Giới nghiên cứu tìm cách chỉnh sửa gene để cứu các rạn san hô

NDO -

Một phòng thí nghiệm tại Mỹ đang nỗ lực tìm cách để giúp các rạn san hô tự bảo vệ mình trước tình trạng biến đổi khí hậu, bằng cách cấy ghép các tế bào gốc của những loài san hô có sức chịu đựng cao vào những loài san hô dễ bị tổn thương để tăng khả năng sinh tồn của chúng.

Rạn san hô Great Barrier ở Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Rạn san hô Great Barrier ở Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà khoa học tại bang Florida (Mỹ) đang nỗ lực nghiên cứu để xác định xem biện pháp trên liệu có hiệu quả, có giúp tăng sức chống chịu của các rạn san hô, trước những tác động của biến đổi khí hậu như: Nước biển dâng, acid hóa đại dương...

Điều này cũng phần nào phản ánh rằng, tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến giới khoa học lo ngại đến mức phải tìm cách điều chỉnh gene của các sinh vật, để giúp chúng thích nghi và tồn tại trong điều kiện môi trường sống có nhiều thay đổi.

Nikki Traylor-Knowles, Trưởng nhóm nghiên cứu của Trường đại học Miami, cảnh báo các rạn san hô đang chết dần với tốc độ đáng báo động và sẽ khó có thể thích ứng theo cách tự nhiên với tình trạng biến đổi khí hậu. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đang cố gắng tìm mọi cách để có thể mang lại hiệu quả bảo vệ cao nhất cho các rạn san hô.

Công trình nghiên cứu tại Florida cũng là một trong nhiều dự án được tổ chức phi lợi nhuận Revive and Restore, có trụ sở tại San Francisco, tài trợ.

Hiện, công nghệ điều chỉnh gene là một công cụ rất có giá trị với các nhà bảo tồn đang tìm cách giúp các loài sinh vật thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu để tồn tại.

Từ trước đến nay, các sinh vật trên Trái đất đều tự tiến hóa hoặc di cư đến một nơi khác để thích ứng với những biến đổi về môi sinh. Tuy nhiên, tốc độ biến đổi khí hậu đang diễn ra quá nhanh khiến môi trường thay đổi nhanh hơn tốc độ biến đổi và thích ứng của các sinh vật.

Ryan Phelan, nhà đồng sáng lập Revive and Restore cho rằng, các nhà khoa học phải can thiệp khi tốc độ tiến hóa của sinh vật không thể bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của môi trường.

Việc cứu các rạn san hô càng cấp bách hơn khi đại dương là nơi hấp thu tới hơn 90% lượng nhiệt tăng do khí nhà kính tích tụ trong bầu khí quyển tạo ra các "bẫy nhiệt". Nhưng cũng chính chức năng bảo vệ mặt đất này lại đẩy lòng đại dương vào nguy cơ phải đón nhận các dòng sóng nhiệt kéo dài và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn và thậm chí là quá sức chịu đựng của các loài san hô, vốn được mệnh danh là rừng nhiệt đới dưới lòng đại dương.

Theo khảo sát của mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu, cùng với tình trạng ô nhiễm và đánh bắt cá không có kiểm soát, tình trạng ấm lên toàn cầu khiến khoảng 14% diện tích các rạn san hô biến mất trong giai đoạn từ năm 2009-2018.

Quỹ nghiên cứu khoa học Catalyst cũng đã dành khoảng 4 triệu USD cho các nghiên cứu về các công cụ công nghệ sinh học để bảo tồn các rạn san hô.