Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Từ sáng ngày mai (17-2), tại Di tích Quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần sẽ diễn ra lễ dâng hương, rước kiệu linh vị các liệt tổ, liệt tông và các vua nhà Trần bằng cả hai đường thủy và bộ. Từ 19 giờ 15 phút cùng ngày, tại sân đền Vua thuộc Khu di tích sẽ diễn ra nghi lễ chính là lễ bái yết. Sau đó, tổ chức lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh Thái Bình.
Theo Ban Tổ chức, Lễ hội đền Trần Thái Bình kéo dài đến hết ngày 22-2 sẽ tiếp tục bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn nhiều hoạt động văn hóa dân gian gắn với sinh hoạt của cư dân vùng trồng lúa nước Bắc Bộ như: tục giao chạ, thi cỗ cá của tám thôn thuộc xã Tiến Đức, thi kéo lửa nấu cơm, thi vật cầu, thi gói bánh chưng, thi pháo đất…
Từ những năm 60 của thế kỷ 20 cho tới nay, các kết quả khảo cổ học của Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng với kết quả điều tra, khảo cổ, tìm hiểu trong các thư tịch cổ và đã xác nhận tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức chính là điểm đầu tiên thủy tổ nhà Trần rời thuyền, lên bờ dựng nghiệp.
Cũng tại Tam Đường, các sử sách và di chỉ khảo cổ cho thấy có nhiều cơ sở để xác định đây là nơi xây dựng Thái Đường Lăng là nơi thờ tự và lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như Thuỷ tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng hoàng Trần Thừa và nhiều vua nhà Trần... Vì vậy, Khu di tích lịch sử Thái Đường Lăng tại xã Tiến Đức được tài liệu lịch sử vẫn gọi là "Trần Triều đế miếu", là vùng đất phát tích, phát nghiệp vương của vương triều Trần.
Từ những năm 90 của thế kỷ 20, con cháu họ Trần và người dân ở xã Tiến Đức đã khôi phục lại lễ hội đền Trần, trong đó nghi lễ quan trọng nhất là lễ bái yết được tổ chức vào tối ngày 13 tháng Giêng, tương truyền là ngày các vua đương triều về Thái Đường Lăng để thắp hương, bái yết lăng mộ tổ tiên.