới các trò "vui chơi có thưởng" với lời mời chào giảo hoạt làm liên tưởng tới sự lừa gạt nhiều hơn là vui chơi lành mạnh. Rồi các bộ loa công suất lớn phát ra tiếng nhạc xập xình, đinh tai nhức óc hay ra rả tiếng rao hàng làm náo động cả không gian lễ hội. Rồi nữa là các loại ngôn ngữ tục tằn và sự ăn mặc hớ hênh được thể hiện một cách thản nhiên như không cần tính đến lòng tôn kính cần bày tỏ với các vị thánh thần,...Nghĩa là ngày nay, tính văn hóa của nhiều hoạt động lễ hội đã ở mức cần phải được xem xét, ở cả khâu tổ chức lẫn người tham dự.
Sự phát triển của lễ hội trong thời gian gần đây còn được bổ sung bởi sự "lên ngôi" của các lễ hội được định danh là lễ hội văn hóa - du lịch, mà căn cứ vào thực trạng một số lễ hội kiểu này thì xét đến cùng, ý nghĩa thương mại lại được coi trọng hơn là yếu tố văn hóa.
Những màn trình diễn tốn kém, thiếu sáng tạo, thiếu độc đáo, thường có kịch bản và cách thức trình diễn na ná giống nhau đã được tổ chức ở nhiều nơi. Và cho dù lễ hội có làm sôi động không khí sinh hoạt của địa phương trong vài ngày thì sau khi lễ hội qua đi, dư âm văn hóa của nó cũng dần dà phai nhạt.
Cần phải nói rằng, mục đích thương mại, tính chất ít nhiều ngẫu hứng và nhất thời của các lễ hội như vậy thường không hấp dẫn. Thiếu độc đáo và thiếu sự lặp lại theo chu kỳ thời gian, các lễ hội này trở thành ngày vui nhiều hơn là "ngày hội", đúng với ý nghĩa đích thực của khái niệm này.
Vấn đề còn đáng quan ngại hơn là sự phung phí thời gian của rất nhiều cá nhân vào việc tham dự lễ hội, bất chấp hậu quả của hành vi đó làm ảnh hưởng thời gian lao động sản xuất, từ khu vực Nhà nước tới khu vực tư nhân. Như đã trình bày, ở các thế kỷ trước, lao động nông nghiệp đã tạo ra quỹ thời gian rỗi rộng rãi để con người có thể tham dự lễ hội mà không ảnh hưởng nhiều tới thời gian lao động tất yếu. Thời đại lao động công nghiệp và nông lịch hôm nay đã không còn "tháng nông nhàn" và dù sản xuất trực tiếp hay là nhân viên công sở thì việc tận dụng thời gian để làm việc vẫn luôn luôn là yêu cầu hàng đầu.
Nhìn dòng người nườm nượp, chen chúc đổ về các lễ hội không phải vào ngày nghỉ, nhìn hàng dãy xe hơi công sở, không thể không nghĩ tới một kết luận rằng dù đến lễ hội để thắp nén hương tưởng nhớ công ơn người đi trước hay chỉ để tham gia các trò vui thì cũng đều có sự tốn phí thời gian lao động.
Cũng phải nhắc tới những người bỏ bê công việc, hay cuộc sống còn nhiều vất vả mà vẫn mê mải cúng vái từ hội này đến hội khác chỉ để cầu mong gặp một dịp may nằm ngoài năng lực lao động của chính mình... Sự tốn phí thời gian, tiền bạc vào các lễ hội đang là vấn đề từ mỗi địa phương tới mỗi cá nhân cần suy nghĩ nghiêm túc.
Chúng ta cố gắng xây dựng một xã hội phát triển, vậy trước hết phải xác định đó là xã hội của những người làm việc chứ không phải của những người trễ nải, tốn phí thời gian vào các hành vi ngoài lao động.
Tất nhiên, xã hội phát triển sẽ tạo ra tiền đề để con người được vui chơi, tạo điều kiện để giải tỏa, bù đắp về vật chất và tinh thần. Nhưng dẫu sao thì lúc này, trong giai đoạn hiện nay, đối với mọi người Việt Nam thì lao động và lao động tích cực hơn để làm giàu cho bản thân, cho đất nước vẫn là yêu cầu cần phải được coi trọng.
Vì thế, việc tổ chức hay tham dự lễ hội như thế nào cần được cân nhắc nghiêm túc, để vừa không làm mất đi tính văn hóa của lễ hội, vừa không tác động tới hoạt động xã hội nói chung.